settings icon
share icon
Câu hỏi

Sự sa ngã đã ảnh hưởng đến nhân loại như thế nào?

Trả lời


"Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trãi qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội" (Rô-ma 5:12). Tác động của sự Sa Ngã là rất nhiều và lan ra rất xa. Tội lỗi đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của chúng ta. Nó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta trên thế gian và số phận đời đời của chúng ta.

Một trong những ảnh hưởng ngay lập tức của sự Sa Ngã là nhân loại đã bị chia cắt khỏi Đức Chúa Trời. Trong Vườn Ê-đen, Ađam và Êva đã có mối liên hệ và tương giao hoàn hảo với Đức Chúa Trời. Khi họ chống nghịch lại với Ngài, thì mối tương giao ấy đã bị gãy đổ. Họ đã nhận thức được tội lỗi của mình và đã xấu hổ trước mặt Ngài. Họ đã trốn chạy khỏi Ngài (Sáng thế ký 3:8-10), và loài người đã trốn chạy khỏi Đức Chúa Trời từ đó. Chỉ qua Đấng Christ mà mối tương giao đó mới có thể được phục hồi, bởi vì trong Ngài chúng ta được trở nên công bình và vô tội trong mắt Đức Chúa Trời như Adam và Eva đã có trước khi họ phạm tội. "Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 5:21).

Bởi sự Sa Ngã, sự chết đã trở thành hiện thực, và tất cả tạo vật bị lệ thuộc vào nó. Tất cả loài người đều chết, tất cả động vật chết, mọi sự sống thực vật đều chết. "Muôn vật đều than thở" (Rôma 8:22), chờ đợi thời điểm khi Đấng Christ sẽ trở lại để giải phóng chúng thoát khỏi ảnh hưởng của sự chết. Vì tội lỗi, cái chết là một thực tại không thể tránh khỏi, và không ai được miễn nhiễm. "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng ơn của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta" (Rô-ma 6:23). Tệ hơn nữa, chúng ta không chỉ chết, nhưng nếu chúng ta chết khi không có Đấng Christ, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự chết đời đời (Giảng 3:36; 8:23-24).

Một hiệu ứng khác của sự Sa Ngã là con người đã đánh mất đi mục đích mà họ đã được tạo ra. Mục đích chính của con người và mục đích cao nhất của cuộc đời là tôn vinh Đức Chúa Trời và được vui thỏa với Ngài mãi mãi (Rô Ma 11:36, 1 Cô-rinh-tô 6:20; 10:31, Thi thiên 86: 9). Do đó, tình yêu với Đức Chúa Trời là cốt lõi của tất cả hệ thống đạo đức và sự tốt lành. Đối nghịch lại là sự lựa chọn của bản thân như là điều tối cao. Tính ích kỷ là bản chất của sự Sa Ngã, và những gì xảy đến là tất cả những tội ác khác chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Trên tất cả mọi phương diện, tội lỗi là sự tập chú vào bản thân mình, điều này đã được khẳng định trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đòi hỏi sự chú ý cho bản thân cùng những phẩm chất tốt đẹp và thành quả của chúng ta. Chúng ta giảm thiểu những thiếu sót của chúng ta. Chúng ta tìm kiếm những đặc ân và cơ hội đặc biệt trong cuộc sống, muốn có thêm một lợi thế mà không ai khác có. Chúng ta thận trọng cho những ao ước và những nhu cầu của riêng mình, trong khi chúng ta không quan tâm đến những người khác. Tóm lại, chúng ta đặt mình lên ngai vàng trong cuộc sống của chúng ta, chiếm đoạt vị trí của Đức Chúa Trời.

Khi Ađam chọn sự nổi loạn chống lại Đấng Tạo Dựng ra mình, ông đã đánh mất sự vô tội, đã chịu hình phạt cho cái chết thể xác và tâm linh, và tâm trí của ông đã bị tối tăm bởi tội lỗi, cũng như tâm trí của những người kế thừa ông vậy. Sứ đồ Phao-lô đã nói về những người ngoại giáo, "Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng" (Rô-ma 1:28). Ông nói với người ở thành Cô-rinh-tô rằng "chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời" (II Côrinhtô 4: 4). Chúa Jêsus đã phán: "Ta là sự sáng đã đến thế gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối tăm nữa" (Giăng 12:46). Phao-lô nhắc nhở người Ê-phê-sô rằng: "lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa" (Ê-phê-sô 5:8). Mục đích của sự cứu rỗi là "mở mắt [những người không tin] hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, và từ quyền lực của quỷ Satan mà đến Đức Chúa Trời" (Công-vụ 26:18).

Sự Sa Ngã sản sinh ra con người trong tình trạng hư hỏng. Phao-lô đã nói về những người "có lương tâm bị chai lì" (1 Ti-mô-thê 4: 2) và những người lầm lạc trong lý tưởng tăm tối do chối bỏ lẽ thật (Rô-ma 1:21). Trong tình trạng này, con người hoàn toàn không có khả năng làm hay chọn lựa những điều được Đức Chúa Trời chấp nhận, ngoại trừ ơn sủng của Chúa. "Vì tâm trí hướng về xác thịt thì thù nghịch với Đức Chúa Trời. Nó không thuận phục luật pháp của Đức Chúa Trời; nó cũng không có khả năng để thuận phục" (Rô-ma 8: 7).

Nếu không có sự phục hồi siêu nhiên của Chúa Thánh Linh, tất cả loài người sẽ vẫn ở trong tình trạng sa ngã của họ. Nhưng trong ân sủng, lòng thương xót và lòng nhân ái của Ngài, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến chết trên thập giá và chịu hình phạt của tội lỗi chúng ta, hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời và ban cho sự sống đời đời có thể với Ngài. Mọi điều bị đánh mất bởi sự Sa Ngã đã được phục hồi tại dưới chân Thập Tự Giá.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Sự sa ngã đã ảnh hưởng đến nhân loại như thế nào?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries