settings icon
share icon
Câu hỏi

Mục đích của những sự ban cho dấu lạ trong Kinh Thánh là gì?

Trả lời


Khi chúng ta nói về những sự ban cho dấu lạ trong Kinh Thánh, chúng ta đang đề cập đến những phép lạ như nói tiếng lạ, nhìn thấy khải tượng, chữa lành, làm người chết sống lại và nói tiên tri. Không người một Cơ Đốc nhân nào thắc mắc liệu những dấu lạ đó có tồn tại hay không vì Kinh Thánh mô tả rất rõ ràng về những sự ban cho dấu lạ đó. Những tranh cãi nảy sinh trong vòng các Cơ Đốc nhân lại là về mục đích của những dấu hiệu đó cũng như câu hỏi liệu chúng ta có nên có những trải nghiệm về những dấu hiệu đó ngày hôm nay không. Một vài người nói rằng những sự ban cho đó là dấu hiệu của một người được cứu, trong khi một số khác lại nói rằng những sự ban cho đó chính là dấu hiệu của việc làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh, và một số khác lại nói rằng mục đích của dấu lạ chính là xác thực sứ điệp của Tin Lành. Làm thế nào để chúng ta biết được lẽ thật? Chúng ta phải tìm kiếm trong Kinh Thánh để khám phá mục đích của Đức Chúa Trời cho những điều này.

Một trong những phân đoạn Kinh Thánh sớm nhất đề cập đến dấu lạ trong Kinh Thánh là trong Xuất Ê-díp-tô ký 4, khi Đức Chúa Trời chỉ dẫn Môi-se giải cứu dân sự ra khỏi xứ Ai Cập. Môi-se lo lắng rắng dân sự sẽ không tin là Đức Chúa Trời sai phái ông, vì thế Đức Chúa cho ông dấu hiệu chiếc gậy biến thành con rắn, và tay của ông sẽ bị phung. Đức Chúa Trời phán rằng những dấu hiệu ấy là “để cho chúng nó tin rằng Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, đã hiện ra cùng ngươi.” (c.5). Nếu dân sự vẫn không tin, Đức Chúa Trời bảo Môi-se hãy múc nước từ sông Nin thì sẽ đổ ra trên đất và nước sẽ biến thành máu trên mặt đất . Mục đích là để cho con cái Y-sơ-ra-ên tin rằng đó là sứ điệp của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời cũng ban cho Môi-se những dấu hiệu phép lạ cho Pha-ra-ôn thấy, để Pha-ra-ôn cho dân sự đi. Xuất Ê-díp-tô ký 7:3-5, Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng Ngài sẽ thêm nhiều dấu kỳ phép lạ trong xứ Ê-díp-tô, “Khi nào ta tra tay vào xứ Ê-díp-tô mà rút dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi giữa vòng người Ê-díp-tô, thì họ sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va”. Đức Chúa Trời muốn người Ê-díp-tô biết rằng chính Ngài là Đấng giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Trong Xuất Ê-díp-tô 10:7, Môi-se nói với Pha-ra-ôn về tai vạ cuối cùng là tai vạ sẽ giết tất các các con trai đầu lòng để cho thấy Đức Chúa Trời phân biệt dân Y-sơ-ra-ên với dân Ê-díp-tô. Những dấu hiệu và phép lạ xác nhận sứ điệp của Đức Chúa Trời cho Pha-ra-ôn và cho người Ê-díp-tô, vì thế họ sẽ biết rằng Đức Chúa Trời đã sai phái Môi-se.

Khi Ê-li đối đầu với tiên tri giả trên đỉnh núi Cạt-mên (I Các vua 18), ông cầu xin Đức Chúa trời giáng lửa xuống từ trời để dân sự biết rằng “xin hãy tỏ cho người ta biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên, rằng tôi là kẻ tôi tớ Ngài, và tôi vâng lời Ngài mà làm mọi sự này… hầu cho dân sự này nhìn biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và Ngài khiến cho lòng họ trở lại.” Những phép lạ mà ông và những tiên tri khác đã làm là để xác nhận rằng chính Đức Chúa Trời đã sai phái những tiên tri đó và để công việc của Ngài bày tỏ ra giữa vòng dân sự.

