Câu hỏi
Tại sao lại có rất nhiều ngươi vô thần?
Trả lời
Trước khi chúng ta có thể thảo luận về chủ nghĩa vô thần, chúng ta cần định nghĩa về nó. Theo một trang web chính thức của chủ nghĩa vô thần, những người vô thần tự định nghĩa theo cách này: "Chủ nghĩa vô thần không phải là sự hoài nghi nơi các thần hay sự chối bỏ các thần; mà là thiếu niềm tin nơi các thần". Những người xác nhận mình là vô thần muốn nhấn mạnh tới việc thiếu niềm tin của mình hơn là từ chối niềm tin. Họ coi chủ nghĩa vô thần thể hiện trí tuệ vượt trội hơn niềm tin nơi Chúa. Tuy nhiên, định nghĩa này đối đầu với thế giới quan của Kinh Thánh trong đó nói rõ rằng: "Kẻ ngu dại nói trong lòng mình rằng 'Không có Đức Chúa Trời'…" (Thi Thiên 14:1; 53:1). Vì những người vô thần có thể đồng ý với những người có đức tin rằng mọi người đều có quyền tự do lựa chọn những gì họ nghĩ hoặc tin, nên chúng ta sẽ định nghĩa chủ nghĩa vô thần ở đây là sự lựa chọn không tin vào bất kỳ Đấng tối cao nào mà loài người chịu trách nhiệm với.
Các thống kê chỉ ra rằng chủ nghĩa vô thần đang gia tăng ở những quốc gia có lịch sử ảnh hưởng mạnh mẽ từ niềm tin Cơ Đốc. Con số thống kê này bao gồm cả những người được nuôi dưỡng trong gia đình vô thần, nhưng chúng cũng cho thấy một sự gia tăng đáng báo động trong số những người từng giữ một số hình thức tín ngưỡng tôn giáo. Khi chúng ta nghe thấy một Cơ Đốc Nhân nổi bật từ bỏ đức tin mà mình từng công bố, chúng ta sẽ ngạc nhiên tự hỏi "Tại sao?" "Tại sao nhiều người không còn tin nơi Chúa khi công việc của Ngài bày tỏ khắp mọi nơi (Thi Thiên 19:1; 97:6; Rô-ma 1:20)? Mọi nền văn hóa trên thế giới đều công nhận một số thần linh, vậy tại sao có quá nhiều người tuyên bố rằng họ không tin vào bất cứ vị thần nào cả?
Có một vài nguyên nhân khiến mọi người tự xác nhận mình là vô thần. Thứ nhất đó là sự thiếu hiểu biết. Do thiếu những thông tin đúng đắn, một người có thể kết luận rằng chẳng có gì tồn tại bên ngoài vũ trụ này và kinh nghiệm của con người về nó. Vì vẫn còn tồn tại rất nhiều điều chúng ta không biết, thiếu hiểu biết khiến họ thường tạo ra các ý tưởng để lấp vào khoảng trống đó. Việc này thường dẫn tới tôn giáo sai lầm hoặc chủ trương vô thần. Kiến thức sơ sài về Chúa thường bị bôi nhọ bởi thần thoại hoặc sự mê tín tôn giáo đến mức bất kì điều gì siêu nhiên đều nghe có vẻ như một câu chuyện cổ tích. Khi tiếp xúc với một mớ hỗn độn của những tuyên bố khó hiểu, một vài người quyết định rằng không có sự thật nào và vứt bỏ toàn bộ sự thật.
Sự vỡ mộng là một lý do khác để khiến một số người trở nên vô thần. Do trải qua những kinh nghiệm tiêu cực, chẳng hạn như lời cầu nguyện không được đáp lời hoặc nhìn thấy hành vi đạo đức giả ở người khác, một người có thể kết luận rằng Chúa không tồn tại. Phản ứng này thường bị thúc đẩy bởi sự giận dữ hoặc tổn thương. Những người này lý luận rằng, nếu Chúa tồn tại, Ngài sẽ hành xử theo cách họ có thể hiểu được và tán đồng. Bởi vì Chúa không đáp ứng theo cách họ muốn Ngài làm, nên họ kết luận rằng Chúa hoàn toàn không tồn tại. Họ có thể bị vấp ngã với những khái niệm phức tạp như địa ngục, sự diệt chủng dường như được miêu tả trong Cựu Ước, hoặc sự vĩnh cửu, và kết luận rằng Chúa của Kinh Thánh quá khó hiểu để tin rằng Ngài là thật. Sự vỡ mộng thúc đẩy mọi người tìm kiếm sự thoải mái trong những gì mình nhìn thấy và biết, hơn là một vị thần vô hình. Để tránh khả năng bị thất vọng nhiều hơn, họ từ bỏ mọi nỗ lực về đức tin và tìm một biện pháp an ủi khi quyết định rằng Chúa đơn giản không hề tồn tại.
