Câu hỏi
Sống sót trong thời kỳ cuối cùng – Tôi cần phải biết những điều nào?
Trả lời
Thông thường, người ta hay cảm thấy lo lắng khi họ nghĩ về tương lai; tuy nhiên, chúng ta không nên suy nghĩ theo cách đó. Đối với những người nhận biết Đức Chúa Trời, suy nghĩ về tương lai đem lại sự háo hức và niềm an ủi. Chẳng hạn như, khi mô tả về một phụ nữ nhận biết và tin cậy Chúa, Châm ngôn 31:25 nói: “Nàng mỉm cười trước các ngày tháng tương lai” (Bản dịch mới).
Hai ý tưởng chính cần ghi nhớ trong tâm trí về tương lai, trước tiên đó là Đức Chúa Trời tể trị và kiểm soát mọi điều. Ngài biết về tương lai và hoàn toàn kiểm soát những gì sẽ xảy ra. Kinh Thánh chép: “Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta. Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý. Ta gọi chim ó đến từ phương đông,và gọi người làm mưu ta đến từ xứ xa. Điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn thành, điều ta đã định, ta cũng sẽ làm.” (Ê-sai 46:9-11 – Bản dịch truyền thống)
Điều thứ hai cần ghi nhớ về tương lai đó là Kinh Thánh phác họa những gì sẽ xảy ra trong “thời kỳ cuối cùng” hay “những ngày sau cuối.” Bởi vì Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho nhân loại, và bởi Đức Chúa Trời biết và kiểm soát tương lai (như Ê-sai đã nói ở trên), thì đó là lý do khi Kinh Thánh nói về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, chúng ta có thể tin vào. Dự đoán về tương lai, Kinh Thánh chép: “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (2Phi-e-rơ 1:21) Sự thật này hiển nhiên trong thực tế, không giống như những lời tiên tri giả trong các tôn giáo khác hay bởi những cá nhân như Nostradamus, Kinh Thánh không bao giờ sai – mọi lần Kinh Thánh nói trước về một sự kiện xảy ra trong tương lai, sự kiện đó sẽ diễn ra y như những gì Kinh Thánh cho biết.
Khi suy xét làm thế nào để hiểu và sống sót trong thời kỳ cuối, hãy trả lời ba câu hỏi này:
1. Tôi nên diễn giải những gì Kinh Thánh nói về tương lai như thế nào (những lời tiên tri trong Kinh Thánh)?
2. Kinh Thánh nói gì về những điều sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng?
3. Những điều Kinh Thánh nói về tương lai ảnh hưởng tới cách tôi sống trong ngày nay như thế nào?
Làm thế nào để diễn giải Những Lời Tiên Tri Trong Kinh Thánh
Có một số quan điểm về những phương pháp nào nên được sử dụng khi diễn giải các đoạn văn liên quan đến thời kỳ cuối cùng. Mặc dù có những người giỏi đang thực hiện các phương pháp khác nhau, cũng có lý do thuyết phục để tin rằng những lời tiên tri trong Kinh Thánh nên được diễn giải (1) theo nghĩa đen, (2) với một quan điểm hướng về tương lai, và (3) trong những gì được gọi là thuyết “tiền thiên hy niên”. Chúng ta được khích lệ khi diễn giải theo nghĩa đen cho thấy một sự thật rằng có trên 300 lời tiên tri liên quan tới sự đến lần thứ nhất của Đấng Christ, tất cả những điều này đã được ứng nghiệm thật sự. Những lời tiên tri quanh sự giáng sinh của Đấng Mê-si, sự sống, sự phản bội, sự chết và sự phục sinh không ứng nghiệm theo kiểu ngụ ý hay trong cách thần bí. Chúa Giê-xu thật sự được sinh ra tại Bết-lê-hem, làm những phép lạ, bị phản nộp bởi một môn đồ thân cận chỉ vì 30 nén bạc, bị đóng đinh, chết cùng với những tên cướp, được chôn trong một ngôi mộ của người giàu, và sau khi chết ba ngày Ngài đã phục sinh. Tất cả những chi tiết này được nói tiên tri hàng trăm năm trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh và được ứng nghiệm thật sự. Và, mặc dù có những biểu tượng được sử dụng trong các lời tiên tri khác nhau (VD: con rồng, kỵ binh…), tất cả đều mô tả các sinh vật hay sự kiện theo nghĩa đen giống như cách Chúa Giê-xu nói về sư tử hay chiên con.
Về một quan đểm hướng tới tương lai, Kinh Thánh chỉ rõ rằng các sách tiên tri như Đa-ni-ên và Khải Huyền không chỉ chứa đựng những sự kiện lịch sử, nhưng cũng dự đoán về những sự kiện trong tương lai. Sau khi Giăng ban phát những thông điệp cho các Hội thánh trong thời của ông, ông nhận được những khải tượng liên quan tới điều gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. Giăng viết “Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều sau này phải xảy đến.’’ (Khải huyền 4:1, nhấn mạnh thêm)
Có lẽ một tranh cãi còn mạnh mẽ hơn quan điểm hướng về tương lai liên quan đến lời hứa Đức Chúa Trời thiết lập với Áp-ra-ham (so sánh Sáng Thế Ký 12 &15) nói về miền đất của dân I-sơ-ra-ên. Vì giao ước của Đức Chúa Trời thiết lập với Áp-ra-ham là không có điều kiện và lời hứa của Ngài vẫn chưa ứng nghiệm đối với con cháu của Áp-ra-ham, một quan điểm về tương lai cho rằng lời hứa này Chúa dành cho I-sơ-ra-ên có đủ bằng chứng để đưa ra.
Cuối cùng, đối với các lời tiên tri được diễn giải theo thuyết “Tiền Thiên hy niên”, điều này có nghĩa rằng, trước tiên, Hội thánh sẽ được cất lên, sau đó thế giới sẽ trải qua một giai đoạn bảy năm Đại Nạn, và rồi Chúa Giê-xu sẽ trở lại cai trị thế giới 1.000 năm theo nghĩa đen (Khải huyền 20)
Tuy nhiên, Kinh Thánh nói điều gì sẽ xảy ra trước đó?
Kinh Thánh nói điều gì sẽ xảy ra trong thời kì cuối cùng?
Thật đáng buồn, Kinh Thánh tiên tri về một thời kì trong vòng xoáy đi xuống của những thảm họa, tội lỗi của con người, và sự bội đạo (2 Tê-sa 2:3 trước khi Đấng Christ trở lại. Phao-lô viết “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn… Nhưng những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn trong điều dữ, làm lầm lạc kẻ khác mà cũng lầm lạc chính mình nữa.” (2Ti-mô-thê 3:1, 13)
Một ngày nào đó trong tương lai – một ngày không ai biết – Đức Chúa Trời sẽ kết thúc Thời kỳ Hội Thánh đã bắt đầu trong thế kỷ đầu tiên vào ngày lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2) với một sự kiện được gọi là “Sự cất Hội Thánh về trời” (Rapture). Lúc đó, Chúa sẽ đưa tất cả những người tin nơi Đấng Christ trên trần gian này vào trong sự chuẩn bị cho cuộc phán xét cuối cùng của Ngài. Trong Sự Cất Lên, Phao-lô nói: “Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:14–18 – Bản dịch Truyền thống).
Việc dần dần hủy hoại hòa bình và gia tăng hỗn loạn xảy ra trước Lễ Cất Lên sẽ đạt tới mức độ kinh khủng trong lịch sử khi mà vô số người biến mất khỏi trái đất. Một sự kiện như vậy sẽ gây ra sự hoảng loạn và đòi hỏi cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người sẽ có câu trả lời cho tất cả các vấn đề của thế giới. Việc chuẩn bị cho vị lãnh đạo này đã được tiến hành trong một thời gian, như nhà sử học Arnold Toynbee đã lưu ý: "Bằng cách buộc con người ngày càng có nhiều vũ khí gây chết người, đồng thời làm cho thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, công nghệ đã đưa nhân loại đến một mức độ đau khổ, mà chúng ta sẵn sàng cho việc sùng bái bất kỳ một nhà cầm quyền (Caesar) mới nào, những người có thể thành công trong việc đem lại đoàn kết và hòa bình trên thế giới." Từ bên trong một Đế Quốc La Mã đang được hồi sinh, được tổ chức theo một liên minh có mười nước (hoặc) miền châu Âu (xem Đa-ni-ên 7: 24, Khải huyền 13: 1), Kẻ chống Đấng Christ (1 Giăng 2:18) sẽ dấy lên và lập một giao ước với quốc gia Do Thái, sẽ chính thức bắt đầu đếm ngược bảy năm Đại nạn theo lời tiên tri của Đức Chúa Trời về lần tái lâm của Đấng Christ (xem Đa-ni-ên 9:27)
Trong khoảng ba năm rưỡi, Kẻ chống Đấng Christ sẽ cai trị trên đất và hứa đem lại hòa bình, nhưng đó chỉ là sự hòa bình giả tạo lừa gạt con người. Kinh Thánh chép: “Khi người ta sẽ nói rằng: Bình hòa và yên ổn, thì tai họa thình lình vụt đến, như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà có nghén, và người ta chắc không tránh khỏi đâu.” (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:3 – Bản Truyền thống). Chiến tranh, động đất, đói kém sẽ gia tăng nhanh chóng (Ma-thi-ơ 24:7) cho đến thời kỳ kết thúc 3,5 năm trị vì của Kẻ chống Đấng Christ, khi đó hắn sẽ vào một ngôi đền thờ được xây lại trong Giê-ru-sa-lem và tự mình công bố là Chúa, yêu cầu mọi người thờ phượng hắn (xem 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4; Ma-thi-ơ 24:15). Chính tại thời điểm đó, Đức Chúa Trời chân thần sẽ đáp lại thách thức này. Trong khoảng 3,5 năm tiếp theo, một cơn Đại Nạn sẽ xảy ra, như chưa từng có trước đó. Chúa Giê-xu đã tiên đoán: “vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa. Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.” (Ma-thi-ơ 24:21–22).
Vô số những điều hủy hoại sự sống và tàn phá trái đất sẽ xảy ra trong suốt Cơn Đại Nạn (Khải Huyền 6:1-7; 9:15). Ngoài ra, sẽ có số lượng lớn người đặt lòng tin nơi Đấng Christ, tuy nhiên nhiều người làm vậy vì cái giá họ phải trả cho sự sống của mình (7:9-14). Đức Chúa Trời sẽ vẫn tể trị khi Ngài tập hợp những đội quân không tin trong thế gian để phán xét họ. Trong sự kiện này, tiên tri Giô-ên đã viết: “thì ta sẽ nhóm hết thảy các nước lại, và đem chúng nó xuống trong trũng Giô-sa-phát. Tại đó, ta sẽ phán xét chúng nó vì cớ dân ta, và Y-sơ-ra-ên là sản nghiệp ta, mà chúng nó đã làm cho tan tác giữa các dân tộc; và chúng nó đã chia đất ta ra.” (Giô-ên 3:2) Giăng ghi lại trận chiến này như sau: “Tôi thấy từ miệng rồng (Sa-tan), miệng thú, miệng tiên tri giả có ba tà thần ra, giống như ếch nhái. Đó là những thần của ma quỉ, làm phép lạ và đi đến các vua trên khắp thế gian, để nhóm hiệp về sự chiến tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn năng…Chúng nhóm các vua lại một chỗ, theo tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn (Khải Huyền 16:13-16 – Bản Truyền Thống”)
Đúng lúc ấy, Đấng Mê-si là Chúa Giê-xu sẽ tái lâm, hủy diệt kẻ thù của Ngài và công bố với thế gian thuộc về Ngài: “Bấy giờ tôi thấy trời mở ra, và có một con ngựa trắng hiện ra: Đấng cưỡi ngựa ấy gọi là Đấng trung tín và chân thật; Ngài lấy lẽ công bình mà xét đoán và chiến đấu. Mắt Ngài như ngọn lửa; trên đầu có nhiều mão triều thiên, lại có đề một danh, ngoài Ngài ra không ai biết được. Ngài mặc áo nhúng trong huyết, danh Ngài xưng là Lời Đức Chúa Trời. Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cưỡi ngựa bạch theo Ngài. Có một lưỡi gươm bén ở miệng Ngài ra, Ngài sẽ lấy nó mà đánh các dân, và cai trị họ bằng một cây gậy sắt. Ngài giày đạp thùng rượu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời toàn năng. Trên áo tơi và trên đùi Ngài, có đề một danh là: Vua của các vua và Chúa của các chúa. Tôi thấy một vị thiên sứ đứng trong mặt trời. Người cất tiếng lớn kêu các chim chóc bay giữa khoảng không của trời, mà rằng: Hãy đến, bây hãy nhóm hiệp lại để dự tiệc lớn của Đức Chúa Trời, hãy đến ăn thịt các vua, thịt các tướng, thịt các dõng sĩ, thịt ngựa cùng kẻ cưỡi ngựa, và thịt của mọi người, tự chủ và tôi mọi, nhỏ và lớn. Tôi lại thấy con thú và các vua thế gian cùng những quân đội mình nhóm lại đặng tranh chiến với Đấng cưỡi ngựa, và với đạo binh của Ngài. Nhưng con thú bị bắt và tiên tri giả là kẻ đã làm phép lạ trước mặt con thú, nhờ đó lừa dối những người đã nhận dấu hiệu con thú cùng thờ lạy hình tượng nó, cũng bị bắt với nó nữa; cả hai đều đương sống bị quăng xuống hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng. Những kẻ khác đều bị giết bởi lưỡi gươm ra từ miệng Đấng cưỡi ngựa, và hết thảy chim chóc đều được ăn thịt chúng nó no nê. (Khải huyền 19:1-21 – Bản Truyền Thống)
Sau khi Đấng Cứu Thế đánh bại tất cả thế lực tập trung lại trong thung lũng Armageddon, Ngài sẽ cai trị với các thánh đồ 1000 năm (Khải Huyền 20:2-7) và hoàn toàn khôi phục lại I-sơ-ra-ên cho nước Ngài. Vào cuối một ngàn năm, sẽ có đợt phán xét cuối cùng cho các dân tộc và tất cả nhân loại còn tồn tại (KH 20:11-15), và sau đó là một trạng thái vĩnh cửu: hoặc sống với Chúa (21:1-4) hoặc bị chia cách với Ngài (Ma-thi-ơ 25:46; Khải huyền 20:10).
Các sự kiện trên không phải là suy đoán hoặc khả năng có thể xảy ra hay không - mà chính xác là những gì sẽ diễn ra trong tương lai (Êsai 42:9; 44:8). Giống như tất cả những lời tiên tri trong Kinh Thánh về sự đến đầu tiên của Đấng Christ đã trở thành sự thật, tất cả những lời tiên tri của Kinh Thánh về sự hiện đến lần thứ hai của Ngài cũng sẽ như vậy.
Với những lời tiên tri đã được ứng nghiệm, chúng sẽ tác động tới chúng ta ngày nay như thế nào? Phi-e-rơ đặt câu hỏi này: " Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi!"(2 Phi-e-rơ 3: 11-12).
Tác động của Những lời tiên tri trong Kinh Thánh đối với chúng ta ngày nay
Có bốn điều chúng ta cần đáp ứng với những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Trước tiên đó là sự vâng lời, là những gì Phi-e-rơ đã nói trong những câu trên. Chúa Giê-xu không ngừng khuyên chúng ta hãy sẵn sàng cho sự đến của Ngài, điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào (xem Mác 13:33-37:u-ca 12:40) và sống theo cách mà chúng ta không hổ thẹn về hành vi của mình.
Đáp ứng thứ hai đó là thờ phượng. Đức Chúa Trời đã cung ứng một cách để thoát khỏi sự phán xét cuối cùng của Ngài - món quà cứu rỗi được ban cho nhưng không của Ngài qua Chúa Giê-xu. Chúng ta phải chắc chắn chúng ta nhận lãnh sự cứu rỗi của Ngài và sống với lòng biết ơn Ngài. Sự thờ phượng trên đất của chúng ta một ngày nào đó sẽ trở thành thờ phượng trên thiên đàng: “Chúng hát một bài ca mới rằng: Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước” (Khải huyền 5:9)
Đáp ứng thứ ba là công bố. Thông điệp về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và sự thật về lần tái lâm thứ hai của Ngài cần phải được rao truyền cho mọi người nghe, đặc biệt là cho những người chưa tin. Chúng ta phải cho mọi người cơ hội quay về với Chúa và được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Ngài. Khải huyền 22:10 nói, " Rồi người lại phán cùng tôi rằng: Chớ niêm phong những lời tiên tri trong sách nầy; vì thì giờ đã gần đến."
Đáp ứng cuối cùng với Lời tiên tri của Đức Chúa Trời đó là phục vụ. Tất cả các tín hữu cần phải siêng năng thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời và làm việc lành. Một phần trong sự phán xét của Đấng Christ sẽ là những công việc mà các tín hữu đã thực hiện. Những công việc đó không quyết định cho việc một tín hữu được vào nước Thiên đàng, nhưng sẽ chỉ ra người nào đã làm gì với những ân tứ mà Chúa ban cho họ. Phao-lô nói về sự phán xét này: "Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt." (2Cô-rinh-tô 5: 10).
Tóm lại, Đức Chúa Trời tể trị trên tất cả mọi điều diễn ra và mọi người trên thế gian. Ngài chắc chắn cai trị mọi sự và sẽ đem đến một cái kết hoàn hảo cho mọi thứ Ngài đã bắt đầu. Một bản Thánh Ca có những lời này: "Tất cả đều là tạo vật của Thiên Chúa ... Được nặn nên bởi Một tay ... Satan và Sự cứu rỗi ... Ở dưới Một lệnh".
Lời tiên tri được ứng nghiệm là một bằng chứng cho thấy Kinh thánh là một quyển sách siêu nhiên. Hàng trăm lời tiên tri trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm, và thật có lý khi kết luận rằng những gì Kinh Thánh nói về thời kỳ cuối cùng cũng sẽ được hoàn thành. Đối với những ai biết Chúa Giê-xu và tin Ngài làm Chúa và Đấng Cứu Thế của họ, sự đến của Ngài sẽ là niềm hy vọng phước hạnh cho họ (Ti-mô-thê 2:13). Nhưng đối với những người đã chối bỏ Đấng Christ, Ngài sẽ là sự kinh khiếp thánh đối với họ (xem 2 Têsalônica 1: 8). Điểm mấu chốt là: để sống sót trong thời kỳ cuối cùng, hãy chắc chắn rằng bạn là một tín đồ của Đấng Christ: "Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5: 9).
English
Sống sót trong thời kỳ cuối cùng – Tôi cần phải biết những điều nào?