Giô-ên được Đức Chúa Trời sai để nói cho dân sự về sự phán xét, và trong lời tiên tri đó cũng chứa đựng cả ân điển và hy vọng. Khi sự đoán xét xảy đến y như lời tiên tri, dân sự của Chúa đáp ứng lại bằng lòng ăn năn, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ cất bỏ sự đoán phạt và phục hồi ơn phước của Ngài: “Các ngươi sẽ biết rằng ta ở giữa Y-sơ-ra-ên, biết rằng ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, và chẳng có ai khác; dân ta sẽ không hề bị xấu hổ nữa.” (Giô-ên 2:27). Ngay sau lời tuyên phán này, Đức Chúa Trời nói về việc sẽ đổ Thần của Ngài trên dân sự, họ sẽ nói tiên tri, thấy những khải tượng và xem phép lạ. Khi các môn đồ khởi sự nói tiếng lạ vào ngày lễ Ngũ tuần (Công vụ 2:1-21), Phi-e-rơ tuyên bố: “Nhưng ấy là điều đấng tiên tri Giô-ên đã nói tiên tri”. Vậy mục đích là gì? Để mọi người biết rằng những lời Phi-e-rơ và các môn đồ khác rao giảng chính là sứ điệp của Đức Chúa Trời (Công vụ 2:22; Hê-bơ-rơ 2:3-4).

Chức vụ của Chúa Giê-xu đi kèm với nhiều dấu lạ và phép lạ. Mục đích những phép lạ của Ngài là gì? Trong Giăng 10:37-38, Chúa Giê-xu trả lời với những người Giu-đa muốn ném đá Ngài vì tội phạm thượng Ngài đáp rằng: “Ví bằng ta không làm những việc của Cha ta, thì các ngươi chớ tin ta. Còn nếu ta làm, thì, dầu các ngươi chẳng tin ta, hãy tin những việc ta, để các ngươi hiểu và biết rằng Cha ở trong ta và ta ở trong Cha.” Cũng giống như trong Cựu Ước, mục đích những phép lạ của Chúa Giê-xu là để xác nhận những điều Chúa rao giảng là từ Đức Chúa Cha.

Khi người Pha-ri-si hỏi Chúa Giê-xu chỉ cho họ thấy về dấu lạ, Chúa Giê-xu phán rằng: “Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na. Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na!”. (Ma-thi-ơ 12:39-41). Chúa Giê-xu biết rất rõ về mục đích của những dấu lạ là gì, để người ta sẽ nhận biết sứ điệp của Đức Chúa Trời và đáp ứng một cách đúng đắn. Cũng vậy, trong Giăng 4:48, Ngài phán với một người giàu có “Nếu các ngươi không thấy phép lạ và điềm lạ, thì các ngươi chẳng tin!”. Những dấu hiệu sẽ giúp cho những người đang có nhiều tranh chiến có thể tin, nhưng phải tập trung vào sứ điệp cứu rỗi trong Đấng Christ.

Phao-lô đã tóm tắt sứ điệp cứu rỗi trong I Cô-rinh-tô 1:21-23: “Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy. Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại”. Dấu lạ có mục đích của nó, nhưng kết quả cuối cùng có một ý nghĩa lớn hơn – sự cứu rỗi linh hồn qua sự rao giảng phúc âm. Trong I Cô-rinh-tô 14:22, Phao-lô nói một cách rõ ràng rằng “Thế thì, các thứ tiếng là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa”. Đức Chúa Trời sử dụng những dấu lạ như là nói tiếng lạ để thuyết phục người chưa tin rằng sứ điệp của Đấng Christ là thật, nhưng bối cảnh còn lại cho thấy, điều quan trọng trong hơn chính là sứ điệp của Phúc Âm được tuyên bố một cách rõ ràng.

