Câu hỏi
Giao ước Môi-se là gì?
Trả lời
Giao ước Môi-se là một giao ước có điều kiện giữa Đức Chúa Trời với dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-nai (Xuất Ai cập 19-24). Thỉnh thoảng, nó còn được gọi là giao ước Si-nai, nhưng nó vẫn thường được biết đến với tên gọi là Giao ước Môi-se vì Đức Chúa Trời đã chọn Môi-se trở thành người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên vào lúc đó. Khuôn mẫu của giao ước này cũng tương tự với những giao ước cổ khác vào thời đó bởi vì đây là giao ước giữa 1 vị Vua đang cai trị (Đức Chúa Trời) với dân sự của Ngài (dân Y-sơ-ra-ên). Vào thời điểm của giao ước này, Đức Chúa Trời nhắc nhở dân sự của Ngài cần phải vâng theo luật lệ của Ngài (Xuất Ai-cập 19:5), và dân sự đồng ý với giao ước đó, họ đáp rằng: "chúng tôi sẽ làm theo mọi điều Đức Chúa Trời phán dặn!" (Xuất Ai-cập 19:8). Giao ước này dùng để biệt riêng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi các dân tộc khác để trở thành dân được chọn của Ngài và được công nhận ngang hàng với giao ước không điều kiện mà Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham vì đó cũng là một giao ước bởi huyết. Giao ước Môi-se là giao ước vô cùng ý nghĩa trong lịch sử cứu chuộc của Đức Chúa Trời lẫn lịch sử của dân tộc Y-sơ-ra-ên, qua đó Ngài đã chọn một người để ban phước cho toàn nhân loại bởi Lời được viết ra và cả Lời sống của Ngài, là Chúa Giê-xu Christ.
Giao ước Môi-se là trung tâm của những luật lệ thánh mà Chúa ban cho Môi-se tại núi Si-nai. Để hiểu những giao ước khác nhau trong Kinh Thánh và mối liên hệ của chúng với nhau, thì điều quan trọng là, cần phải hiểu rằng giao ước Môi-se đặc biệt khác với giao ước Áp-ra-ham và khác với những giao ước về sau trong Kinh Thánh bởi vì nó là giao ước có điều kiện, Đức Chúa Trời hứa sẽ ban phước cho dân sự khi họ chịu tuân theo luật pháp Môi-se. Nếu dân Y-sơ-ra-ên vâng lời, thì Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho họ, nhưng nếu họ không vâng lời, thì Ngài sẽ hình phạt họ. Các phước hạnh và lời rủa sả liên quan đến giao ước điều kiện này được nêu chi tiết trong Phục truyền luật lệ ký 28. Những giao ước khác được tìm thấy trong Kinh Thánh là các giao ước đơn phương, vì chính Đức Chúa Trời tự ràng buộc Ngài thực hiện lời hứa, bất kể đáp ứng của người nhận giao ước như thế nào. Trái lại, giao ước Môi-se là giao ước song phương, đặc biệt nhấn mạnh đến nghĩa vụ của cả hai bên đối với giao ước.
Giao ước Môi-se trở nên đặc biệt có ý nghĩa là vì Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ làm cho dân Y-sơ-ra-ên trở thành "một nước của thầy tế lễ cùng một dân tộc thánh cho ta" (Xuất Ai-cập 19:6). Dân Y-sơ-ra-ên được chọn để trở thành ánh sáng của Chúa chiếu rọi giữa thế giới tăm tối. Họ phải trở thành một quốc gia riêng biệt và được kêu gọi để mọi người xung quanh họ biết họ đang thờ phượng Đức Giê-hô-va, là Đấng gìn giữ giao ước. Giao ước này quan trọng vì chính tại đây, dân Y-sơ-ra-ên nhận lãnh luật Môi-se như là một thầy giáo chỉ đường cho họ đến với Đấng Christ (Ga-la-ti 3:24-25). Luật Môi-se chỉ cho họ thấy tội lỗi của chính họ và cho thấy họ cần có Đấng Cứu chuộc, và chính Chúa Giê-xu cũng nói rằng Ngài đến không phải để phá hủy nhưng làm cho trọn luật pháp, đó chính là luật Môi-se. Đây là một ý tưởng quan trọng bởi vì một số người đã bị nhầm lẫn khi nghĩ rằng việc giữ luật pháp trong thời Cựu ước có thể mang đến sự cứu chuộc, nhưng Kinh thánh chỉ rõ rằng sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin (Sáng Thế Ký 15:6), và lời hứa cứu chuộc bởi đức tin mà Đức Chúa Trời đã thực hiện cho Áp-ra-ham như một phần của giao ước Áp-ra-ham vẫn còn hiệu lực (Ga-la-ti 3:16-18).
Cũng vậy, hệ thống của tế lễ trong luật Môi-se không thể xóa bôi tội lỗi (Hê-bơ-rơ 10:1-4); nó chỉ là hình bóng chỉ về sự gánh tội của Đấng Christ, là thầy tế lễ thượng phẩm hoàn hảo cũng chính là của lễ hoàn hảo (Hê-bơ-rơ 9:11-28). Vì thế, tự bản thân giao ước Môi-se, cùng với tất cả những chi tiết luật lệ của nó, không thể cứu chuộc bất kỳ ai. Điều này không nói lên rằng bản thân luật pháp có vấn đề, vì luật pháp là toàn vẹn và được ban cho bởi Đức Chúa Trời, nhưng Luật pháp không có quyền để ban cho con người sự sống mới, và con người cũng không thể tuyệt đối làm theo Luật pháp (Rô-ma 7:10-11; Ga-la-ti 3:21).
Giao ước Môi-se được gọi là giao ước cũ (2 Cô-rinh-tô 3:14; Hê-bơ-rơ 8:6,13) và được thay thế bởi giao ước mới trong Đấng Christ (Lu-ca 22:20; 1 Cô-rinh-tô 11:25; 2 Cô-rinh-tô 3:6; Hê-bơ-rơ 8:8, 13; 9:15; 12:24). Giao ước mới trong Đấng Christ tốt hơn (Hê-bơ-rơ 7:22) giao ước cũ của Môi-se bởi vì nó hoàn tất lời hứa được chép trong Giê-rê-mi 31:31-34, và như được trích dẫn trong Hê-bơ-rơ 8.
English
Giao ước Môi-se là gì?