Câu hỏi
Cơ Đốc nhân có quan điểm như thế nào về việc nhân bản con người?
Trả lời
Mặc dù Kinh thánh không đề cập cụ thể đến chủ đề nhân bản con người, nhưng có những nguyên tắc trong Kinh thánh có thể làm sáng tỏ hơn về vấn đề này. Việc nhân bản đòi hỏi phải có cả DNA và tế bào phôi hay còn gọi là phôi bào (tức là tế bào của một phôi thai còn trong bụng). Đầu tiên, DNA được lấy ra từ nhân tế bào của sinh vật. Sau đó đưa vật chứa thông tin di truyền được mã hóa này vào nhân của một phôi bào. Phôi bào này nhận thông tin di truyền mới đã được loại bỏ DNA vốn có để có thể tiếp nhận DNA mới. Nếu phôi bào này tiếp nhận DNA mới thì một phôi thai nhân bản được hình thành. Tuy nhiên, phôi bào này có thể từ chối DNA mới và chết. Hơn nữa, phôi bào này có nhiều khả năng không thể sống sót được sau khi vật liệu di truyền gốc bị lấy khỏi nhân. Trong nhiều trường hợp, khi thực hiện nhân bản thì nhiều phôi bào được sử dụng để tăng xác suất cho một ca cấy thành công vật liệu di truyền mới. Mặc dù có khả năng tạo nên một sinh vật nhân bản theo phương pháp này (ví dụ như cừu Dolly), nhưng cơ hội nhân bản thành công một sinh vật mà không có dị biến và biến chứng là cực kỳ hiếm.
Quan điểm của Cơ Đốc nhân về quá trình nhân bản con người có thể được trình bày dưới sự soi sáng của một số nguyên tắc Kinh thánh. Trước hết, con người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, và vì vậy là duy nhất. Trong sách Sáng thế ký đoạn 1:26-27 khẳng định rằng con người được dựng nên giống như hình của Đức Chúa Trời và duy nhất trong số tất cả tạo vật. Một cách rõ ràng, nhân mạng là một điều gì đó có giá trị và không thể xem như một món hàng để trao đổi mua bán. Một số người ủng hộ việc nhân bản con người nhằm mục đích tạo nên những cơ quan thay thế cho những người cần cấy ghép mà không thể tìm được người hiến tạng phù hợp. Ý tưởng đó là lấy DNA của một người và tạo nên một cơ quan nhân bản từ DNA đó sẽ giảm đi đáng kể nguy cơ thải ghép. Mặc dù điều này có thể đúng, nhưng vấn đề là việc đó sẽ hạ thấp giá trị con người. Quá trình nhân bản cần sử dụng phôi người. Trong khi tế bào có thể được sinh ra để tạo nên cơ quan mới, thì việc giết một số phôi là cần thiết để thu được DNA mong muốn. Về cơ bản quá trình nhân bản sẽ “vứt bỏ” nhiều tế bào phôi người như là “chất thải”, lấy đi cơ hội để những phôi này phát triển thành một con người hoàn chỉnh.
Nhiều người cho rằng sự sống không bắt đầu từ lúc thụ thai với sự hình thành của phôi bào, và vì vậy những phôi bào này không phải là những con người thật sự. Nhưng quan điểm của Kinh thánh thì hoàn toàn ngược lại. Trong sách Thi thiên 139:13-16 có chép, “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi. Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm. Khi tôi được dựng nên trong nơi kín, chịu nắn nên cách xảo tại nơi thấp của đất, thì các xương cốt tôi không giấu được Chúa. Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi. Số các ngày định cho tôi đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy.” Tác giả Đa-vít tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã biết rõ bản thân ông trước khi ông được sinh ra, nghĩa là lúc mẹ ông mới hoài thai ông thì ông đã là một con người trước mặt Đấng nắm giữ tương lai là Đức Chúa Trời.
Hơn nữa, trong sách Ê-sai 49:1-5 nói về việc Đức Chúa Trời kêu gọi Ê-sai làm tiên tri ngay từ khi ông còn ở trong bụng mẹ. Cũng vậy, Giăng Báp-tít được đầy dẫy Đức Thánh Linh ngay từ khi ông vẫn còn trong bụng mẹ (Lu-ca 1:15). Từ tất cả những điều này cho thấy quan điểm của Kinh thánh là sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Chính vì vậy, việc nhân bản con người phá hủy những phôi bào của con người là hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Kinh thánh về nhân mạng.
Ngoài ra, nếu nhân loại được tạo dựng thì phải có một Đấng tạo dựng nên họ, chính vì vậy nhân loại phải ở dưới quyền và chịu trách nhiệm trước mặt Đấng tạo dựng đó. Tuy nhiên theo quan điểm phổ biến của tâm lý học thế tục và chủ nghĩa nhân văn thì con người không chịu trách nhiệm với bất kì ai ngoại trừ chính mình và con người có quyền quyết định về bản thân mình, điều này hoàn toàn trái ngược với sự giảng dạy của Kinh thánh. Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người và giao cho họ trách nhiệm quản trị muôn vật (Sáng thế ký 1:28-29, 9:1-2). Họ phải có trách nhiệm giải trình với Chúa về việc đó. Con người không có thẩm quyền trên bản thân mình, và chính vì vậy con người cũng không có quyền quyết định về giá trị của nhân mạng. Vậy thì cả khoa học cũng không có quyền quyết định về giá trị đạo đức của nhân bản con người, về nạn phá thai hay làm chết không đau đớn (làm cho người mắc bệnh nan y chết một cách nhẹ nhàng và không đau đớn). Theo Kinh thánh, Đức Chúa Trời là người duy nhất có thẩm quyền tối hậu trên mạng sống con người. Nếu con người cứ cố gắng để điều khiển những điều như vậy thì phải đặt chính mình vào vị trí của Đức Chúa Trời. Và rõ ràng là con người không thể làm được điều đó. Nếu chúng ta xem con người như là những tạo vật bình thường khác và cũng không phải là tạo vật duy nhất thì không khó để nhận ra rằng con người chỉ là những máy móc cần được bảo dưỡng và sửa chữa. Nhưng rõ ràng chúng ta không phải là một tập hợp phân tử hay hóa chất. Kinh thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên mỗi người chúng ta và có một kế hoạch riêng biệt cho từng người. Hơn nữa, Ngài theo đuổi mối liên hệ cá nhân với mỗi người chúng ta thông qua Con trai duy nhất của Ngài là Chúa Giê-xu Christ. Mặc dù nhân bản con người có nhiều khía cạnh dường như có lợi nhưng con người không kiểm soát được nó sẽ đi đến đâu. Thật là ngu ngốc khi cho rằng những mục đích tốt đẹp sẽ điều khiển được việc sử dụng nhân bản. Con người không có thẩm quyền để chịu trách nhiệm hay đủ sự khôn ngoan để điều khiển những nhân bản con người.
Một câu hỏi thường đặt ra là nếu một ngày nào đó nhân bản con người thành công thì nhân bản đó có linh hồn không. Sáng thế ký 2:7 có chép, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh.” Câu Kinh thánh này miêu tả việc Đức Chúa Trời tạo dựng nên một con người sống động và có linh hồn. Nghĩa là mỗi người chúng ta thật sự là một linh hồn chứ không phải linh hồn là điều mà chúng ta có (I Cô-rinh-tô 15:45). Câu hỏi được đặt ra ở đây là vậy nhân bản con người sẽ tạo ra loại linh hồn sống nào? Đây là một câu hỏi mà không thể có được câu trả lời thuyết phục. Liệu rằng nếu một con người được nhân bản thành công thì nhân bản này sẽ là một con người có linh hồn đời đời như những con người khác không.
English
Cơ Đốc nhân có quan điểm như thế nào về việc nhân bản con người?