Câu hỏi
Những giao ước trong Kinh thánh là gì?
Trả lời
Kinh thánh nói về bảy giao ước khác nhau, bốn trong số đó (giao ước Áp-ra-ham, giao ước Pa-lét-xtin, giao ước Môi-se, giao ước Đa-vít) là những giao ước vô điều kiện mà Đức Chúa Trời lập với dân Y-sơ-ra-ên. Nghĩa là, cho dù dân Y-sơ-ra-ên vâng phục hay bất tuân thì Đức Chúa Trời vẫn sẽ thực hiện những giao ước đó với dân Y-sơ-ra-ên. Một trong số đó thì giao ước Môi-se là giao ước có điều kiện. Nghĩa là, giao ước này sẽ mang đến sự phước hạnh hoặc sự rủa sả tùy thuộc vào sự vâng phục hay bất tuân của dân Y-sơ-ra-ên. Ba giao ước còn lại (giao ước A-đam, giao ước Nô-ê, giao ước Mới) là những giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với loài người nói chung chứ không chỉ giới hạn trong dân Y-sơ-ra-ên.
Giao ước A-đam có thể được cho là hai phần: Giao Ước vườn Ê-đen (vô tội) và Giao Ước A-đam (ân điển) trong Sáng thế ký 3:16-19. Giao Ước vườn Ê-đen được tìm thấy trong Sáng thế ký 1:26-30; 2:16-17. Giao Ước vườn Ê-đen đã vạch ra trách nhiệm của con người đối với sự sáng tạo và lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời về cây biết điều thiện và điều ác. Giao Ước A-đam bao gồm những lời rủa sả tuyên bố chống lại loài người vì tội lỗi của A-đam và Ê-va, cũng như sự chu cấp của Đức Chúa Trời dành cho tội lỗi đó (Sáng thế ký 3:15).
Giao Ước Nô-ê là một giao ước vô điều kiện giữa Đức Chúa Trời và Nô-ê (nói riêng) và nhân loại (nói chung). Sau cơn Đại Hồng Thủy, Đức Chúa Trời đã hứa với nhân loại rằng Ngài sẽ không bao giờ phá hủy mọi sự sống trên đất một lần nữa bằng cơn Đại Hồng Thủy (xem Sáng thế ký chương 9:13-16). Đức Chúa Trời đã ban cầu vồng như là một dấu hiệu của giao ước, một lời hứa rằng toàn bộ trái đất sẽ không bao giờ bị lụt như vậy một lần nữa và một lời nhắc nhở rằng Đức Chúa Trời có thể và sẽ đoán phạt tội lỗi (II Phi-e-rơ 2:5).
Giao Ước Áp-ra-ham (Sáng thế ký 12:1-3, 6-7; 13:14-17; 15; 17:1-14; 22:15-18). Trong giao ước này, Đức Chúa Trời đã hứa nhiều điều với Áp-ra-ham. Đích thân Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ làm nổi danh Áp-ra-ham (Sáng thế ký 12:2), Áp-ra-ham sẽ có dòng dõi đông đúc (Sáng thế ký 13:16), và ông sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc (Sáng thế ký 17:4-5). Đức Chúa Trời cũng đã lập những lời hứa với một dân tộc được gọi là Y-sơ-ra-ên. Trên thực tế, các ranh giới địa lý của Giao Ước Áp-ra-ham đã được trình bày nhiều lần trong sách Sáng thế ký (12:7; 13:14-15; 15:18-21). Sự chu cấp khác trong Giao Ước Áp-ra-ham là những dòng giõi của thế gian sẽ được phước thông qua dòng dõi của Áp-ra-ham (Sáng thế ký 12:3; 22:18). Đây là sự ám chỉ về Đấng Mê-si-a, là người sẽ đến từ dòng dõi của Áp-ra-ham.
Giao Ước Pa-lét-xtin (Phục truyền 30:1-10). Giao Ước Pa-lét-xtin mở rộng khía cạnh vùng đất đã được nêu chi tiết trong Giao Ước Áp-ra-ham. Theo những giới hạn của giao ước này, nếu dân sự bất tuân thì Đức Chúa Trời sẽ khiến họ rải rác khắp thế giới (Phục truyền 30:3-4), nhưng cuối cùng thì Ngài sẽ phục hồi dân tộc (câu 5). Khi dân tộc được phục hồi, thì họ sẽ hoàn toàn vâng phục Ngài (câu 8), và Đức Chúa Trời sẽ làm cho họ trở nên cường thịnh (câu 9).
