Câu hỏi
Huấn luyện (dạy dỗ) một đứa trẻ theo cách mà chúng phải đi có nghĩa là gì?
Trả lời
Lời khuyên của Sa-lô-môn dành cho các bậc cha mẹ là “hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm-ngôn 22: 6). Việc nuôi nấng và huấn luyện một đứa trẻ theo ngữ cảnh của câu châm ngôn này có nghĩa là nó bắt đầu từ Kinh Thánh, vì “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn.(j) có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (2 Ti-mô-thê 3:16). Dạy con cái lẽ thật của Kinh Thánh sẽ khiến chúng trở nên khôn ngoan để được cứu rỗi (2 Ti-mô-thê 3:15); trang bị kỹ lưỡng để chúng làm các việc lành (2 Ti-mô-thê 3:17); sẳn sàng câu trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng (1 Phi-e-rơ 3:15); và chuẩn bị cho chúng để chống trả lại sự tấn công dữ dội của các nền văn hóa đang nhắm vào những người trẻ đang truyền bá các giá trị thế tục.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng con trẻ là món quà Chúa ban cho (Thi Thiên 127:3). Vậy nên thật đáng để chúng ta lưu tâm đến lời giáo huấn của Sa-lô-môn và nuôi dạy chúng một cách phải lẽ. Trên thực tế, giá trị về lẽ thật mà Đức Chúa Trời đặt vào việc dạy dỗ con cái chúng ta đã được nêu rõ ràng bởi Môi-se, người đã nhấn mạnh cho dân tộc của mình tầm quan trọng của việc dạy con cái họ về Chúa cũng như các mệnh lệnh và luật pháp của Ngài: “Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy. Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, đeo lên trán làm hiệu, và viết các lời đó lên khung cửa nhà và trước cổng” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7-9). Sự dạy dỗ kỹ lưỡng của Môi-se thể hiện mối quan tâm lớn của ông rằng thế hệ tiếp theo phải giữ được sự vâng lời với luật pháp của Đức Chúa Trời, để chúng “được sống an lành trong xứ” (Lê-vi Ký 25:18), rằng chúng sẽ “được phước đời đời” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:28), và Ngài sẽ “ban phước cho chúng trong đất hứa” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:16).
Kinh Thánh chỉ rõ rằng việc nuôi dạy con cái biết và vâng theo Chúa là nền tảng để có thể làm đẹp lòng Ngài và sống đắc thắng trong ân điển của Ngài. Việc nhận biết Chúa và lẽ thật của Ngài bắt đầu khi trẻ hiểu được tội lỗi là gì, và biết rằng mình cần một Đấng Cứu Thế. Ngay từ giai đoạn đầu đời, trẻ đã có thể hiểu được rằng chúng không hoàn hảo và nhận biết mình cần được tha thứ từ khi còn rất nhỏ. Tình yêu của cha mẹ sẽ giúp minh họa cho trẻ tình yêu của Đức Chúa Trời là Đấng không chỉ tha thứ mà còn cung ứng một tế lễ thay thế hoàn hảo là chính Chúa Giê-su Christ. Dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo có nghĩa trước nhất là hướng trẻ đến một Đấng Cứu Thế.
Kỷ luật là một phần không thể thiếu trong việc nuôi dạy một đứa trẻ theo ý Chúa, vì chúng ta biết “Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy.” (Châm Ngôn 3:12) Vì vậy, chúng ta không nên xem nhẹ hoặc nản lòng trong việc kỷ luật con trẻ, vì Chúa “sửa phạt người Ngài yêu thương, Những ai được nhận làm con thì Ngài cho roi cho vọt” (Hê-bơ-rơ 12:5-6). Chúng ta cũng biết rằng “Đức Chúa Trời vì ích lợi cho chúng ta mà sửa phạt, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài.” (Hê-bơ-rơ 12:10) Cũng thế, khi chúng ta kỷ luật con trẻ, chúng sẽ được sự khôn ngoan (Châm Ngôn 29:15) và chính chúng ta được sự an tịnh (Châm Ngôn 29:17) và thái độ kính sợ từ trẻ (Hê-bơ-rơ 12:9). Trên thực tế, kể từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã có thể hiểu được rằng sự kỷ luật của chúng ta phát xuất phát từ tình yêu thương. Đó là lý do những trẻ lớn lên trong gia đình thiếu kỷ luật lại thường cảm thấy thiếu thốn tình thương và có nguy cơ phạm pháp cao hơn khi trưởng thành. Nên nhớ rằng những biện pháp kỷ luật được thực thi phải tương ứng với lỗi vi phạm. Sự sửa phạt về thể chất như đánh đòn (có lý do rõ ràng) được Kinh Thánh cho phép (Châm Ngôn 13:24, 22:15, 23:13-14). Sự thật là những kỷ luật này, dù “làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy.” (Hê-bơ-rơ 12:11)
Các bậc phụ huynh nên có đồng một tâm tình sốt sắng trong việc dạy dỗ thế hệ sau như chính Môi-se đã làm. Cha mẹ đã được ban cho đặc ân hướng dẫn con trẻ trong một giai đoạn nhất định, nhưng giá trị của những sự dạy dỗ - giáo huấn đó sẽ kéo dài đời đời. Như nguyên tắc mà Châm Ngôn đã bày tỏ, một đứa trẻ được ân cần dạy cho “con đường mà nó phải theo” sẽ có thể sống theo lời dạy dỗ đó cho đến hết đời này và nhận lãnh phần thưởng của mình trong đời sau.
English
Huấn luyện (dạy dỗ) một đứa trẻ theo cách mà chúng phải đi có nghĩa là gì?