Liên kết chặt chẽ với những người vỡ mộng tự gọi mình là "vô thần" khi, thực tế, họ là những người chống lại Chúa. Người vô thần là một cái mác mà một số người che giấu đằng sau họ lòng căm thù sâu sắc với Thiên Chúa. Thường thì do những sang chấn trong thời thơ ấu hay bị lạm dụng bởi danh tôn giáo, những người này đem trong mình một ác cảm với tất cả những gì thuộc về tôn giáo. Cách duy nhất để họ có thể trả thù một vị thần mà họ cho là tàn nhẫn đó là từ chối Ngài cách kịch liệt. Những sự kiện trong quá khứ đã để lại một vết thương sâu đến nỗi họ dễ dàng từ chối sự thật về Thiên Chúa hơn là thừa nhận rằng họ ghét Ngài. Những người vô thần thật sự không bao hàm nhóm này trong số họ, khi họ nhận ra rằng tức giận với Chúa là công nhận sự tồn tại của Ngài. Tuy nhiên nhiều người thực tế vẫn làm như vậy, tự nhận mình là vô thần đồng thời không ngừng bày tỏ sự phẫn nộ đối với sự tồn tại của một Chúa mà họ chối bỏ.
Vẫn có những người khác chối bỏ ý tưởng về Đức Chúa Trời bởi vì họ muốn Ngài dễ tìm thấy hơn. Khi một nhà vô thần nổi tiếng Richard Dawnkins được hỏi "Bạn sẽ nói điều gì nếu bạn đối mặt với Chúa sau khi chết?", ông ta trả lời, "Tôi sẽ nói với Ngài, 'Tại sao Ngài gánh những sự đau đớn lớn như vậy để che giấu chính mình?" Một vài người nhăn mặt khi biết sự thật rằng Thiên Chúa là Thần, không nhìn thấy được, và chỉ tìm thấy qua đức tin (Hê-bơ-rơ 11:6; Giê-rê-mi 29:13). Họ giữ thái độ rằng Đấng Sáng Tạo vũ trụ nợ họ bằng chứng về sự tồn tại của Ngài vượt xa những gì Ngài đã ban cho họ cách dời rộng (Thi Thiên 19:1; 102:25; Rô-ma 1:20). Chúa Giê-xu đã đối diện với vấn đề này khi Ngài sống trên đất. Trong Mác 8, Chúa Giê-xu vừa cho bốn ngàn người ăn với bảy cái bánh và một vài con cá nhỏ, nhưng giới tri thức đã đến với Ngài yêu cầu Ngài thực hiện một dấu hiệu để "chứng minh" Ngài là Đấng Mê-si-a (câu 11). Chúa Giê-xu đã minh họa sự cứng lòng này trong câu chuyện ngụ ngôn của Ngài về người đàn ông giàu có ở địa ngục, người luôn khao khát cảnh báo anh em mình về những gì đang chờ đợi họ sau khi chết (Lu-ca 16:19-31). Từ thiên đàng, Áp-ra-ham trả lời, "Song Áp-ra-ham rằng: Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy" (Lu-ca 16:31).
Lời giải thích hợp lý nhất cho sự tiếp tục phát triển của chủ nghĩa vô thần không hề thay đổi kể từ câu chuyện tại Vườn Địa đàng (Sáng thế ký 3:6; Rô-ma 3:23). Bản chất của mọi tội lỗi đó là quyền muốn tự quyết định. Bằng cách từ chối sự tồn tại của một Đấng Tạo Hóa, những người vô thần có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không cần quan tâm đến sự phán xét trong tương lai hoặc hậu quả đời đời (Ma-thi-ơ 12:36; Rô-ma 14:12; 1 Phi-e-rơ 4:5; Hê-bơ-rơ 4:13). Trong thế kỷ hai mươi mốt, sự tự tôn đã được chấp nhận về mặt văn hóa. Thuyết vô thần lôi cuốn một thế hệ lớn dựa trên lý thuyết tiến hóa và thuyết tương đối đạo đức. Giăng 3:19 nói: "Vả, sự đoán xét đó là như vầy: Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa". Nếu con người tự tạo ra, tự quyết định và tự cho mình là trung tâm, thì không có luật đạo đức hoặc nhà lập pháp mà họ phải khai trình. Không có sự tuyệt đối và không ai chịu trách nhiệm cho ai. Bằng cách áp dụng một tư duy như vậy, những người vô thần có thể tập trung vào việc tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống này một mình.
Chừng nào các nhà khoa học, giáo sư và triết gia còn rao truyền quan điểm vô thần của họ là lẽ thật và sự khôn ngoan, mọi người sẽ tiếp tục tiếp nhận nó bởi vì ý tưởng về quyền tự quyết thu hút bản chất nổi loạn của chúng ta. Thái độ này không có gì mới, nhưng các chuẩn mực văn hóa đang thay đổi khiến nó trở nên dễ chấp nhận hơn. Rô-ma 1:18-31 chỉ ra một cách chi tiết kết quả của sự từ chối thẩm quyền của Chúa. Câu 28 nói: "Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng." Thế giới của chúng ta đang chứng kiến kết quả của sự suy đồi. Những gì người vô thần gọi là "giác ngộ", Chúa gọi là sự ngu dại. Rô-ma 1:22 nói: "Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại." Khi "kính sợ Chúa là sự khởi đầu của sự khôn ngoan" (Thi thiên 111:10; Châm ngôn 1:7; 9:10), thì việc sự chối bỏ Chúa (vô thần) là khởi đầu của sự ngu dại.
English
Tại sao lại có rất nhiều ngươi vô thần?