Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về một cuộc hôn nhân không hạnh phúc?
Trả lời
Chúng ta biết chắc một điều: hôn nhân không hạnh phúc không phải là căn cứ (lý do) của Kinh Thánh để ly hôn. Trong Mác 10:11–12 Chúa Giê-su nói, “Ai bỏ vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà dâm với người; còn nếu người đàn bà bỏ chồng mình mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội tà dâm”. Dựa trên Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng mọi người không có quyền phân rẽ một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Đức Chúa Trời đã định rằng cuộc hôn nhân là suốt đời.
Ê-phê-sô chương 5 trình bày hôn nhân như một bức tranh về mối quan hệ mà Đức Chúa Trời có với chúng ta. Đây là một lý do tại sao Đức Chúa Trời quan tâm đến việc giữ cho các cuộc hôn nhân được nguyên vẹn. Những cuộc hôn nhân đổ vỡ, gia đình ly tán đang gây tổn hại đến vợ chồng, chưa kể con cái. Sự hủy hoại tài chính chỉ là một trong những kết quả không mấy tốt đẹp của việc ly hôn. Đơn vị gia đình là nền tảng cơ bản của bất kỳ xã hội nào, và tình trạng ly hôn tràn lan sẽ có ảnh hưởng bi thảm đến tất cả nền văn hóa.
Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời muốn buộc chúng ta mãi mãi ở trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ngài không yêu cầu chúng ta phải nghiến răng và chịu đựng nó. Khi Đức Chúa Trời tiếp cận những nan đề trong hôn nhân, Ngài hành động từ khía cạnh làm cách nào để khắc phục chúng, chứ không phải làm cách nào để phá hủy cuộc hôn nhân. Chẳng hạn, Phao-lô viết về tác động của ma quỷ trong các cuộc hôn nhân (1 Cô-rinh-tô 7:5). Ông nói rằng vợ chồng nên tích cực trong mối quan hệ tình dục để Sa-tan không thể cám dỗ họ. Phi-e-rơ khuyến khích người chồng đối xử với vợ bằng sự cảm thông để lời cầu nguyện của họ không bị ngăn trở (1 Phi-e-rơ 3:7). Từ những đoạn Kinh Thánh này, chúng ta có thể thấy rằng hôn nhân là một chiến trường thuộc linh. Cần phải hành động để đấu tranh cho mối quan hệ, chứ không phải đấu tranh trong mối quan hệ.
Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta hướng tới sự hòa giải. Ma-thi-ơ 18:15–16 đòi hỏi sự giao tiếp cởi mở, trung thực để giải quyết những tổn thương và thất vọng do tội lỗi gây ra. Nó thậm chí còn khuyến khích chúng ta đón nhận sự giúp đỡ để giải quyết các nan đề. Đức Chúa Trời cũng kêu gọi chúng ta tìm niềm vui và hạnh phúc trong Ngài (Phi-líp 4: 4). Niềm vui của Chúa là điều bạn có thể có bất kể điều kiện nào. Trong tất cả các hướng dẫn của Đức Chúa Trời để trải nghiệm niềm vui, không có hướng dẫn nào yêu cầu vợ / chồng hợp tác. Người phối ngẫu không kiểm soát khả năng của chúng ta để có được niềm vui hoặc sự bình an. Gia-cơ 1:3–4 cho chúng ta biết rằng niềm vui sâu sắc, bền vững đến khi chúng ta kiên trì vượt qua thử thách, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, cũng như khi đức tin của chúng ta trưởng thành và được vững chắc.
Sách Phi-líp là một nghiên cứu tuyệt vời về sự khác biệt giữa niềm vui và hạnh phúc. Được viết bởi sứ đồ Phao-lô khi ông bị giam cầm ở Rô-ma, cuốn sách này sử dụng các từ hãy luôn vui mừng, hãy vui mừng đi, rất vui mừng - 16 lần và dạy chúng ta cách hài lòng thực sự trong Chúa Giê-su Christ, bất chấp hoàn cảnh của chúng ta. Trong chuỗi sự kiện, Phao-lô nói về đức tin và sự tin cậy của ông nơi Đấng Christ và điều đó đã thay đổi toàn bộ quan điểm của ông về sự đau khổ.
Đức Chúa Trời đã ban cho các người chồng những chỉ dẫn rõ ràng trong Ê-phê-sô 5:25–28: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh… Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy". Đối với những người vợ, sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời là vâng phục sự lãnh đạo của chồng (câu 22) và tôn trọng chồng (câu 33). Với tinh thần trở nên giống như Đấng Christ, cả hai đều phải vâng phục nhau (Ê-phê-sô 5:21). Nếu cả hai vợ chồng đều sống theo những trách nhiệm trong Kinh Thánh, thì cuộc hôn nhân sẽ có sự vui mừng và hạnh phúc. Có người nữ nào lại không tôn trọng và vâng phục một người chồng yêu thương cô ấy như cách Đấng Christ yêu Hội Thánh của Ngài? Và có người nam nào lại không yêu một người nữ tôn trọng và vâng phục mình? Sự bất hạnh xuất hiện trong quá nhiều cuộc hôn nhân thường là kết quả của việc một hoặc cả hai bên không chịu thuận phục Đức Chúa Trời và vâng theo ý muốn được bày tỏ của Ngài về hôn nhân. Đôi khi bất hạnh càng trầm trọng hơn bởi những vấn đề chưa được giải quyết của một bên đã bị rò rỉ vào hôn nhân. Trong những trường hợp đó, tư vấn cá nhân có thể hữu ích ngoài việc tư vấn hôn nhân.
Ngay cả khi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc là kết quả của việc một tín đồ kết hôn với một người không tin Chúa, luôn có khả năng người phối ngẫu tin Chúa có thể dẫn dắt người phối ngẫu không tin Chúa đến với Chúa bằng cách cư xử trong sạch và tử tế của họ. “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo” (1 Phi-e-rơ 3:1). Kinh Thánh đề cập cụ thể đến những người kết hôn với người không tin Chúa trong 1 Cô-rinh-tô 7:12–14: “… Nếu người anh em nào có vợ ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì không nên để bỏ. Lại nếu một người đàn bà có chồng ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì vợ cũng không nên lìa chồng. Bởi vì, chồng không tin Chúa, nhân vợ mình được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhân chồng mình tin Chúa được nên thánh”.
Cuối cùng, chúng ta phải nhớ rằng “Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người, nhưng mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác” (1 Phi-e-rơ 3:12). Đức Chúa Trời biết nỗi đau của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, và Ngài thấu hiểu những ham muốn xác thịt, nhưng Ngài đã ban Lời Ngài cho chúng ta về vấn đề này và Ngài yêu cầu chúng ta vâng lời. Sự vâng lời Đức Chúa Trời luôn mang lại sự vui mừng (Rô-ma 16:19).
English
Kinh Thánh nói gì về một cuộc hôn nhân không hạnh phúc?