settings icon
share icon
Câu hỏi

Người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si là ai?

Trả lời


Các sách Phúc Âm thường đề cập đến người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si trong các cuộc xung đột liên miên giữa họ và Chúa Giê-xu. Người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si thuộc tầng lớp lãnh đạo của Y-sơ-ra-ên. Có nhiều sự tương đồng cũng như sự khác biệt giữa hai nhóm người này.

Người Sa-đu-sê: Trong suốt thời gian Chúa sống trên đất và thời đại Tân Ước thì người Sa-đu-sê là những người quý tộc. Họ thường giàu có, nắm giữ những vị trí quyền lực bao gồm cả những vị trí như là thầy tế lễ cả và thầy tế lễ thượng phẩm, họ nắm giữ phần lớn trong số 70 vị trí trong hội đồng cai trị được gọi là Hội đồng tôn giáo. Họ làm việc chăm chỉ để gìn giữ sự hòa bình bằng cách đồng ý với những quyết định của La Mã (lúc này dân Y-sơ-ra-ên bị đô hộ bởi người La Mã) và họ có vẻ quan tâm về chính trị hơn là tôn giáo. Bởi vì họ dễ dãi với La Mã và họ là tầng lớp thượng lưu giàu có nên họ không có mối liên hệ tốt với những người bình thường, và những người bình thường cũng không tôn trọng họ. Những người bình thường có mối liên hệ tốt hơn với những người thuộc phe đảng Pha-ri-si. Mặc dù người Sa-đu-sê nắm giữ phần lớn những vị trí trong Hội đồng tôn giáo, nhưng lịch sử cho biết rằng nhiều lần họ phải bằng lòng với những quan điểm của phe thiểu số người Pha-ri-si, bởi vì người Pha-ri-si được quần chúng nhân dân yêu thích.

Về mặt tôn giáo, người Sa-đu-sê bảo thủ hơn trong một lĩnh vực chủ yếu của giáo lý. Người Pha-ri-si cho rằng đạo lý truyền khẩu cũng có cùng thẩm quyền với Lời Chúa được viết ra thành văn, trong khi đó người Sa-đu-sê cho rằng chỉ có Lời Chúa được viết ra thì mới đến từ Chúa và có thẩm quyền. Người Sa-đu-sê bảo vệ thẩm quyền của Lời Chúa được viết ra, đặc biệt là các sách của Môi-se (Sáng thế ký đến Phục truyền luật lệ ký). Mặc dù họ có thể được tuyên dương vì điều này, nhưng chắc chắn họ không hoàn hảo trong những quan điểm giáo lý của họ. Dưới đây là một danh sách ngắn gọn về những điều họ tin nhưng lại trái ngược với Kinh thánh:

1. Họ cực kỳ tự mãn với việc từ chối sự ảnh hưởng của Chúa trong đời sống hằng ngày. 2. Họ bác bỏ bất cứ sự sống lại nào từ cõi chết (Ma-thi-ơ 22:23; Mác 12:18-27; Công vụ 23:8). 3. Họ bác bỏ bất cứ điều gì liên quan đến đời sau, họ cho rằng khi chết thì linh hồn cũng chết đi, và vì vậy họ cũng bác bỏ bất cứ hình phạt hay phần thưởng mà một người sẽ nhận được sau khi chết đi. 4. Họ bác bỏ sự tồn tại của thế giới thuộc linh, ví dụ như thiên sứ và ma quỷ (Công vụ 23:8).

Bởi vì người Sa-đu-sê quan tâm về chính trị hơn là tôn giáo nên họ không quan tâm đến Chúa Giê-xu cho đến khi họ cảm thấy lo lắng về việc Ngài có thể đem đến sự chú ý không mong muốn cho người La Mã. Về điểm này thì người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si đều thống nhất và hiệp lực đẩy Đấng Christ vào sự chết (Giăng 11:48-50; Mác 14:53; 15:1). Chúng ta có thể xem thêm những sự đề cập khác về người Sa-đu-sê trong Công vụ 4:1 và Công vụ 5:17, và theo nhà sử học Josephus người Sa-đu-sê có liên can đến cái chết của Gia-cơ (Công vụ 12:1-2).

Người Sa-đu-sê không còn tồn tại vào năm 70 sau Công Nguyên. Phe đảng này tồn tại bởi vì những mối liên hệ chính trị và chức thầy tế lễ của họ, nhưng khi La Mã phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ vào năm 70 sau Công Nguyên thì người Sa-đu-sê cũng bị hủy diệt.

Người Pha-ri-si: Trái ngược với người Sa-đu-sê, người Pha-ri-si phần lớn thuộc tầng lớp thương gia trung lưu, và vì vậy mà họ có mối liên hệ với người bình thường. Người Pha-ri-si chiếm được lòng quý mến của người bình thường nhiều hơn người Sa-đu-sê. Mặc dù họ có ít vị trí trong Hội đồng tôn giáo và nắm giữ ít vị trí thầy tế lễ, nhưng có vẻ như họ điều khiển được việc đưa quyết định của Hội đồng tôn giáo nhiều hơn là người Sa-đu-sê có thể làm được, một lần nữa lý do là vì họ có sự ủng hộ của người dân.

Về mặt tôn giáo, họ thừa nhận Lời Chúa được viết ra là bởi sự soi dẫn của Chúa. Trong khoảng thời gian thi hành chức vụ trên đất của Đấng Christ, thì lời Chúa là những quyển sách mà chúng ta gọi là “Cựu Ước”. Nhưng họ cũng cho rằng đạo lý truyền khẩu cũng có thẩm quyền giống y như Lời Chúa được viết ra thành văn, và họ cố gắng bảo vệ quan điểm này bằng cách nói rằng nó cũng bắt nguồn từ Môi-se. Phát triển qua nhiều thế kỷ, những truyền thống này đã được thêm vào trong Lời Chúa, là điều bị cấm (Phục truyền 4:2), và người Pha-ri-si cố gắng tuân thủ một cách nghiêm khắc những truyền thống này cùng với Cựu Ước. Các sách Phúc Âm ghi chép rất nhiều những ví dụ về người Pha-ri-si xem những truyền thống này ngang bằng với Lời Chúa (Ma-thi-ơ 9:14; 15:1-9; 23:5; 23:16,23; Mác 7:1-23; Lu-ca 11:42). Tuy nhiên, họ vẫn trung thành với Lời Chúa có liên quan chắc chắn đến những giáo lý quan trọng khác. Trái ngược với người Sa-đu-sê, họ tin vào những điều sau đây:

1. Họ tin rằng Chúa tể trị trên muôn vật, nhưng những quyết định cá nhân cũng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của con người.

2. Họ tin có sự sống lại từ cõi chết (Công vụ 23:6).

3. Họ tin rằng có sự sống lại trong đời sau với những phần thưởng hay hình phạt thích hợp cho từng người.

4. Họ tin có sự tồn tại của thiên sứ và ma quỷ (Công vụ 23:8).

Mặc dù người Pha-ri-si đối địch với người Sa-đu-sê, nhưng họ đã dẹp bỏ sang một bên sự khác biệt của họ trong một dịp đó là phiên tòa xét xử Đấng Christ. Đây là thời điểm mà người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si hiệp nhất với nhau để đẩy Chúa vào con đường chết (Mác 14:53; 15:1; Giăng 11:48-50).

Mặc dù người Sa-đu-sê không còn tồn tại sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, nhưng người Pha-ri-si thì quan tâm đến tôn giáo nhiều hơn chính trị nên họ vẫn tiếp tục tồn tại. Trên thực tế, người Pha-ri-si đã phản đối cuộc nổi loạn dẫn đến việc thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70 sau Công Nguyên, và họ cũng là người đầu tiên thiết lập hòa bình với người La Mã ngay sau đó. Người Pha-ri-si cũng chịu trách nhiệm trong việc biên soạn sách Mishnah (phương pháp và thực hành giải nghĩa Kinh Thánh của người Do Thái, bao gồm các đạo lý truyền khẩu của người Do Thái nhất là giải thích luật tôn giáo), một tài liệu quan trọng có liên quan đến sự mở rộng của Do Thái giáo sau khi đền thờ bị phá hủy.

Người Pha-ri-si lẫn người Sa-đu-sê luôn đáng bị Chúa Giê-xu quở trách. Có lẽ bài học tốt nhất chúng ta có thể học được từ người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê là đừng giống như họ. Không giống người Sa-đu-sê, chúng ta tin vào tất cả mọi điều Kinh thánh nói, bao gồm cả những phép lạ và đời sau. Không giống như người Pha-ri-si, chúng ta không xem truyền thống có cùng thẩm quyền như Kinh thánh, và chúng ta không để cho mối tương giao của chúng ta với Chúa bị hạn chế bởi việc tuân thủ một cách tuyệt đối những lễ nghi và quy tắc. English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si là ai?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries