Sách Ru-tơ
Tác giả: Sách Ru-tơ không nêu tên cụ thể trước giả. Truyền thống cho rằng Sách Ru-tơ được viết bởi Tiên Tri Sa-mu-ên.Thời gian viết: Ngày chính xác Sách Ru-tơ đã được viết ra là không chắc chắn. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến là một ngày giữa năm 1011 và năm 931 Trước Công Nguyên.
Mục đích viết: Sách Ru-tơ đã được viết cho dân Y-sơ-ra-ên. Nó dạy rằng tình yêu chân thật đôi khi có thể cần đến sự hy sinh cương quyết. Bất kể số mệnh trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể sống theo những giáo huấn của Đức Chúa Trời. Tình yêu và lòng tốt chân thật sẽ được đền đáp. Đức Chúa Trời ban phước dư dật cho những ai cố tìm cách sống cuộc đời vâng phục. Nếp sống vâng phục không cho phép “những sự tình cờ” trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời gia ân cho kẻ hay thương xót.
Những câu Kinh thánh then chốt:
Ru-tơ 1:16, "Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi."
Ru-tơ 3:9, "Bô-ô hỏi: ngươi là ai? Nàng đáp: Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông; xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi."
Ru-tơ 4:17, "Những người nữ lân cận đặt tên cho nó là Ô-bết, mà rằng: Một đứa trai đã sanh cho Na-ô-mi. Ô-bết là cha của Y-sai, ông của Đa-vít."
Tóm tắt ngắn gọn: Bối cảnh của Sách Ru-tơ bắt đầu ở xứ sở ngoại giáo Mô-áp, một vùng ở phía đông bắc của Biển Chết, nhưng rồi sau đó chuyển đến Bết-lê-hem. Bản ký thuật chân thật này xảy ra trong suốt những ngày thất bại và nổi loạn buồn thảm của dân Y-sơ-ra-ên, được gọi là thời kỳ Các Quan Xét. Một cơn đói kém buộc Ê-li-mê-léc và vợ mình là Na-ô-mi từ quê hương Y-sơ-ra-ên của họ đến xứ sở Mô-áp. Ê-li-mê-léc qua đời để lại Na-ô-mi với hai người con trai, chẳng lâu sau đó chúng cưới hai người nữ Mô-áp, Ọt-ba và Ru-tơ. Sau đó cả hai người con trai đều chết, để Na-ô-mi lại với hai nàng dâu ở một vùng đất xa lạ. Ọt-ba trở về với cha mẹ mình, nhưng Ru-tơ kiên quyết ở lại với Na-ô-mi khi họ đi về Bết-lê-hem. Câu chuyện về tình yêu và lòng tận hiến này kể về cuộc hôn nhân kết cuộc của Ru-tơ với một người nam giàu có tên là Bô-ô, bởi người mà nàng sanh một con trai, Ô-bết, người trở thành ông nội của Đa-vít và là tổ tiên của Chúa Giê-xu. Sự vâng phục đem Ru-tơ vào dòng dõi được đặc ân của Đấng Cơ Đốc.
Những điềm báo: Một chủ đề chính của Sách Ru-tơ là chủ đề về người bà con – người chuộc. Bô-ô, một bà con của Ru-tơ về phía chồng nàng, đã hành động theo bổn phận của mình như được phác thảo trong Luật Môi-se để chuộc một người bà con nghèo khó khỏi hoàn cảnh của mình (Lê-vi-ký 25:47-49). Kịch bản này được lặp lại bởi Đấng Cơ Đốc, đấng cứu chuộc chúng ta, những kẻ nghèo khó thuộc linh, khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi. Cha Thiên Thượng của chúng ta đã sai Con Ngài lên thập tự giá để chúng ta có thể trở nên con cái của Đức Chúa Trời và trở nên anh chị em của Đấng Cơ Đốc. Ngài đã trở nên Đấng Cứu Chuộc chúng ta, nên chúng ta trở nên những người bà con của Ngài.
Áp dụng thực tiễn: Sự tể trị của Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta được thấy rõ ràng trong câu chuyện Ru-tơ. Ngài đã dẫn bà đi từng bước để trở nên con Ngài và thực hiện kế hoạch của Ngài cho bà để trở nên một tổ tiên của Chúa Giê-xu Cơ Đốc (Ma-thi-ơ 1:5). Cùng cách đó, chúng ta có sự bảo đảm rằng Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho mỗi một chúng ta. Đúng như Na-ô-mi và Ru-tơ đã tin cậy Ngài cung ứng cho họ, chúng ta cũng nên như vậy.
Chúng ta thấy ở Ru-tơ một gương về người nữ đức hạnh trong Châm Ngôn 31. Ngoài việc tận hiến cho gia đình mình (Ru-tơ 1:15-18; Châm Ngôn 31:10-12) và trung tín nương dựa nơi Đức Chúa Trời (Ru-tơ 2:12; Châm Ngôn 31:30), chúng ta thấy trong Ru-tơ một người nữ có lời nói tin kính. Những lời của bà đầy tình yêu thương, nhân từ và kính trọng, cả đối với Na-ô-mi lẫn đối với Bô-ô. Người nữ đức hạnh của Châm Ngôn 31 này “mở miệng ra cách khôn ngoan, Phép tắc nhơn từ ở nơi lưỡi nàng” (câu 26). Chúng ta có thể tìm kiếm xa và gần để tìm ra một người nữ ngày nay đáng làm hình mẫu cho chúng ta như Ru-tơ.
English
Trở lại trang chủ Khảo sát Cựu Ước