settings icon
share icon
Câu hỏi

Cơ Đốc Nhân có phải là “những vị thần nhỏ”?

Trả lời


Một vài hệ thống thần học, như Mộc-môn, dạy dỗ về tà giáo rằng con người có thể trở thành thần linh theo góc nhìn của riêng họ. Công Giáo La Mã có dạy về cái được gọi là thần tính của con người: “Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời, vì muốn chúng ta được dự phần vào thần tính của Ngài, đã mặc lấy thân thể của chúng ta, để Ngài, Đấng đã trở thành người, có thể biến con người trở nên thần.” (Giáo Lý Căn Bản của Giáo Hội Công Giáo La Mã, phiên bản thứ 2, phần 2, chương 2, mục 3, đoạn 1, 1:460), mặc dù ý nghĩa Công Giáo của nó là các tín đồ được hiệp nhất với Đấng Christ thông qua lễ Tiệc Thánh. Thuật ngữ được sử dụng phổ biến ngày nay, “tranh cãi về các vị thần nhỏ”, có nguồn gốc từ các mục sư và giáo sư của phong trào Lời Của Đức Tin. Ý tưởng cơ bản đằng sau tranh cãi này đó là con người thực chất có thần tính, được dựng nên theo “hình ảnh của Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 1:27), không phải chỉ được ban cho linh hồn, quyền cai quản các tạo vật trên đất, hay sống trong mối liên hệ với nhau, mà còn được “đồng đẳng về thuộc linh” với chính Đức Chúa Trời. Các nhà thần học theo sát Kinh Thánh đã công khai chỉ trích tư tưởng này là hoàn toàn sai lạc và tận cùng của tà giáo.

Giáo lý trụ cột của phong trào Lời Của Đức Tin chính là, khi chúng ta cầu xin điều gì đó trong niềm tin nơi Chúa, thì Ngài bị buộc phải đáp lời cầu xin của chúng ta. Với tư cách là những “vị thần nhỏ”, lời nói của chúng ta có nhiều quyền năng. Giáo lý sai trật này được giảng dạy bởi nhiều nhà truyền giáo trực tuyến, và vì có nguồn gốc từ phái Ngũ Tuần nên nó đã trở nên phổ biến hơn trong các hội thánh Đặc Sủng (có quyền lực hoặc tài năng do Đức Chúa Trời ban cho). Phong trào Lời Của Đức Tin có nhiều biệt danh nổi tiếng trong đó có “Cầu xin và nhận lãnh,” “thần học thịnh vượng,” và “phúc âm thịnh vượng và sức khỏe.”

Nền tảng của tư tưởng “những vị thần nhỏ” đặt ở hai phân đoạn Kinh Thánh. Thi Thiên 82:6 chép rằng, “Ta đã nói: Các ngươi là thần, Hết thảy đều là con trai của Đấng Chí Cao.” Chúa Giê-su trích dẫn chính Thi Thiên này trong Giăng 10:34, “Chẳng phải trong luật pháp của các ngươi có chép: ‘Ta đã nói các ngươi là thần,’ hay sao?” Tuy nhiên, cả hai phân đoạn Kinh Thánh này đều bao gồm sự giải thích tức thời ngay trong văn cảnh rằng nó không nói đến thần tính của loài người. Thi Thiên 82:6 được tiếp nối bởi lời cảnh báo rằng “Dầu vậy, các ngươi sẽ chết như loài người, sa ngã như một quan trưởng (câu 7). Ở đây ý chỉ về những con người đại diện cho thẩm quyền của Chúa trên thế gian – các vua, các quan xét, các thẩm phán.

Thi Thiên 82 là lời cảnh báo cho những vị lãnh đạo không công bình, tự xem mình là “thần thánh” (Thi Thiên 82:1) nhưng lại “không biết chi” và “đi qua đi lại trong sự tối tăm” (Thi Thiên 82:5). Chúa Giê-su sử dụng phân đoạn này để đối đáp lại những kẻ cáo Ngài lộng ngôn. Về cơ bản, Chúa Giê-su muốn hỏi, tại sao những nhà cầm quyền trong thế gian còn từng được gọi là Chúa, “thì Ta đây, Đấng được Cha biệt ra thánh và sai đến thế gian” (Giăng 10:36) lại bị cho là phạm thượng khi xưng mình là Con Đức Chúa Trời.

Việc công nhận thần tính cho Cơ Đốc Nhân là không có căn cứ, đặc biệt khi ta xét hết toàn bộ Kinh Thánh. “Chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời” (Ê-sai 37:16). Chúng ta chưa bao giờ là Đức Chúa Trời, chúng ta hiện không phải là Đức Chúa Trời, và sẽ không bao giờ trở thành Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su hoàn toàn là Đức Chúa Trời và hoàn toàn là con người (một sự kết hợp gọi là Ba Ngôi hiệp một). Nếu lý thuyết “những vị thần nhỏ” được chấp nhận, nó sẽ gán cho Chúa Giê-su một kiểu thần tính thấp kém hơn.; Ngài trở thành một trong những “vị thần nhỏ” giống như chúng ta. Giăng đã nói rằng “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, sống giữa chúng ta” (Giăng 1:14), nhưng điều này không ám chỉ một “thần tính kém hơn.” Chúa Giê-su mang lấy thịt và huyết của con người để có thể chết thay tội lỗi cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 2:14), nhưng Ngài vẫn giữ nguyên vẹn ngôi vị của mình trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Chúa đã dựng nên chúng ta với một tâm linh, nhưng tâm linh ấy không hề mang bản chất của thần linh.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Cơ Đốc Nhân có phải là “những vị thần nhỏ”?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries