Sách Lê-vi-ký
Tác giả: Môi-se là trước giả của Sách Lê-vi-kýThời gian viết: Sách Lê-vi-ký được viết khoảng giữa năm 1440 và 1400 Trước Công Nguyên.
Mục đích viết: Bởi vì dân Y-sơ-ra-ên đã bị giữ làm nô lệ ở Ai-Cập trong 400 năm, ý niệm về Đức Chúa Trời đã bị những người Ai Cập ngoại giáo, thờ nhiều thần, làm méo mó. Mục đích của Sách Lê-vi-ký là cung cấp sự hướng dẫn và luật pháp để hướng dẫn một dân tộc tội lỗi nhưng được cứu chuộc trong mối liên hệ của họ với một Đức Chúa Trời thánh khiết. Có một sự nhấn mạnh trong sách Lê-vi-ký về sự cần thiết của sự thánh khiết cá nhân trong đáp ứng với một Đức Chúa Trời thánh khiết . Tội lỗi phải được chuộc qua việc dâng các của tế lễ thích hợp (các đoạn 8-10). Các chủ đề khác được đề cập trong sách này là các chế độ ăn uống (các thức ăn tinh sạch và không tinh sạch), sự sinh nở, và những bệnh tật được quy định cẩn thận (các đoạn 11-15). Đoạn 16 mô tả Ngày Lễ Chuộc Tội khi một của tế lễ thường niên được dâng lên cho tội lỗi tích lũy của dân sự. Hơn nữa, dân sự của Đức Chúa Trời phải thận trọng trong nếp sống cá nhân, đạo đức và xã hội của họ, tương phản với những sự thực hành phổ biến của những người ngoại đạo sống xung quanh họ (các đoạn 17-22).
Những câu Kinh thánh then chốt:
Lê-vi-ký 1:4, "Ngươi sẽ nhận tay mình trên đầu con sinh, nó sẽ được nhậm thế cho, hầu chuộc tội cho người."
Lê-vi-ký 17:11, "vì sanh mạng của xác thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh hồn mình; vì nhờ sanh mạng mà huyết mới chuộc tội được."
Lê-vi-ký 19:18, "Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình; nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-hô-va."
Tóm tắt ngắn gọn: Các đoạn 1-7 phác thảo các của tế lễ được đòi hỏi cho cả dân sự bình thường lẫn giới thầy tế lễ. Các đoạn 8-10 mô tả sự phong chức thầy tế lễ cho A-rôn và các con trai người. Các đoạn 11-16 là những luật định cho những sự không tinh sạch khác nhau. Mười đoạn 10 cuối là nguyên tắc hướng dẫn của Đức Chúa Trời cho dân Ngài về sự thánh khiết thực tiễn. Các ngày lễ hội khác nhau được thiết lập trong sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của dân sự, được hội họp và thực hành theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Những sự chúc phước hay rủa sả sẽ đi kèm với việc hoặc vâng giữ hoặc sao lãng các điều răn/mạng linh của Đức Chúa Trời (đoạn 26). Những lời hứa nguyện với Đức Giê-hô-va cũng được nói đến trong đoạn 27.
Chủ đề chính của sách Lê-vi-ký là sự thánh khiết. Đòi hỏi của Đức Chúa Trời về sự thánh khiết nơi dân sự của Ngài dựa trên chính bản tánh thánh khiết của Ngài. Một chủ đề tương ứng là chủ đề về sự chuộc tội. Sự thánh khiết phải được duy trì trước Đức Chúa Trời, và sự thánh khiết chỉ có thể đạt được qua một sự chuộc tội thích hợp.
Những điềm báo: Phần nhiều những thực hành lễ nghi thờ phượng mô tả sinh động trong nhiều phương diện thân vị và công tác của Chúa Cứu Thế của chúng ta, Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc. Hê-bơ-rơ 10 cho chúng ta biết rằng Luật Môi-se “chỉ là hình bóng về những sự tốt lành ngày sau” mà bởi đó có nghĩa rằng những của sinh tế hằng ngày được các thầy tế lễ dâng lên vì tội lỗi của dân sự là một sự tượng trưng cho Của Sinh Tế Cao Nhất—Chúa Giê-xu Cơ Đốc, mà sự hy sinh của Ngài là một lần đủ cả cho những ai tin nơi Ngài. Sự thánh khiết được truyền đạt tạm thời bởi Luật Pháp một ngày nào đó sẽ được thay thế bởi sự đạt đến thánh khiết tuyệt đối khi các Cơ Đốc Nhân trao đổi tội lỗi của họ cho sự công bình của Đấng Cơ Đốc (2 Cô-rinh-tô 5:21).
Áp dụng thực tiễn: Đức Chúa Trời xem sự thánh khiết của Ngài rất nghiêm túc và chúng ta cũng nên như vậy. Khuynh hướng trong hội thánh thời hậu hiện đại là tạo nên Đức Chúa Trời theo hình ảnh của chúng ta, cho Ngài những thuộc tính mà chúng ta thích Ngài có thay vì những thuộc tính mà Lời Ngài mô tả. Sự thánh khiết hoàn toàn của Đức Chúa Trời, vinh quang chói lòi siêu việt của Ngài, và “ánh sáng không thể nào đến gần được” của Ngài (1 Ti-mô-thê 6:16) là những khái niệm xa lạ đối với nhiều Cơ Đốc Nhân. Chúng ta được kêu gọi bước đi trong Ánh Sáng và cất bỏ sự tối tăm trong cuộc đời chúng ta để chúng ta có thể làm đẹp lòng Ngài theo mắt Ngài. Một Đức Chúa Trời thánh khiết không thể nào dung chịu tội lỗi không biết xấu hổ, rành rành nơi dân sự của Ngài và sự thánh khiết của Ngài đòi hỏi Ngài phải trừng phạt nó. Chúng ta không dám xấc xược trong thái độ của chúng ta đối với tội lỗi hay đối với sự ghê tởm của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi, thì chúng ta cũng không nên coi thường nó trong bất cứ phương diện nào.
Ngợi khen Đức Chúa Trời bởi sự chết của Chúa Giê-xu vì cớ chúng ta, chúng ta không còn phải dâng các của sinh tế bằng động vật nữa. Sách Lê-vi-ký hoàn toàn nói về sự thay thế. Sự chết của các con vật sinh tế là hình phạt thay thế cho những người phạm tội. Cũng vậy, nhưng tốt hơn vô cùng, sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là sự thay thế cho những tội lỗi của chúng ta. Bây giờ chúng ta có thể đứng trước một Đức Chúa Trời tuyệt đối thánh khiết mà không sợ hãi bởi vì Ngài thấy trong chúng ta sự công bình của Đấng Cơ Đốc.
English
Trở lại trang chủ Khảo sát Cựu Ước