Giao Ước Môi-se (Phục truyền 11, và những chỗ khác) Giao Ước Môi-se là một giao ước có điều kiện mà sẽ đem đến sự ban phước trực tiếp từ Đức Chúa Trời cho sự vâng phục hoặc sẽ nhận lấy sự rủa sả trực tiếp từ Đức Chúa Trời nếu bất tuân dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Phần của Giao Ước Môi-se là Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô ký 20) và phần còn lại của Luật pháp là phần chứa đựng hơn 600 mạng lệnh – khoảng 300 mạng lệnh tích cực và 300 mạng lệnh tiêu cực. Những sách lịch sử của Cựu Ước (Giô-suê – Ê-xơ-tê) trình bày chi tiết cách dân Y-sơ-ra-ên đã thành công trong sự vâng phục Luật pháp hay dân Y-sơ-ra-ên đã thất bại thảm hại như thế nào khi bất tuân Luật pháp. Phục truyền luật lệ ký 11:26-28 trình bày chi tiết về sự phước lành và sự rủa sả.
Giao Ước Đa-vít (II Sa-mu-ên 7:8-16). Giao Ước Đa-vít mở rộng khía cạnh “hậu thế” của Giao Ước Áp-ra-ham. Những lời hứa dành cho Đa-vít trong phân đoạn này là đáng kể. Đức Chúa Trời đã hứa rằng dòng dõi của Đa-vít sẽ kéo dài đời đời và vương quốc của ông sẽ không bao giờ qua đi mãi mãi (câu 16). Rõ ràng, ngôi của Đa-vít không tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên, sẽ có lúc mà một người nào đó từ dòng dõi Đa-vít sẽ lại lên ngôi và cai trị như một vị vua. Vị vua tương lai này là Chúa Giê-xu (Lu-ca 1:32-33).
Giao Ước Mới (Giê-rê-mi 31:31-34). Giao Ước Mới là một giao ước được thực hiện đầu tiên với dân Y-sơ-ra-ên và cuối cùng là với toàn nhân loại. Trong Giao Ước Mới, Đức Chúa Trời hứa tha thứ tội lỗi, và sẽ có một sự hiểu biết chung về Chúa. Chúa Giê-xu Christ đã đến để hoàn thành Luật pháp của Môi-se (Ma-thi-ơ 5:17) và lập nên một giao ước mới giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Bây giờ chúng ta đang ở dưới Giao Ước Mới, cả dân Do Thái và Dân Ngoại có thể được giải phóng khỏi hình phạt của Luật pháp. Bây giờ chúng ta được ban cho cơ hội để nhận sự cứu rỗi là một món quà miễn phí (Ê-phê-sô 2:8-9).
Trong cuộc thảo luận về những giao ước Kinh thánh, có một vài vấn đề mà Cơ Đốc nhân không đồng ý. Thứ nhất, một số Cơ Đốc nhân nghĩ rằng mọi giao ước đều là giao ước có điều kiện. Nếu những giao ước có điều kiện, thì dân Y-sơ-ra-ên đã thất bại thảm hại khi hoàn thành chúng. Một số Cơ Đốc nhân khác thì cho rằng những giao ước vô điều kiện vẫn chưa được hoàn thành đầy đủ và bất kể sự bất tuân của Y-sơ-ra-ên sẽ có kết quả sau này trong tương lai. Thứ hai, Hội thánh của Chúa Giê-xu Christ có liên hệ như thế nào với những giao ước? Một số người cho rằng Hội thánh sẽ hoàn thành những giao ước và Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ giải quyết với dân Y-sơ-ra-ên nữa. Điều này được gọi là thần học thay thế và có ít bằng chứng Kinh thánh. Một số khác cho rằng Hội thánh sẽ hoàn thành những giao ước này lúc đầu hoặc một phần. Mặc dù nhiều lời hứa dành cho dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn trong tương lai, nhưng nhiều người cho rằng Hội thánh chia sẻ những giao ước này bằng một cách nào đó. Những người khác cho rằng những giao ước là dành cho dân Y-sơ-ra-ên và chỉ dành cho dân Y-sơ-ra-ên thôi, và Hội thánh không có phần trong những giao ước này.
English
Những giao ước trong Kinh thánh là gì?