Một điều thường bị bỏ qua khi thảo luận về dấu kì và phép lạ là thời điểm và vị trí của những điều đó trong KInh Thánh. Ngược lại với suy nghĩ thông thường cho rằng những người ở trong thời kì Kinh Thánh được viết chưa bao giờ được nhìn thấy phép lạ. Thực tế, phép lạ trong Kinh Thánh thường được diễn ra chung quanh các sự kiện đặc biệt khi Đức Chúa Trời bày tỏ cho nhân loại. Sự giải cứu dân Do Thái khỏi Ê-díp-tô và vào đất hứa đi kèm với rất nhiều phép lạ, nhưng phép lạ biến mất ngay sau đó. Trong suốt thời kì các vua, khi Đức Chúa Trời dự định sẽ làm cho dân sự bị lưu đày, Ngài sai những tiên tri của Ngài làm những phép lạ. Khi Chúa Giê-xu giáng thế giữa vòng chúng ta, Ngài làm nhiều phép lạ, và trong thời kì đầu tiên của các sứ đồ, họ cũng làm phép lạ, nhưng ngoài những thời điểm đó, chúng ta thấy có rất ít dấu kì hay phép lạ trong Kinh Thánh. Phần lớn số người còn lại trong thời kì Kinh Thánh, chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy những dấu lạ hay phép lạ. Họ phải sống bởi niềm tin vào những gì Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra cho họ.

Trong thời hội thánh đầu tiên, dấu kì và phép lạ chủ yếu tập trung vào những bài giảng phúc âm đầu tiên giữa nhiều sắc tộc người khác nhau. Vào ngày lễ Ngũ tuần, chúng ta đọc thấy rằng, “có người Giu-đa, kẻ mộ đạo, từ các dân thiên hạ đến, ở tại thành Giê-ru-sa-lem” (Công vụ 2:5). Đó là những người Do Thái, lớn lên ở vùng khác và nói ngôn ngữ khác (c.6-11), nói tiếng lạ là dấu lạ đầu tiên. Họ nhận biết được rằng họ đang nghe ngôn ngữ của mình về những công việc kì diệu của Đức Chúa Trời, và Phi-e-rơ nói với họ rằng đáp ứng đúng đắn chính là việc ăn năn về tội lỗi của họ (c.38). Khi Phúc âm đầu tiên được rao giảng giữa người Sa-ma-ri, Phi-lip đã dùng dấu kì và phép lạ (Công vụ 8:13)

Một lần nữa, khi Phi-e-rơ được sai đến nhà một người ngoại là Cọt-nây, Đức Chúa Trời đã cho một dấu lạ để xác nhận công tác của Ngài. “Các tín đồ đã chịu phép cắt bì, là người kẻ đồng đến với Phi -e-rơ, đều lấy làm lạ, vì thấy sự ban cho Đức Thánh Linh cũng đổ ra trên người ngoại nữa. Vì các tín đồ nghe họ nói tiếng ngoại quốc và khen ngợi Đức Chúa Trời.” (Công vụ 10:45-46). Khi các sứ đồ khác chất vấn Phi-e-rơ, ông đã đưa ra chứng cứ mà Chúa đã dẫn dắt ông, và những nười đó “ngợi khen Đức Chúa Trời” và nói rằng: “Vậy Đức Chúa Trời cũng đã ban sự ăn năn cho người ngoại để họ được sự sống!” (Công vụ 11:18).

Trong mỗi trường hợp, dấu hiệu phép lạ là lời xác nhận về sứ điệp và người ra sứ điệp là của Đức Chúa Trời, để người ta có thể nghe và tin. Khi sứ điệp được xác nhận, thì dấu lạ biến mất. Thường thì chúng ta không cần những dấu lạ lặp đi lặp lại trong cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta cần nhận được sứ điệp của cùng một Phúc âm.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Mục đích của những sự ban cho dấu lạ trong Kinh Thánh là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries