settings icon
share icon
Câu hỏi

Sự khác biệt giữa giáo phái và tà phái là gì?

Trả lời


Từ giáo phái, liên quan đến “trường phái tư tưởng”, là một thuật ngữ chủ quan có thể áp dụng cho một niềm tin tôn giáo hoặc giáo phái, hoặc có thể ám chỉ một nhóm nhỏ dị giáo. Đôi khi, nó có ý nghĩa là một điều không được chấp nhận, tương tự như “những tà giáo phá hoại” được nói đến trong II Phi-e-rơ 2:1, mặc dù không có những mẫu mực nhất quán hoặc được chấp nhận để sử dụng cho việc xác định một giáo phái.

Giáo phái được tìm thấy trong tất cả các tôn giáo. Hồi giáo có giáo phái Sunni và Shia, Do Thái giáo có Chính thống giáo và Karaite, Ấn Độ giáo có Shiyai và Shakti, và Cơ Đốc giáo có Baptists và Lutherans. Đây là tất cả các điển hình về các giáo phái tôn giáo, và chúng có thể được coi là “nhánh” của các tôn giáo khác nhau. Cũng có những giáo phái phi tôn giáo, chẳng hạn như các nhà tư bản và chủ nghĩa xã hội trong số các nhà kinh tế học, hoặc những người theo trường phái Freudians (về phân tâm học) và Jungians (tâm lý học) trong số các nhà tâm thần học.

Ngược lại, từ “tà phái” luôn mang hàm ý tiêu cực. Có những tiêu chuẩn cụ thể được sử dụng để xác định một “tà phái”. Trong tác phẩm phi hư cấu Combatting Cult Mind Control (đây là sách hướng dẫn cách bảo vệ, giải cứu và phục hồi từ các tà phái hủy diệt), Steven Hassan nhà lập trình viên, chỉ ra điều ông gọi là “những tà phái hủy diệt”, mà ông định nghĩa là “một chế độ độc tài hình kim tự tháp với một người hoặc một nhóm người có quyền kiểm soát tất cả. Nó tuyển dụng thành viên mới bằng cách lừa dối họ (ví dụ: mọi người KHÔNG được thông báo trước về: tên nhóm, niềm tin thật sự của nhóm và nhóm mong đợi điều gì ở họ khi họ trở thành thành viên)”. Hassan cũng chỉ ra một cách chính xác rằng các tà phái không chỉ là tôn giáo mà cũng có thể mang tính chất thương mại hoặc thế tục.

Hassan mô tả các thành phần mà các tà phái hủy diệt sử dụng để kiểm soát tâm trí là:

Kiểm soát hành vi: Một cá nhân được kiểm soát chặt chẽ về các mối quan hệ, sắp xếp cuộc sống, thức ăn, quần áo, thói quen ngủ, tài chính, v...v...

Kiểm soát thông tin: Các nhà lãnh đạo tà phái cố tình che giấu hoặc bóp méo thông tin, nói dối, tuyên truyền và hạn chế quyền truy cập vào các nguồn thông tin khác.

Kiểm soát tư tưởng: Các nhà lãnh đạo tà phái sử dụng các từ ngữ và ngôn ngữ nặng nề, không khuyến khích tư duy phản biện, ngăn chặn bất kỳ bài phát biểu nào chỉ trích các nhà lãnh đạo hoặc chính sách của tà phái và dạy học thuyết “chúng ta chống lại họ”.

Kiểm soát cảm xúc: Các nhà lãnh đạo thao túng những người đi theo họ thông qua nỗi sợ hãi (bao gồm nỗi sợ hãi mất đi sự cứu rỗi, sợ hãi bị xa lánh, v...v...), cảm giác tội lỗi và sự truyền bá.

Theo quan điểm Cơ Đốc, tà phái là bất kỳ nhóm nào tuân theo những giáo lý mâu thuẫn với giáo lý Cơ Đốc chính thống và cổ súy tà giáo. Theo định nghĩa này, cả Hội tháp canh (Chứng nhân Giê-hô-va) và Thánh hữu ngày sau (Mặc Môn) đều là tà phái.

Bởi vì không phải tất cả các tà phái đều được nhận ra ngay lập tức như vậy nên một số người có thể dễ nhầm lẫn các tà phái với giáo phái, nhưng điều quan trọng là làm theo gương của những người Bê-rê trong Công vụ 17:11: “Những người này có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng”. Luôn nghiên cứu niềm tin của nhóm trước khi cam kết, xem xét các hành vi và học thuyết của nhóm đó trong ánh sáng của Kinh Thánh, và cẩn thận với các thành phần mà các tà phái hủy diệt sử dụng để kiểm soát tâm trí mà Steven Hassan đã liệt kê ở trên. Nói chuyện với các thành viên, nhưng từ chối khi bị họ ép buộc. Quan trọng là, nếu điều gì đó có vẻ không ổn thì đừng làm.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Sự khác biệt giữa giáo phái và tà phái là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries