Câu hỏi
Si-ôn là gì? Núi Si-ôn là gì? Nghĩa của từ Si-ôn theo Kinh thánh là gì?
Trả lời
Thi thiên 87:2-3 nói rằng, “Đức Giê-hô-va chuộng các cửa Si-ôn hơn những nơi ở của Gia-cốp. Ớ thành của Đức Chúa Trời, đã được nói những sự vinh hiển về ngươi”. Từ “Si-ôn” xuất hiện hơn 150 lần trong Kinh thánh, về cơ bản có nghĩa là “chiến lũy”. Trong Kinh thánh, Si-ôn là thành Đa-vít và cũng là thành của Đức Chúa Trời. Theo tiến trình Kinh thánh, thì từ “Si-ôn” chuyển tiếp từ ý nghĩa là một thành phố vật chất đến một ý nghĩa thuộc linh.
Từ “Si-ôn” được đề cập đầu tiên trong Kinh thánh là ở II Sa-mu-ên 5:7, “Nhưng Đa-vít hãm lấy đồn Si-ôn, ấy là thành Đa-vít”. Vậy thì “Si-ôn” ban đầu là tên pháo đài của người Giê-bu-sít cổ xưa trong thành Giê-ru-sa-lem. “Si-ôn” không chỉ tượng trưng như là một pháo đài mà còn là một thành phố ở trong một pháo đài vững chắc. Sau khi Đa-vít chiếm đóng “pháo đài Si-ôn” thì Si-ôn được gọi là “thành của Đa-vít” (I Các vua 8:1; I Sử ký 11:5; II Sử ký 5:2).
Khi vua Sa-lô-môn xây Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, Si-ôn được mở rộng ra để bao gồm cả đền thờ và khu vực xung quanh nó (Thi thiên 2:6; 48:2; 11-12; 132:13). Cuối cùng là Si-ôn còn được sử dụng như là tên của thành Giê-ru-sa-lem, vùng đất của Giu-đa, và dân Y-sơ-ra-ên nói chung (Ê-sai 40:9; Giê-rê-mi 31:12; Xa-cha-ri 9:13).
Ý nghĩa quan trọng nhất của từ “Si-ôn” là ý nghĩa thần học của nó. Si-ôn tượng trưng cho dân Y-sơ-ra-ên là dân sự của Chúa (Ê-sai 60:14). Ý nghĩa thuộc linh của từ “Si-ôn” được tiếp tục trong Tân Ước, ám chỉ về vương quốc thiêng liêng của Đức Chúa Trời dành cho Cơ Đốc nhân, Giê-ru-sa-lem trên trời (Hê-bơ-rơ 12:22; Khải huyền 14:1). Phi-e-rơ ám chỉ Đấng Christ như là Hòn đá góc nhà của Si-ôn: “Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu. Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ” (I Phi-e-rơ 2:6).
English
Si-ôn là gì? Núi Si-ôn là gì? Nghĩa của từ Si-ôn theo Kinh thánh là gì?