Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về việc làm chủ / kiểm soát cảm xúc?
Trả lời
Con người sẽ ra sao nếu chúng ta không bao giờ biết xúc động, nếu chúng ta luôn có khả năng kiểm soát cảm xúc? Có lẽ chúng ta sẽ giống như những người máy, phản ứng với mọi tình huống bằng lý trí và không bao giờ có cảm xúc. Nhưng Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta theo ảnh tượng của Ngài, và những cảm xúc của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Kinh Thánh; do đó, Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta là những sinh vật có cảm xúc. Chúng ta cảm thấy yêu thương, vui vẻ, hạnh phúc, cảm giác tội lỗi, tức giận, thất vọng, sợ hãi, v.v. Đôi khi cảm xúc của chúng ta dễ chịu khi trải nghiệm và đôi khi không. Đôi khi những cảm xúc của chúng ta dựa trên sự thật, và đôi khi chúng “sai” ở chỗ chúng dựa trên những tiền đề sai lầm. Ví dụ, nếu chúng ta tin một cách sai lầm rằng Đức Chúa Trời không kiểm soát hoàn cảnh trong cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta có thể trải qua những cảm xúc sợ hãi, tuyệt vọng hoặc tức giận dựa trên niềm tin sai lạc đó. Dù thế nào đi nữa, cảm xúc luôn mạnh mẽ và có thật đối với người cảm nhận chúng. Và cảm xúc có thể là những dấu hiệu hữu ích cho biết điều gì đang diễn ra trong lòng chúng ta.
Nói như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải học cách làm chủ (kiểm soát) cảm xúc hơn là để cảm xúc kiểm soát chúng ta. Ví dụ, khi chúng ta cảm thấy tức giận, điều quan trọng là có thể dừng lại, nhận ra rằng chúng ta đang tức giận, xem xét lòng mình để xác định lý do tại sao chúng ta tức giận, rồi tiếp tục theo cách thức Kinh Thánh. Những cảm xúc mất kiểm soát có xu hướng không mang lại kết quả tôn vinh Đức Chúa Trời: “Vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 1:20).
Cảm xúc của chúng ta, cũng như tâm trí và thể xác của chúng ta, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự sa ngã của con người vào trong tội lỗi. Nói cách khác, cảm xúc của chúng ta bị vấy bẩn bởi bản chất tội lỗi, và đó là lý do tại sao chúng cần được kiểm soát. Kinh Thánh cho biết rằng chúng ta sẽ được Đức Thánh Linh kiểm soát (Rô-ma 6; Ê-phê-sô 5:15–18; 1 Phi-e-rơ 5:6–11), chứ không phải bởi cảm xúc của chúng ta. Nếu chúng ta nhận ra những cảm xúc của mình và mang chúng đến với Chúa, thì chúng ta có thể đầu phục tấm lòng mình cho Ngài và để Ngài thực hiện công việc của Ngài trong tấm lòng và hướng dẫn hành động của chúng ta. Đôi khi, điều này có thể có nghĩa là Đức Chúa Trời chỉ an ủi, trấn an chúng ta và nhắc nhở rằng chúng ta không cần phải sợ hãi. Những lúc khác, Ngài có thể thúc giục chúng ta tha thứ hoặc cầu xin sự tha thứ. Thi thiên là một ví dụ tuyệt vời về việc kiểm soát cảm xúc và mang cảm xúc của chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Nhiều Thi Thiên chứa đầy cảm xúc thô thiển, nhưng cảm xúc đó được dâng lên cho Đức Chúa Trời trong nỗ lực tìm kiếm lẽ thật và sự công bình của Ngài.
Chia sẻ cảm xúc của chúng ta với người khác cũng rất hữu ích trong việc làm chủ cảm xúc. Đời sống Cơ Đốc nhân không có nghĩa là sống một mình. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta món quà là những tín hữu khác để có thể chia sẻ gánh nặng với chúng ta và gánh nặng của họ mà chúng ta cần chia sẻ (Rô-ma 12; Ga-la-ti 6:1–10; 2 Cô-rinh-tô 1:3–5; Hê-bơ-rơ 3:13). Anh chị em đồng đức tin cũng có thể nhắc chúng ta nhớ đến lẽ thật của Đức Chúa Trời và đưa ra một quan điểm mới. Khi cảm thấy nản lòng hoặc sợ hãi, chúng ta có thể nhận được lợi ích từ sự khích lệ, khuyên nhủ và trấn an của những người cùng đức tin khác. Thông thường, khi chúng ta khích lệ người khác, chính chúng ta cũng được khích lệ. Tương tự như vậy, khi chúng ta vui vẻ, niềm vui của chúng ta thường được nhân lên khi chúng ta chia sẻ nó.
Để cảm xúc kiểm soát chúng ta không phải là sự tin kính. Từ chối hoặc phỉ báng cảm xúc của chúng ta cũng không phải là tin kính. Chúng ta nên cảm tạ Đức Chúa Trời vì khả năng cảm nhận và làm chủ cảm xúc của mình như một món quà từ Chúa ban cho. Cách để kiểm soát cảm xúc của chúng ta là lớn lên trong hành trình bước đi theo Chúa. Chúng ta được biến đổi nhờ sự đổi mới của tâm trí mình (Rô-ma 12:1–2) và quyền năng của Đức Thánh Linh—Đấng tạo ra trong chúng ta sự tự chủ (Ga-la-ti 5:22–23). Chúng ta cần nguồn vào hàng ngày từ các nguyên tắc Kinh Thánh, ước muốn tăng trưởng trong sự hiểu biết về Đức Chúa Trời và dành thời gian để suy ngẫm về các thuộc tính của Ngài. Chúng ta nên tìm cách biết nhiều hơn về Chúa và chia sẻ tấm lòng của mình với Chúa nhiều hơn qua lời cầu nguyện. Mối thông công Cơ Đốc là một phần quan trọng khác của sự trưởng thành thuộc linh. Chúng ta đồng hành với các anh chị em đồng đức tin và giúp đỡ nhau lớn lên trong đức tin cũng như trưởng thành về sự thể hiện cảm xúc.
English
Kinh Thánh nói gì về việc làm chủ / kiểm soát cảm xúc?