settings icon
share icon
Câu hỏi

Nếu sự cứu rỗi của chúng ta là được đảm bảo đời đời, tại sao Kinh Thánh lại cảnh báo quá mạnh mẽ về sự bội đạo?

Trả lời


Nguyên do Kinh Thánh cảnh cáo chúng ta quá mạnh mẽ đối với sự bội đạo là sự trở lại tin Chúa thật được đo lường bởi bông trái có thể nhìn thấy được. Khi Giăng Báp-tít đang làm phép báp-têm cho người ta trong sông Giô-đanh, ông đã cảnh cáo những người nghĩ họ là công bình để “kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (“produce fruit in keeping with repentance”) (Ma-thi-ơ 3:8). Chúa Giê-xu đã cảnh cáo những người đang lắng nghe Ngài dạy trong khi Ngài đang giảng Bài Giảng Trên Núi rằng mọi cái cây có thể được biết bởi trái của nó (Ma-thi-ơ 7:16) và mọi cây không sinh trái tốt sẽ bị đốn hạ xuống và quăng vào lửa (Ma-thi-ơ 7:19).

Mục đích đằng sau những lời cảnh cáo này là để phản đối cái mà một số người gọi là “thuyết tin dễ dàng (easy-believism).” Nói cách khác, theo Chúa Giê-xu thì còn hơn cả việc nói rằng bạn là một Cơ Đốc Nhân. Bất cứ ai cũng có thể tuyên bố Đấng Cơ Đốc là Đấng Cứu Rỗi, nhưng những ai thật sự được cứu sẽ sanh bông trái thấy được. Bây giờ, một người có thể hỏi câu hỏi, “Bông trái ở đây có ý muốn nói điều gì?” Ví dụ rõ ràng nhất của bông trái Cơ Đốc có thể được tìm thấy trong Ga-la-ti 5:22-23 trong đó Phao-lô mô tả trái của Thánh Linh: tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, và tiết độ. Có những loại trái Cơ Đốc (như sự ngợi khen, việc thu phục các linh hồn cho Đấng Cơ Đốc), nhưng danh sách này cung cấp cho chúng ta một sự tóm lược tuyệt vời về các thái độ Cơ Đốc. Những người tin thật sẽ bày tỏ những thái độ này trong đời sống của họ ở một mức độ ngày càng tăng khi họ tiến lên trong linh trình Cơ Đốc của mình (2 Phi-e-rơ 1:5-8).

Chính những môn đồ thật, kết trái, là những người có sự bảo đảm đời đời, và họ sẽ bền chí (kiên trì) cho đến cuối cùng. Có nhiều phân đoạn Kinh Thánh xác nhận điều này. Rô-ma 8:29-30 phác thảo "sợi xích vàng" của sự cứu rỗi bằng cách chỉ ra rằng những người Đức Chúa Trời đã biết trước thì Ngài đã định sẵn, đã gọi, đã xưng công chính, và đã làm cho vinh hiển—không có sự mất mát nào dọc đường cả. Phi-líp 1:6 cho chúng ta biết rằng công việc Đức Chúa Trời đã bắt đầu ở trong chúng ta, thì Ngài sẽ hoàn thành. Ê-phê-sô 1:13-14 dạy rằng Đức Chúa Trời đã đóng ấn chúng ta bằng Đức Thánh Linh như một sự bảo đảm về của thừa kế của chúng ta cho tới khi chúng ta sở hữu nó. Giăng 10:29 xác nhận rằng không ai có khả năng lấy chiên của Đức Chúa Trời khỏi tay Ngài. Có nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh cũng nói điều tương tự—những kẻ tin thật được bảo đảm đời đời trong sự cứu rỗi của họ.

Những phân đoạn Kinh Thánh cảnh cáo về sự bội đạo phục vụ cho hai mục đích chính. Thứ nhất, chúng cổ vũ những kẻ tin thật lấy làm chắc chắn về "sự kêu gọi và sự được lựa chọn của họ". Trong 2 Cô-rinh-tô 13:5 Phao-lô bảo chúng ta phải xét chính mình để xem liệu chúng ta có ở trong đức tin hay không. Nếu những kẻ tin thật là những môn đồ kết trái của Chúa Giê-xu Cơ Đốc, thì chúng ta sẽ có khả năng thấy bằng chứng của sự cứu rỗi. Các Cơ Đốc Nhân kết trái theo những mức độ khác nhau dựa trên mức độ vâng lời và những ân tứ thuộc linh của họ, nhưng tất cả các Cơ Đốc Nhân đều đơm bông kết trái; và chúng ta sẽ thấy bằng chứng của điều đó khi chúng ta tự xem xét mình.

