settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về thói đạo đức giả?

Trả lời


Về bản chất, "đạo đức giả" được hiểu là việc tuyên bố tin vào điều gì đó nhưng lại hành động theo một cách khác. Từ này trong Kinh thánh bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp có nghĩa là “diễn viên”—nghĩa đen là “người đeo mặt nạ”—nói cách khác, một người giả vờ là một con người khác với bản chất thật của chính mình.

Kinh Thánh gọi thói đạo đức giả là tội. Có hai hình thức đạo đức giả. Thứ nhất, đó là tuyên bố tin vào điều gì đó rồi hành động cách trái ngược với niềm tin đó, và thứ hai là xem thường người khác khi bản thân mình có khuyết điểm.

Tiên tri Ê-sai đã lên án thói đạo đức giả vào thời của ông: “Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi-miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm; sự chúng nó kính-sợ ta chẳng qua là điều-răn của loài người, bởi loài người dạy cho” (Ê-sai 29:13). Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su trích dẫn lại câu này, nhằm mục đích lên án các nhà lãnh đạo tôn giáo trong thời của Ngài (Ma-thi-ơ 15:8-9). Giăng Báp-tít nói cùng đoàn dân giả dối đến với ông để làm phép báp têm là "dòng dõi rắn lục" và cảnh báo những kẻ đạo đức giả phải "kết quả xứng đáng với sự ăn năn" (xin xem Lu-ca 3:7–9). Chúa Giê-su cũng phản đối quyết liệt với thái độ ra vẻ là công chính—Ngài gọi những kẻ đạo đức giả là “sói đội lốt chiên” (Ma-thi-ơ 7:15), “mồ mả tô trắng” (Ma-thi-ơ 23:27), “rắn,” và “dòng dõi rắn lục” (Ma-thi-ơ 23:33).

Chúng ta không thể nói mình yêu Chúa nếu không yêu anh em mình (I Giăng 2:9). Tình yêu thương phải “không giả hình” (Rô-ma 12:9). Một kẻ đạo đức giả có vẻ bề ngoài như là công chính, nhưng đó là một bộ mặt giả tạo. Sự công chính thật đến từ sự biến đổi bên trong bởi Đức Thánh Linh, không phải là sự vâng phục bên ngoài theo một luật lệ nào đó (Ma-thi-ơ 23:5; II Cô-rinh-tô 3:8).

Chúa Giê-su cũng nhắc đến một hình thức giả hình khác trong Bài Giảng Trên Núi: “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả-hình! Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.” (Ma-thi-ơ 7:3-5). Chúa Giê-su không dạy chúng ta cách tránh việc xét đoán người khác hay giúp người khác chiến thắng tội lỗi; thay vào đó, Ngài bảo chúng ta đừng quá tự hào và đánh giá cao về sự công bình của mình đến mức chỉ trích người khác. Chúng ta nên tự xét mình trước và sửa chữa những thiếu sót của mình trước khi chạy theo “những vết nhơ” của người khác (xem Rô-ma 2:1).

Trong những năm chức vụ của Chúa Giê-su trên đất, Chúa đã có nhiều lần đối đầu với những người Pha-ri-si là các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Những người này thông thạo Kinh Thánh và sốt sắng làm theo mọi điều được chép trong Luật pháp (Công vụ các sứ đồ 26:5). Tuy nhiên, cùng với việc tuân giữ các phép tắc của Luật Pháp, họ đã tích cực tìm kiếm những kẽ hở để họ vi phạm. Ngoài ra, họ còn thể hiện sự thiếu lòng trắc ẩn đối với dân tộc mình và thường thể hiện thái quá mức độ thuộc linh của mình để được khen ngợi (Ma-thi-ơ 23:5–7; Lu-ca 18:11). Chúa Giê-su lên án hành vi của họ một cách rõ ràng, Ngài chỉ ra rằng “sự công bình, thương xót và trung tín” quan trọng hơn việc theo đuổi sự hoàn hảo dựa trên các tiêu chuẩn sai lầm (Ma-thi-ơ 23:23). Chúa Giê-su nói rõ rằng vấn đề không phải ở Luật pháp mà là ở cách người Pha-ri-si thi hành Luật pháp (Ma-thi-ơ 23:2-3). Ngày nay, từ “Pha-ri-si” cũng được hiểu là “kẻ đạo đức giả.”

Cần lưu ý rằng đạo đức giả không giống như việc chống lại tội lỗi. Chẳng hạn như, dù chúng ta vẫn còn đôi khi say rượu nhưng chúng ta khuyên bảo người khác rằng say rượu là tội lỗi. Hành động này không phải là đạo đức giả. Bởi Cơ Đốc nhân sẽ không ai là hoàn hảo cả; chúng ta vẫn sẽ phạm tội. Không sống theo các tiêu chuẩn của Kinh Thánh không được xem là đạo đức giả. Nhưng nếu chúng ta nói rằng chúng ta tin Đức Chúa Trời và muốn vâng lời Ngài mà không cố gắng làm như vậy, thì đó là đạo đức giả. Sẽ là đạo đức giả nếu chúng ta vừa nói người khác không được phép say rượu và cũng lại say xỉn vào mỗi cuối tuần. Cũng sẽ là đạo đức giả nếu hành động như thể chúng ta ít cần đến ân điển của Chúa hơn những người khác, bởi vì say rượu không phải là một tội lỗi mà chúng ta có thể chiến đấu với nó.

Là con cái Chúa, chúng ta được mời gọi để trở nên thánh (I Phi-e-rơ 1: 16). Chúng ta phải “ghét điều dữ” và “thích điều lành” (Rô-ma 12:9). Chúng ta đừng bao giờ chấp nhận tội lỗi, đặc biệt là trong cuộc sống của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta làm phải nhất quán với những gì chúng ta tin và chúng ta là ai trong Đấng Christ. Diễn kịch là dành cho sân khấu, không dành cho đời thực.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về thói đạo đức giả?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries