Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về việc hiến tạng?
Trả lời
Kinh Thánh không đề cập cụ thể đến vấn đề cấy ghép nội tạng. Rõ ràng, cấy ghép nội tạng chưa được biết đến trong thời Kinh Thánh. Tuy nhiên, có những câu Kinh Thánh minh họa các nguyên tắc mở có thể được áp dụng. Một trong những lý lẽ thuyết phục nhất cho việc hiến tạng là tình yêu thương và lòng trắc ẩn mà một hành động thể hiện đối với người khác. Nhiệm vụ "yêu người lân cận như mình" đã được nêu ra bởi Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 5:43-48), Phao-lô (Rô-ma 13:9) và Gia-cơ (Gia-cơ 2:8), nhưng nó thực sự có thể bắt nguồn từ thời Cựu Ước (Lê-vi ký19:18). Ngay từ những ngày đầu tiên trong Cựu Ước, dân sự của Đức Chúa Trời đã được truyền lệnh phải thể hiện tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời cũng như đối với những người lân cận của họ. Sẵn sàng hiến tạng từ chính cơ thể của mình dường như là một ví dụ điển hình về sự hy sinh quên mình vì người khác.
Chúng ta có một ví dụ tuyệt vời nhất về điều này trong sự hy sinh mà Chúa Giê-su Christ đã thực hiện khi Ngài dâng thân thể mình vì toàn thể nhân loại. Giăng đã tóm tắt mệnh lệnh một cách tốt đẹp khi ông viết, "Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau" (1 Giăng 4:11). Khi Chúa Giê-su cố gắng truyền đạt thông điệp về tình yêu thương vô điều kiện cho người khác, Ngài nói về việc quan tâm giúp đỡ những người đói, khát, vô gia cư, trần truồng, bệnh tật và bị giam cầm (Ma-thi-ơ 25:35-46). Ngài tiếp tục tuyên bố: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy" (Ma-thi-ơ 25:40). Chúa Giê-su cũng dùng dụ ngôn Người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10: 25-37) để dạy rằng chúng ta, là Cơ đốc nhân, phải tử tế và bày tỏ tình yêu thương đối với mọi người. Nếu một thực hành hoặc thủ tục không mâu thuẫn với các nguyên tắc Kinh Thánh thì nó nên được coi là được phép và có thể được các Cơ Đốc nhân trung tín ủng hộ.
Một số người xem việc hiến tạng là hình thức cắt xẻo cơ thể người. Thông thường, những phân đoạn như 1 Cô-rinh-tô 6:19-20 được sử dụng để bảo vệ ý kiến rằng không nên mổ lấy nội tạng từ thân thể của một người. Là những người quản gia sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, chúng ta nên đối xử với thân thể mình một cách tôn trọng và kiêng những gì có hại cho thân thể. Tuy nhiên, khi Phao-lô viết những lời đó cho tín đồ Đấng Christ tại Cô-rinh-tô, ông nói: "Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời" (1 Cô-rinh-tô 6:20), cho thấy đây là điều cần được lưu tâm trong khi cá nhân vẫn còn sống. Trong lá thư thứ hai của sứ đồ Phao-lô gửi đến hội thánh tại Cô-rinh-tô, ông nhắc họ: "Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra" (2 Cô-rinh-tô 5:1). Một trong những mối quan tâm lớn nhất của Cơ Đốc nhân - quan niệm rằng toàn bộ cơ thể cần phải có và được bảo quản theo một cách nào đó để chờ ngày phục sinh. Vì vậy, nhiều Cơ Đốc nhân miễn cưỡng hiến tạng vì họ tin rằng bản thân sự phục sinh đòi hỏi một thân thể "hoàn chỉnh". Tuy nhiên, sau khi A-đam và Ê-va phạm tội trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời phán với A-đam rằng: "ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng thế ký 3:19). Vì vậy, Đức Chúa Trời phán rằng một ngày nào đó thân thể trần thế của chúng ta sẽ trở lại bụi đất.
Phao-lô, khi viết thư cho tín đồ Cô-rinh-tô, đã cung cấp một số hiểu biết về sự khác biệt giữa thân xác lúc chết (có thể bị vứt bỏ theo nhiều cách khác nhau) và thân thể thiêng liêng khi sống lại (1 Cô-rinh-tô 15: 35-49). Ông đã dùng phép loại suy về sự khác biệt giữa hạt giống và sản phẩm của hạt giống đó để minh họa sự khác biệt giữa thân xác vật lý và thân thể sống lại. Sau đó, ông tiếp tục nhận xét: "đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng. Nếu đã có thể huyết khí, thì cũng có thể thiêng liêng" (1 Cô-rinh-tô 15:44). Nếu chúng ta tin rằng thân thể được cất lên lúc sống lại chỉ đơn giản là hình ảnh của "sự tái chiếm" thân xác trên đất của chúng ta, thì chúng ta có một quan niệm sai lầm về sự phục sinh của mình như đã được trình bày trong Kinh Thánh. Chúng ta được cho biết rằng thân thể trên đất của chúng ta đó là "thịt và máu," sẽ không được vào hưởng cơ nghiệp nước Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 15:50). Dựa trên những sự kiện này, Cơ Đốc nhân không nên sợ hãi hoặc từ chối việc hiến tặng nội tạng chỉ nhằm cố gắng giữ cho thân thể nguyên vẹn cho sự sống lại.
English
Kinh Thánh nói gì về việc hiến tạng?