Sách I Phi-e-rơ
Tác giả: I Phi-e-rơ 1:1 viết rõ ràng rằng tác giả của sách I Phi-e-rơ là sứ đồ Phi-e-rơ.Thời gian viết: Sách I Phi-e-rơ có thể được viết khoảng giữa năm 60 và 65 sau Công Nguyên.
Mục đích viết: Sách I Phi-e-rơ là lá thư từ Phi-e-rơ gửi cho những tín đồ rải rác khắp thế giới cổ xưa và đang bị bắt bớ rất khốc liệt. Nếu ai hiểu được sự bắt bớ thì đó chính là Phi-e-rơ. Ông đã bị đánh, bị đe dọa, bị hình phạt và bị lao tù vì rao giảng Lời Chúa. Ông hiểu rằng để chịu đựng những điều đó mà không có sự cay đắng, không mất niềm hy vọng và đức tin là phải sống một cuộc đời vâng phục và chiến thắng. Sự hiểu biết về niềm hy vọng sống này trong Chúa Giê-xu là sứ điệp và Đấng Christ là tấm gương để noi theo.
Những câu Kinh thánh then chốt:
I Phi-e-rơ 1:3, “Ca ngợi Đức Chúa Trời là Cha Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta! Vì lòng thương xót lớn lao, Ngài đã cho chúng ta được tái sinh với đầy hy vọng sống nhờ Chúa Cứu Thế Giê-su sống lại từ kẻ chết.”
I Phi-e-rơ 2:9, “Nhưng anh chị em là dân tộc được lựa chọn, vị tế lễ của hoàng gia, một dân thánh, con dân thuộc về Đức Chúa Trời để anh chị em rao truyền các công việc lạ lùng của Ngài là Đấng đã kêu gọi anh chị em ra khỏi chốn tối tăm để vào nơi sáng láng diệu kỳ của Ngài.”
I Phi-e-rơ 2:24, “Chính Ngài đã gánh tội lỗi của chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, nhờ đó chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Ngài, anh chị em được chữa lành.”
I Phi-e-rơ 5:8-9, “Hãy tự chủ và tỉnh thức. Kẻ thù của anh chị em là ma quỷ như sư tử rống, đang rình rập chung quanh để tìm xem người nào nó có thể ăn nuốt được. Hãy chống cự nó, hãy đứng vững trong đức tin, vì biết rằng các anh chị em khác cũng đang gặp cùng sự khổ nạn trong thế gian.”
Tóm tắt ngắn gọn: Dù khoảng thời gian này bị bắt bớ rất dữ dội, Phi-e-rơ nhận ra rằng đó thật sự là một khoảng thời gian vui mừng. Ông nói rằng hãy xem nó là một đặc ân chịu khổ vì ích lợi của Đấng Christ giống như là Đấng Cứu Thế đã chịu khổ vì chúng ta vậy. Lá thư này được tham khảo những kinh nghiệm cá nhân của Phi-e-rơ với Chúa Giê-xu và những bài giảng của ông từ sách Công vụ. Phi-e-rơ khẳng định Sa-tan là kẻ thù to lớn của mọi Cơ Đốc nhân nhưng sự đảm bảo rằng Đấng Christ sẽ trở lại trong tương lai đem đến niềm hy vọng khích lệ.
Sự kết nối: Sự hiểu rõ của Phi-e-rơ về luật pháp Cựu Ước và những tiên tri giúp cho ông có khả năng giải thích nhiều phân đoạn Cựu Ước trong phương diện cuộc sống và công việc của Đấng Mê-si-a, Chúa Giê-xu Christ. Trong I Phi-e-rơ 1:16, ông trích dẫn Lê-vi-ký 11:44, “Hãy nên thánh vì Ta là thánh”. Nhưng ông giới thiệu nó bằng cách giải thích sự thánh khiết là điều không thể đạt được bằng cách tuân giữ luật pháp, nhưng bởi ân điển được ban cho tất cả những ai tin vào Đấng Christ (câu 13). Hơn nữa, Phi-e-rơ giải thích sự ám chỉ đến “đá góc nhà” trong Ê-sai 28:16 và Thi thiên 118:22 là Đấng Christ đã bị dân Do Thái chối bỏ vì sự bất tuân và vô tín của họ. Ngoài ra còn có thêm những sự ám chỉ của Cựu Ước bao gồm sự vô tội của Đấng Christ (I Phi-e-rơ 2:22; Ê-sai 53:9) và những lời khuyên hãy sống thánh khiết vì quyền năng của Chúa mang đến sự phước hạnh (I Phi-e-rơ 3:10-12; Thi thiên 34:12-16; I Phi-e-rơ 5:5; Châm ngôn 3:34).
Áp dụng thực tiễn: Sự đảm bảo về sự sống đời đời được ban cho mọi Cơ Đốc nhân. Một cách để đồng cảm với Đấng Christ là chia sẻ sự thống khổ của Ngài. Vì chúng ta sẽ phải chịu đựng những lời xúc phạm và gièm pha từ những người gọi chúng ta là “người hay ra vẻ đạo đức” hoặc là “ta thánh hơn ngươi”. Điều này là quá nhỏ so với điều mà Đấng Christ đã phải chịu đựng vì chúng ta trên Thập tự giá. Hãy đứng vững vàng với điều bạn biết và tin nó là đúng cũng như hãy vui mừng khi thế gian và Sa-tan cố gắng làm bạn tổn thương.
English
Trở lại trang chủ tiếng Khảo sát Tân Ước