Sẽ có những giai đoạn trong đời sống của một Cơ Đốc Nhân không có bông trái có thể thấy được. Những giai đoạn này là những lúc phạm tội và không vâng phục. Điều xảy ra trong suốt những thời gian không vâng phục kéo dài là Đức Chúa Trời cất lấy khỏi chúng ta sự bảo đảm về sự cứu rỗi của chúng ta. Đó là lý do tại sao Đa-vít đã cầu nguyện trong Thi Thiên 51 xin phục hồi lại cho ông "niềm vui của sự cứu rỗi" (Thi Thiên 51:12). Chúng ta mất niềm vui của sự cứu rỗi chúng ta khi chúng ta sống trong tội lỗi. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh bảo chúng ta phải “tự xem xét để xem mình có ở trong đức tin chăng; hãy tự thử mình” (2 Cô-rinh-tô 13:5). Khi một Cơ Đốc Nhân thật tự xem xét chính mình và thấy không có sự kết quả trong thời gian gần đây, điều đó sẽ dẫn đến sự ăn năn nghiêm túc và sự quay trở về với Đức Chúa Trời.

Lý do thứ hai cho các phân đoạn Kinh Thánh nói về sự bội đạo là chỉ ra những người bội đạo để chúng ta có thể nhận ra họ. Một người bội đạo là một người nào đó từ bỏ đức tin tôn giáo của mình. Rõ ràng từ Kinh Thánh nói rằng những người bội đạo là những người đã tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giê-xu Cơ Đốc, nhưng đã chưa bao giờ thật lòng tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa. Ma-thi-ơ 13:1-9 (Thí Dụ về Người Gieo Giống) minh họa điểm này một cách hoàn hảo. Trong câu chuyện ngụ ngôn (ví dụ) đó, một người gieo giống gieo hạt giống, biểu tượng cho Lời Chúa, vào bốn loại đất: đất cứng, đất đá sỏi, đất cỏ dại gai góc, và đất mới được cày xới. Những loại đất này đại diện cho bốn loại đáp ứng đối với phúc âm. Loại đất thứ nhất là sự khước từ hoàn toàn, trong khi ba loại kia đại diện cho các mức độ tiếp nhận khác nhau. Đất đá sỏi và đất gai góc đại diện cho những người ban đầu đáp ứng có thiện chí với phúc âm, nhưng khi sự bắt bớ xảy đến (đất đá sỏi) hay những sự chăm chú đến thế gian này trở nên trĩu nặng đi (đất đầy cỏ dại gai góc), họ sẽ quay lưng đi. Chúa Giê-xu giải thích rõ ràng với hai loại đáp ứng này rằng, mặc dù ban đầu họ "tiếp nhận" phúc âm, họ chưa bao giờ kết trái bởi vì hạt giống (của phúc âm) chưa bao giờ đâm xuống mảnh đất tấm lòng họ. Chỉ loại đất thứ tư, là đất đã được "chuẩn bị" bởi Đức Chúa Trời, là có khả năng tiếp nhận hạt giống và kết trái. Một lần nữa, Chúa Giê-xu nói trong Bài Giảng Trên Núi, "Không phải tất cả những ai nói với ta, 'Chúa Chúa', sẽ được vào nước thiên đàng đâu"” (Ma-thi-ơ 7:21).

Dường như Kinh Thánh không thường cảnh cáo về sự bội đạo và cùng lúc đó một người tin thật sẽ không bao giờ bỏ đạo. Tuy nhiên, đây là điều Kinh Thánh nói. 1 Giăng 2:19 khẳng định một cách cụ thể rằng những ai bội đạo đang chứng tỏ rằng họ đã không phải là những kẻ tin thật. Do vậy, những lời cảnh cáo của Kinh Thánh về sự bội đạo, phải là một lời cảnh cáo đối với những ai "ở trong đức tin" mà không thật sự đã tiếp nhận nó. Những phân đoạn Kinh Thánh như Hê-bơ-rơ 6:4-6Hê-bơ-rơ 10:26-29 là những lời cảnh cáo đối với những kẻ tin "giả vờ" rằng họ cần phải tự xét mình và nhận ra rằng nếu họ đang xem xét việc bỏ đạo, họ không thật sự được cứu. Ma-thi-ơ 7:22-23 cho biết rằng những "kẻ tin giả vờ", là những kẻ Đức Chúa Trời khước từ, thì bị khước từ không phải bởi vì họ mất đức tin, nhưng bởi vì thực tế rằng Đức Chúa Trời đã chưa bao giờ biết họ.

Có nhiều người sẵn sàng đồng nhất hóa với Chúa Giê-xu. Ai mà không muốn sự sống đời đời và ơn phước chứ? Tuy nhiên, Chúa Giê-xu cảnh báo chúng ta phải tính đến cái giá phải trả của việc làm môn đệ (Lu-ca 9:23-26, 14:25-33). Những kẻ tin thật sự đã và đang tính đến những cái giá phải trả đó, trong khi những kẻ bội đạo thì không. Những kẻ bội đạo là những người mà, khi họ rời bỏ đức tin, đưa ra bằng chứng cho thấy họ đã chưa bao giờ được cứu trước hết (1 Giăng 2:19). Sự bội đạo không phải là một sự mất đi sự cứu rỗi, nhưng đúng hơn là một minh chứng rằng sự cứu rỗi đã chưa bao giờ được sở hữu.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Nếu sự cứu rỗi của chúng ta là được đảm bảo đời đời, tại sao Kinh Thánh lại cảnh báo quá mạnh mẽ về sự bội đạo?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries