Câu hỏi
Đại lễ chuộc tội là gì (Yom Kippur)?
Trả lời
Ngày Lễ Chuộc Tội (Lê-vi ký 23:27-28), còn được gọi là Yom Kippur, là ngày lễ trọng thể nhất trong tất cả các ngày lễ và lễ hội của người Y-sơ-ra-ên, diễn ra mỗi năm một lần vào ngày thứ mười của tháng Tishri, tháng thứ bảy theo lịch Do Thái. Vào ngày đó, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ thực hiện các nghi lễ phức tạp để chuộc tội cho dân chúng. Được mô tả trong Lê-vi Ký 16:1-34, nghi lễ chuộc tội bắt đầu với A-rôn, hoặc các thầy tế lễ thượng phẩm sau đó của Y-sơ-ra-ên, đi vào nơi chí thánh. Sự long trọng của ngày này được nhấn mạnh bởi Đức Chúa Trời bảo Môi-se cảnh cáo A-rôn không được vào Nơi Chí Thánh bất cứ khi nào ông muốn, mà chỉ vào ngày đặc biệt này mỗi năm một lần, nếu không ông sẽ chết (c. 2). Đây không phải là một buổi lễ bị xem nhẹ, và mọi người phải hiểu rằng sự chuộc tội phải được thực hiện theo cách của Đức Chúa Trời.
Trước khi bước vào Đền Tạm, A-rôn phải tắm rửa và mặt bộ áo đặt biệt (c.4), sau đó dâng một con bò đực làm của lễ chuộc tội cho chính mình và gia đình (c.6,11). Huyết của con bò đực sẽ được rảy trên hòm giao ước. Sau đó, A-rôn mang theo hai con dê, một con để làm vật sinh tế “vì cớ sự ô uế, sự vi phạm và tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên phải làm lễ chuộc tội cho nơi thánh và cho hội mạc ở giữa sự ô uế của họ” (c. 16), và huyết của nó được rảy trên hòm giao ước. Con dê còn lại được dùng để gánh tội. A-rôn đặt tay lên đầu nó, xưng tội phản nghịch và gian ác của dân Y-sơ-ra-ên, rồi sai người thả dê ra đồng vắng (c. 21). Con dê mang trên mình mọi tội lỗi của mọi người, và được tha thêm 1 năm nữa (c. 30).
Ý nghĩa tượng trưng của nghi lễ, đặc biệt là đối với các Cơ Đốc nhân, được thể hiện trước hết trong việc thầy tế lễ thượng phẩm, người thả dê và người mang các con vật sinh tế ra ngoài trại quân để đốt xác phải tắm rửa sạch sẽ (c. 4, 24, 26, 28). Các nghi lễ thanh tẩy của người Y-sơ-ra-ên thường được yêu cầu xuyên suốt Cựu Ước và tượng trưng cho nhu cầu tẩy sạch tội lỗi của loài người. Nhưng chỉ đến khi Chúa Giê-su đến để dâng của lễ “một lần đủ cả” thì nhu cầu về nghi lễ thanh tẩy mới chấm dứt (Hê-bơ-rơ 7:27). Huyết của bò đực và dê chỉ có thể chuộc tội nếu nghi lễ được thực hiện liên tục năm này qua năm khác, trong khi sự hy sinh của Đấng Christ một lần đủ cả cho mọi tội lỗi của tất cả những ai tin vào Ngài. Khi sự hy sinh của Ngài được thực hiện, Ngài tuyên bố: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30). Sau đó, Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời và không cần sinh tế nữa (Hê-bơ-rơ 10:1-12).
Sự đầy đủ và trọn vẹn trong sự hy sinh của Đấng Christ cũng được thấy nơi hai con dê. Huyết của con dê đầu tiên được rưới lên Hòm Giao Ước, theo nghi thức xoa dịu cơn thịnh nộ của Chúa trong một năm nữa. Con dê thứ hai đã rũ bỏ tội lỗi của con người vào nơi hoang dã, nơi chúng bị lãng quên và không còn đeo bám con người nữa. Tội lỗi vừa được xoa dịu vừa được chuộc theo cách của Đức Chúa Trời—chỉ bằng sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá. Sự chuộc tội là hành động xoa dịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, trong khi sự đền tội là hành động chuộc tội và loại bỏ tội lỗi khỏi tội nhân. Cả hai đã được Chúa Giê-su làm trọn. Khi hy sinh chính mình trên thập tự giá, Ngài đã xoa dịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi, gánh lấy cơn thịnh nộ đó trên chính Ngài: “Chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!!” (Rô-ma 5:9). Việc con dê thứ hai xóa bỏ tội lỗi là một câu chuyện ngụ ngôn sống động về lời hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ cất bỏ những vi phạm của chúng ta khỏi chúng ta như phương đông xa cách phương tây (Thi thiên 103:12) và Ngài sẽ không nhớ đến tội lỗi chúng ta nữa (Hê-bơ-rơ 8: 12; 10:17). Người Do Thái ngày nay vẫn kỷ niệm Ngày Lễ Chuộc Tội hàng năm, rơi vào các ngày khác nhau hàng năm từ tháng 9 đến tháng 10, theo truyền thống cử hành ngày thánh này với khoảng thời gian 25 giờ ăn chay và cầu nguyện chuyên sâu, và thường dành phần lớn thời gian trong ngày để tham gia các buổi lễ trong nhà hội của người Do Thái.
English
Đại lễ chuộc tội là gì (Yom Kippur)?