Câu hỏi
Ai là hai nhân chứng trong sách Khải Huyền?
Trả lời
Có ba quan điểm chính về danh tính của hai nhân chứng trong Khải Huyền 11:3-12 là: 1) Môi-se và Ê-li, 2) Hê-nóc và Ê-li, và 3) hai tín hữu vô danh mà Chúa gọi là nhân chứng của Ngài trong thời kỳ cuối cùng.
Môi-se và Ê-li được xem là có khả năng do quyền năng biến nước thành huyết của họ (Khải Huyền 11:6), là điều mà Môi-se đã được biết đến (Xuất Ê-díp-tô ký chương 7); và sức mạnh của họ để tiêu diệt người bằng lửa từ trời (Khải Huyền 11:5), là điều mà Ê-li đã được biết đến (II Các vua chương 1). Cũng tiếp thêm sức mạnh cho quan điểm này là thực tế rằng Môi-se và Ê-li đã xuất hiện cùng với Chúa Giê-xu trong lúc hóa hình (Ma-thi-ơ 17:3-4). Hơn nữa, truyền thống Do Thái hy vọng Môi-se và Ê-li sẽ trở lại trong tương lai. Ma-la-chi 4:5 dự đoán sự sắp đến của Ê-li, và một số người Do Thái tin rằng lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một tiên tri như Môi-se (Phục truyền luật lệ ký 18:15,18) cũng đòi hỏi sự trở lại của Môi-se.
Hê-nóc và Ê-li được xem là những danh tính có khả năng của hai nhân chứng bởi vì họ là hai cá nhân trong lịch sử chưa bao giờ trải qua sự chết (Sáng thế ký 5:24; II Các vua 2:11). Việc cả Hê-nóc và Ê-li không chết dường như đủ điều kiện cho sự chết và sống lại của hai nhân chứng (Khải Huyền 11:7-12). Những người đề xuất quan điểm này cho rằng Hê-bơ-rơ 9:27 (tất cả mọi người đều chết một lần) làm cho Môi-se không đủ tư cách để là một trong hai nhân chứng, vì Môi-se đã chết một lần (Phục truyền luật lệ ký 34:5). Tuy nhiên, có nhiều người khác trong Kinh Thánh đã chết hai lần, ví dụ như: La-xa-rơ, Đô-ca và con gái Giai-ru, vì vậy thực sự không có lý do gì để loại bỏ Môi-se trên cơ sở đó.
Quan điểm thứ ba về cơ bản lập luận rằng Khải Huyền chương 11 không gắn bất kỳ tên nổi tiếng nào cho hai nhân chứng. Nếu các nhân chứng là Môi-se và Ê-li, hoặc Hê-nóc và Ê-li, thì tại sao Kinh Thánh lại im lặng về danh tính của họ? Đức Chúa Trời hoàn toàn có khả năng lấy hai tín đồ "bình thường" và cho phép họ thực hiện các dấu kỳ và phép lạ giống như Môi-sê và Ê-li. Không có gì trong Khải Huyền 11 yêu cầu chúng ta phải giả định một danh tính "nổi tiếng" cho hai nhân chứng.
Vậy quan điểm nào là đúng? Chúng ta không biết chắc chắn. Điểm yếu có thể có của quan điểm thứ nhất là Môi-se đã chết một lần và do đó không thể là một trong hai nhân chứng (vì sự chết của ông sẽ là sự mâu thuẫn của Hê-bơ-rơ 9:27); tuy nhiên, những người đề xuất quan điểm này sẽ lập luận rằng tất cả những người được phục sinh một cách kỳ diệu trong Kinh Thánh (ví dụ như La-xa-rơ) sau đó đã chết một lần nữa. Vậy thì, Hê-bơ-rơ 9:27 có thể được xem là "một quy tắc chung" và không phải là một nguyên tắc phổ quát. Đối với những dự đoán của Kinh Thánh về sự sắp đến của Ê-li và nhà tiên tri như Môi-se, thì Tân Ước nói rõ rằng những lời tiên tri đó đã được thực hiện bởi Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ 11:12-14; Lu-ca 1:17) và chính Chúa Giê-xu (Công vụ 3:20-26) theo thứ tự.
Không có điểm yếu rõ ràng nào đối với quan điểm thứ hai về Hê-nóc và Ê-li, vì nó giải quyết được vấn đề "chết một lần". Thật có ý nghĩa rằng Chúa có thể đã đưa Hê-nóc và Ê-li lên thiên đàng mà không chết để "cứu" họ với mục đích đặc biệt sau đó. Cũng không có điểm yếu rõ ràng nào cho quan điểm thứ ba.
Tất cả ba quan điểm đều là những diễn giải hợp lý, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn chắc chắn về bất kỳ quan điểm nào trong số chúng vì Kinh Thánh không tiết lộ danh tính của các nhân chứng. Do đó, Cơ Đốc nhân không nên giáo điều về vấn đề này.
English
Ai là hai nhân chứng trong sách Khải Huyền?