settings icon
share icon

Sách I Sử ký

Tác giả: Sách I Sử ký không đề cập cụ thể tên tác giả. Truyền thống cho rằng sách I và II Sử ký được viết bởi Ê-xơ-ra.

Thời gian viết: Sách I Sử ký được viết khoảng giữa năm 450 và 425 trước Công Nguyên.

Mục đích viết: Sách I và II Sử ký có thông tin hầu như giống với thông tin trong sách I và II Sa-mu-ên và sách I và II Các vua. Sách I và II Sử ký tập trung nhiều hơn vào khía cạnh thầy tế lễ trong khoảng thời gian này. Sách I Sử ký được viết sau thời kỳ lưu đày nhằm giúp những người trở về Y-sơ-ra-ên hiểu cách thờ phượng Đức Chúa Trời. Lịch sử được tập trung vào Vương quốc phía Nam, các chi phái Giu-đa, Bê-gia-min và Lê-vi. Những chi phái này có khuynh hướng thành tín với Đức Chúa Trời hơn.

Những câu Kinh thánh then chốt:

I Sử ký 11:1-2, “Lúc ấy, cả Y-sơ-ra-ên đều nhóm đến cùng Đa-vít tại Hếp-rôn, mà nói rằng: Kìa, chúng tôi vốn là xương thịt của ông. Khi trước dầu Sau-lơ còn cai trị chúng tôi, thì ông đã dẫn Y-sơ-ra-ên vào ra; và Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông có phán cùng ông rằng: ‘Ngươi sẽ chăn nuôi dân ta là Y-sơ-ra-ên, làm quan tướng chúng nó.”’

I Sử ký 21:13, “Đa-vít nói với Gát rằng: ‘Ta bị hoạn nạn lớn. Ta xin sa vào tay Đức Giê-hô-va, vì sự thương xót của Ngài rất lớn; chớ để ta sa vào tay của loài người ta.’”

I Sử ký 29:11, “Hỡi Đức Giê-hô-va! sự cao cả,quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật.”

Tóm tắt ngắn gọn: Chín chương đầu của sách I Sử ký được dành cho bản kê khai và bảng phả hệ. Có thêm những bản kê khai và bảng phả hệ được rải rác khắp phần còn lại của sách I Sử ký. Phần giữa sách I Sử ký ghi chép lại việc Đa-vít tiến lên ngôi vua và những hành động của ông sau đó. Phần kết thúc sách nói về việc con trai của Đa-vít là Sa-lô-môn lên làm Vua của Y-sơ-ra-ên. Sách I Sử ký được phác thảo ngắn gọn như sau: Chương 1:1-9:23 – Những bảng phả hệ có tuyển chọn; Chương 9:24-12:40 – Sự thăng tiến của Đa-vít; Chương 13:1-20:30 – Thời trị vì của Đa-vít.

Những điềm báo: Trong bài ca cảm tạ Chúa của Đa-vít trong I Sử ký 16:33, ông ám chỉ đến lúc Đức Chúa Trời sẽ đến “đoán xét thế gian”. Điều này điềm báo Ma-thi-ơ 25, về việc Chúa Giê-xu miêu tả lúc Ngài sẽ đến để đoán xét thế gian. Thông qua câu chuyện ngụ ngôn về 10 người nữ đồng trinh và câu chuyện về ta-lâng, Ngài cảnh báo rằng những ai được tìm thấy mà không có huyết của Đấng Christ bao phủ tội lỗi của họ thì sẽ bị quăng ra “ngoài chỗ tối tăm”. Ngài khích lệ dân sự Ngài sẵn sàng bởi vì khi Ngài đến, Ngài sẽ chia chiên với dê ra trong sự phán xét.

Phần giao ước Đa-vít được Đức Chúa Trời nhắc lại trong chương 17 ám chỉ rằng Đấng Mê-si tương lai là hậu duệ của vua Đa-vít. Câu 13-14 miêu tả Con trai sẽ được thiết lập trong nhà của Đức Chúa Trời và ngai của Con trai ấy sẽ được thiết lập đời đời. Điều này chỉ có thể ám chỉ đến Chúa Giê-xu Christ.

Áp dụng thực tiễn: Bảng phả hệ trong I Sử ký có vẻ như khô khan đối với chúng ta, nhưng chúng nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời biết từng con cái của Ngài một cách cá nhân, thậm chí tóc trên đầu chúng ta Chúa cũng đã đếm hết rồi (Ma-thi-ơ 10:30). Chúng ta có thể được an ủi bởi sự thật rằng chúng ta là ai và chúng ta làm gì được viết đời đời trong tâm trí của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta thuộc về Đấng Christ, tên của chúng ta được viết đời đời trong sách Sự sống của Chiên Con (Khải huyền 13:8).

Đức Chúa Trời thành tín với dân sự Ngài và giữ lời hứa của Ngài. Trong sách I Sử ký, chúng ta thấy được sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Đa-vít khi ông trở thành Vua của Y-sơ-ra-ên (I Sử ký 11:1-3). Chúng ta có thể chắc chắn rằng lời hứa của Ngài đối với chúng ta cũng sẽ được làm thành như vậy. Ngài đã hứa ban phước cho những ai theo Ngài, đến với Đấng Christ trong sự ăn năn, và vâng phục Lời Ngài.

Sự vâng phục mang đến sự phước hạnh, sự bất tuân mang đến sự đoán xét. Sách I Sử ký, cũng như sách I và II Sa-mu-ên và sách I và II Các vua, là một bảng ghi chép các loại tội lỗi, sự ăn năn, sự tha thứ và sự phục hồi của quốc gia Y-sơ-ra-ên. Cũng vậy, Đức Chúa Trời kiên nhẫn với chúng ta và tha thứ tội lỗi của chúng ta khi chúng ta đến với Ngài trong sự ăn năn thật (I Giăng 1:9). Chúng ta có thể được an ủi bởi sự thật rằng Ngài nghe lời cầu nguyện thống khổ của chúng ta, tha thứ tội lỗi cho chúng ta, phục hồi chúng ta trong mối tương giao với Ngài, và đặt chúng ta vào nẻo của sự vui mừng.
English



Trở lại trang chủ Khảo sát Cựu Ước



Sách I Sử ký
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries