settings icon
share icon
Câu hỏi

Ngôi sao thành Bết-lê-hem là gì?

Trả lời


Ngôi sao thành Bết-lê-hem được gắn liền với sự giáng sinh của Đấng Christ và sự viếng thăm của các chiêm tinh gia (những nhà thông thái) được ghi lại trong Ma-thi-ơ 2:1–12. Phân đoạn này có ý nói rằng ngôi sao Bết-lê-hem chỉ xuất hiện cho các nhà thông thái ở phương Đông mà thôi (rất có thể là vùng đất của Ba-tư, hay là Iran ngày nay). Kinh Thánh không hề nhắc đến bất cứ người nào khác đã từng trông thấy ngôi sao Bết-lê-hem.

Các nhà thông thái Đông phương đã nhìn thấy điều gì đó trên trời – ngôi sao Bết-lê-hem – là điều báo cho họ về sự kiện một Đấng Mê-si Do-thái đã được ra đời. Các nhà thông thái đã không gọi đó là ngôi sao thành Bết-lê-hem; trong Ma-thi-ơ 2:2 họ gọi nó là "ngôi sao của Ngài," vì với họ thì đó là dấu hiệu cho biết một vị vua đã được sinh ra. Ngôi sao đã thúc giục các nhà thông thái lên đường đi đến Jerusalem, thủ đô của Israel. Đối với một người không biết đến lời tiên tri của Mi-chê (Mi-chê 5:1) về Bết-lê-hem thì đây chính là nơi thích hợp để bắt đầu tìm kiếm sự ra đời của Vua dân Do-thái.

Tại Jerusalem, các nhà thông thái viếng thăm Vua Hê-rốt được cho biết rằng vị Vua mới mà họ đang tìm kiếm sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem, chớ không phải ở Jerusalem (Ma-thi-ơ 2:5). Những nhà thông thái rời khỏi cung điện Hê-rốt, và ngôi sao thành Bết-lê-hem lại một lần nữa hiện ra cho họ. Thật ra là ngôi sao "đi trước họ cho đến khi nó dừng lại ngay trên chỗ con trẻ ở. Khi họ nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng" (câu 9–10). Rõ ràng ngôi sao thành Bết-lê-hem vẫn cứ di chuyển, dẫn các nhà thông thái đến chính xác nơi họ có thể tìm thấy Chúa Jesus.

Những bức tranh cận đại về hình ảnh Chúa giáng sinh thường là cảnh những nhà thông thái đến viếng thăm Chúa Jesus vào đêm Ngài hạ sinh. Điều này có lẽ không đúng với thực tế đã xảy ra. Từ các nhà thông thái, Vua Hê-rốt nhận ra "thời điểm chính xác" ngôi sao thành Bết-lê-hem hiện ra cho họ lần đầu tiên (Ma-thi-ơ 2:7), và sau đó ông đã ra lệnh giết hết thảy con trai tại thành Bết-lê-hem từ hai tuổi trở xuống (câu 16). Hê-rốt hiển nhiên nghĩ rằng ngôi sao thành Bết-lê-hem lần đầu tiên hiện ra là khi Đấng Christ được hạ sinh; nếu như ông ta đúng, thì Chúa Jesus có thể đã lên đến hai tuổi khi ngôi sao thành Bết-lê hem dẫn các nhà thông thái trải qua suốt chặng đường đến Bết-lê-hem sau đó. Chữ "đứa trẻ" trong tiếng Hy-lạp mà Ma-thi-ơ 2:9 nói đến có thể chỉ về đứa trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào, từ lúc sơ sinh cho đến khi mới biết đi.

Vì vậy, những nhà thông thái trước hết có thể đã quan sát thấy ngôi sao thành Bết-lê-hem trong đêm Chúa Jesus giáng sinh, hoặc có thể lần đầu tiên họ thấy nó là đã từ hai năm về trước. Nhưng dù cách nào đi nữa, thì khi họ đến họ đã tìm thấy Chúa Jesus vẫn còn ở Bết-lê-hem. Hầu như chắc chắn là Giô-sép và Ma-ri phải ở lại Bết-lê-hem cho đến khi Ma-ri có thể đi lại được. Thực ra là họ có thể cần phải ở lại đó trong 40 ngày để hoàn tất về lễ thanh tẩy của Ma-ri. Từ Bết-lê-hem, dễ lắm họ có thể phải mất năm dặm để đi tới Jerusalem để dâng của lễ về sự thanh tẩy của Ma-ri (Lu-ca 2:22). Thực ra việc những nhà thông thái đã đến "nhà" (Ma-thi-ơ 2:11) chứ không phải đến chuồng gia súc là điều hợp lý, bởi vì theo lẽ tự nhiên, Giô sép phải chuyển gia đình của mình đến một nơi an toàn hơn càng sớm càng tốt – rất có thể là vào buổi sáng hôm sau, sau khi Chúa Jesus được sinh ra.

Đi theo ngôi sao thành Bết-lê-hem, các nhà thông thái đã đến Jerusalem để tìm kiếm Đấng Mê-si. Vấn đề ở đây là làm sao mà những nhà thông thái Ba-tư lại biết về Đấng Mê-si của người Do-thái? Chắc chắn họ đã được tiếp xúc với các tác phẩm của vị tiên tri Do-thái là Đa-ni-ên, người đã từng đứng đầu các nhà thông thái trong triều đình Ba-tư. Đa-ni-ên 9:24–27 là lời tiên tri nói về thời điểm ra đời của Đấng Mê-si. Ngoài ra, có thể họ đã biết về những lời của Ba-la-am là vị tiên tri ngoại giáo (người đến từ thành Phê-thô-rơ bên sông Ơ-phơ-rát gần Ba-tư) trong Dân số ký 24:17. Lời tiên tri của Ba-la-am đặc biệt đề cập đến "một ngôi sao" và "một vương trượng" nổi lên từ Gia-cốp.

Chính xác ngôi sao thành Bết-lê-hem là gì? Trong tiếng Hy-lạp chữ "ngôi sao" trong bản văn được dịch là aster, là từ thông thường để chỉ về một ngôi sao hay thiên thể. Từ này được xử dụng 24 lần trong Tân Ước, và phần lớn nó được dùng để chỉ một thiên thể nào đó. Nó có thể được dùng để chỉ về các thiên sứ, như trong Khải huyền 12:4, từ aster dường như ám chỉ đến các thiên sứ sa ngã, là những thiên sứ đã theo sự phản loạn của Sa-tan. Quy tắc cơ bản của việc giải kinh nói rằng chúng ta nên lấy ý nghĩa thông thường của từ đó, trừ khi có bằng chứng thuyết phục là nên giải thích theo cách khác. Trong trường hợp đó, ngôi sao thành Bết-lê-hem nên được xem như là một thiên thể có thực nào đó trên trời. Nhiều học giả Kinh Thánh đề nghị theo cách giải thích thông thường về ngôi sao thành Bết-lê-hem, giả thuyết của họ bao gồm từ một siêu tân tinh đến ngôi sao chổi hay là một sự thẳng hàng của các hành tinh. Có một thứ gì đó trên trời tỏa ra sự rực rỡ hơn là ánh sáng bình thường trên bầu trời.

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng ngôi sao thành Bết-lê-hem không phải là một hiện tượng tự nhiên của các vì sao, nhưng là một điều gì đó không thể giải thích được bằng khoa học. Trước hết, việc ngôi sao thành Bết-lê-hem dường như chỉ hiện ra cho những nhà thông thái cho thấy đây không phải là một ngôi sao bình thường. Ngoài ra, các thiên thể thường di chuyển từ đông sang tây do sự chuyển động của trái đất, nhưng ngôi sao thành Bết-lê-hem đã dẫn các nhà thông thái từ Jerusalem đi về phía nam đến thành Bết-lê-hem. Không chỉ vậy thôi, ngôi sao còn trực tiếp dẫn họ đến nơi Giô-sép và Ma-ri đang trú ngụ, rồi dừng lại ở tại đấy. Không có hiện tượng tự nhiên của các vì sao nào có thể làm được điều đó.

Vậy, nếu dùng chữ ngôi sao thông thường không phù hợp được với bối cảnh, thì dùng chữ gì đây? Ngôi sao thành Bết-lê-hem trong Ma-thi-ơ 2:1–12 có thể là một biểu hiện về Vinh quang của Shekinah. Shekinah, có nghĩa đen là "nơi Đức Chúa Trời ngự," chính là sự hiện diện của Chúa mà có thể nhìn thấy được. Trước đây, sự xuất hiện đáng chú ý nhất của Shekinah là trụ mây dẫn dắt người Israel vào ban ngày và trụ lửa dắt dẫn họ trong ban đêm (Xuất Ê-díp-tô ký 13:21). Shekinah phù hợp với bằng chứng. Shekinah rõ ràng có thể dẫn dắt con người đến những địa điểm cụ thể, và sau này nó được nhìn thấy trong mối quan hệ với chức vụ của Đấng Christ (chẳng hạn như trong Ma-thi-ơ 17:5; Công vụ 1:9). Không nên ngạc nhiên về việc Đức Chúa Trời xử dụng một dấu kỳ để báo hiệu cho sự kiện Con của Ngài vào trong thế gian. Những người có mắt để nhìn đã vui mừng trông thấy được sự vinh hiển của Ngài.



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Ngôi sao thành Bết-lê-hem là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries