settings icon
share icon

Sách Công vụ

Tác giả: Sách Công vụ không đề cập cụ thể đến tác giả của nó. Từ Lu-ca 1:1-4 và Công vụ 1:1-3 nói rõ ràng rằng cả hai sách Lu-ca và Công vụ được viết bởi cùng một tác giả. Theo truyền thống từ thời kỳ đầu của Hội thánh cho rằng Lu-ca, người bạn đồng hành của sứ đồ Phao-lô là người viết cả hai sách Lu-ca và Công vụ (Cô-lô-se 4:14; II Ti-mô-thê 4:11).

Thời gian viết: Sách Công vụ được viết khoảng giữa năm 61-64 sau Công Nguyên.

Mục đích viết: Sách Công vụ được viết để cung cấp về lịch sử của Hội thánh đầu tiên. Sự nhấn mạnh của sách là tầm quan trọng của ngày Lễ Ngũ Tuần và được ban quyền phép để làm chứng hiệu quả cho Chúa Giê-xu Christ. Sách Công vụ ghi chép lại các sứ đồ đã làm chứng về Đấng Christ từ thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri và cho đến cùng trái đất. Sách nói rõ về ân tứ của Đức Thánh Linh, là Đấng ban quyền phép, hướng dẫn, dạy dỗ và chu cấp như là Cố vấn của chúng ta. Đọc sách Công vụ, chúng ta được khai sáng và được khích lệ bởi nhiều phép lạ được thực hiện trong suốt thời kỳ này bởi các môn đồ Phi-e-rơ, Giăng và Phao-lô. Sách Công vụ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự vâng phục Lời Chúa và sự biến đổi diễn ra là kết quả của sự nhận biết Đấng Christ. Cũng có nhiều sự ám chỉ về những người chối bỏ lẽ thật khi các môn đồ rao giảng về Chúa Giê-xu Christ. Quyền lực, ham danh lợi, và nhiều thói xấu khác của ma quỷ được chứng minh trong sách Công vụ.

Những câu Kinh thánh then chốt:

Công vụ 1:8, “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”

Công vụ 2:4, “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.”

Công vụ 4:12, “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.”

Công vụ 4:19-20, “Nhưng Phi-e-rơ và Giăng trả lời rằng: ‘Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng? Vì, về phần chúng tôi, không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe.’”

Công vụ 9:3-6, “Nhưng Sau-lơ đang đi đường gần đến thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người. Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta? Người thưa rằng: ‘Lạy Chúa, Chúa là ai?’ Chúa phán rằng: ‘Ta là Jêsus mà ngươi bắt bớ, nhưng hãy đứng dậy, vào trong thành, người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều phải làm.’”

Công vụ 16:31, “Hai người trả lời rằng: ‘Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi.’”

Tóm tắt ngắn gọn: Sách Công vụ nói về lịch sử Hội thánh Cơ Đốc và sự truyền bá phúc âm của Chúa Giê-xu Christ, cũng như sự chống đối nó ngày càng gia tăng. Mặc dù có nhiều bầy tôi trung thành đã từng rao giảng và dạy phúc âm của Chúa Giê-xu Christ, nhưng Sau-lơ đã được đổi tên thành Phao-lô, là người có sức thuyết phục nhất. Trước khi cải đạo, Phao-lô rất sốt sắng bắt bớ và giết Cơ Đốc nhân. Sự cải đạo gây xúc động của Phao-lô trên con đường đến thành Đa-mách (Công vụ 9:1-31) là phần trọng tâm của sách Công vụ. Sau khi cải đạo, ông đã bước đến một thái cực trái ngược về sự yêu Chúa và rao giảng Lời Ngài bằng quyền năng, lòng nhiệt thành và Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống và có thật. Các môn đồ đã được Đức Thánh Linh ban cho quyền phép để làm chứng về Ngài tại thành Giê-ru-sa-lem (chương 1-8:3), xứ Giu-đê và xứ Sa-ma-ri (chương 8:4 – 12:25), và cho đến cùng trái đất (chương 13:1-28). Trong phần cuối sách là bao gồm ba chuyến hành trình truyền giáo của Phao-lô (13:1-21:16), những thử thách của ông ở thành Giê-ru-sa-lem và thành Sê-sa-rê (21:17-26:32) và chuyến hành trình cuối cùng của ông đến thành Rô-ma (27:1-28:31).

Sự kết nối: Sách Công vụ là sự chuyển tiếp từ Giao Ước Cũ của việc tuân giữ luật pháp đến Giao Ước Mới của ân điển và đức tin. Sự chuyển tiếp này được thấy rõ trong nhiều sự kiện then chốt của sách Công vụ. Trước tiên, có sự thay đổi trong công tác của Đức Thánh Linh, mà nhiệm vụ đầu tiên trong Cựu Ước là “xức dầu” bên ngoài cho dân sự của Chúa, trong số đó có Môi-se (Dân số ký 11:17), Ốt-ni-ên (Các quan xét 3:8-10), Ghi-đê-ôn (Các quan xét 6:34), và Sau-lơ (I Sa-mu-ên 10:6-10). Sau khi Chúa Giê-xu sống lại, Đức Thánh Linh đến sống trong từng tấm lòng (Rô-ma 8:9-11; I Cô-rinh-tô 3:16), hướng dẫn và ban năng lực bên trong cho mỗi tín đồ. Sự ngự trị của Đức Thánh Linh là món quà của Đức Chúa Trời dành cho những ai đến với Ngài bằng đức tin.

Sự cải đạo của Phao-lô là một hình mẫu gây xúc động trong sự chuyển tiếp từ Giao Ước Cũ đến Giao Ước Mới. Phao-lô thừa nhận rằng, trước khi gặp gỡ Đấng Cứu Chuộc hiện thấy, ông là người người sốt sắng nhất trong dân Y-sơ-ra-ên và không chỗ trách được “về sự công bình của luật pháp” (Phi-líp 3:6 NKJV), rất thành công trong việc bắt bớ những người dạy về sự cứu rỗi bởi ân điển thông qua đức tin nơi Đấng Christ. Nhưng sau khi được cải đạo, ông nhận ra rằng tất cả những nỗ lực tuân thủ luật pháp cách tuyệt đối của ông là vô ích, ông nói rằng ông xem chúng như là “như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin” (Phi-líp 3:8b-9). Bây giờ, chúng ta cũng sống bởi đức tin, không phải bởi việc làm của luật pháp, hầu cho không ai khoe mình (Ê-phê-sô 2:8-9).

Khải tượng của Phi-e-rơ về bức khăn lớn trong Công vụ 10:9-15 là một dấu hiệu khác về sự chuyển tiếp từ Giao Ước Cũ – trong trường hợp này là luật kiêng ăn chi tiết của người Do Thái – đến sự hiệp nhất của người Do Thái và Dân Ngoại trong một Hội thánh chung của Giao Ước Mới. Các con thú “sạch sẽ” tượng trưng cho dân Do Thái và các con thú “dơ dáy” tượng trưng cho Dân Ngoại cả hai được Đức Chúa Trời tuyên bố “được sạch sẽ” thông qua sự chết như là một của tế lễ của Đấng Christ. Không còn ở dưới luật pháp của Giao Ước Cũ, giờ đây cả hai được hiệp một trong Giao Ước Mới của ân điển thông qua đức tin nơi sự đổ huyết của Đấng Christ trên thập tự giá.

Áp dụng thực tiễn: Đức Chúa Trời có thể làm những điều kỳ diệu thông qua những con người bình thường khi Ngài ban quyền phép cho họ thông qua Đức Thánh Linh. Về bản chất, Chúa đã chọn một nhóm người đánh cá và sử dụng họ để làm đảo lộn thế giới (Công vụ 17:6). Chúa đã chọn một kẻ sát nhân ghét Cơ Đốc nhân và thay đổi người đó trở thành một chứng nhân Cơ Đốc tuyệt vời nhất, cũng là tác giả của hầu như một nữa các sách trong Tân Ước. Chúa đã sử dụng sự bắt bớ để khiến cho sự phát triển “đức tin mới” diễn ra nhanh nhất trong lịch sử thế giới. Chúa có thể và làm giống như vậy thông qua chúng ta – thay đổi tấm lòng chúng ta, ban quyền phép cho chúng ta bởi Đức Thánh Linh, và ban cho chúng ta sự say mê truyền bá tin tức tốt lành về sự cứu rỗi thông qua Đấng Christ. Nếu chúng ta cố gắng hoàn thành những điều này bằng năng lực riêng của mình thì chúng ta sẽ thất bại. Giống như các môn đồ trong Công vụ 1:8, chúng ta phải chờ đợi sự ban cho quyền phép của Thánh Linh, khi đó mới ra đi bằng năng quyền của Ngài để hoàn thành Đại Mạng Lệnh (Ma-thi-ơ 28:19-20).
English



Trở lại trang chủ tiếng Khảo sát Tân Ước



Sách Công vụ
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries