Câu hỏi
Sự tái sinh qua phép báp-têm là gì?
Trả lời
Sự tái sinh bằng phép báp têm là niềm tin rằng phép báp têm là cần thiết cho sự cứu rỗi, hoặc, chính xác hơn, sự tái sinh không xảy ra cho đến khi một người được báp-têm bằng nước. Sự tái sinh qua phép báp-têm là một nguyên lý của nhiều giáo phái Cơ đốc, nhưng được các nhà thờ trong Phong Trào Phục Hồi thúc đẩy mạnh mẽ, cụ thể là Hội Thánh của Đấng Christ và Hội Thánh Quốc Tế của Đấng Christ.
Những người ủng hộ sự tái sinh qua phép báp têm chỉ ra những câu Kinh thánh như Mác 16:16, Giăng 3:5, Công-vụ 2:38, Công-vụ 22:16, Ga-la-ti 3:27, và 1 Phi-e-rơ 3:21 để làm bằng chứng trong Kinh thánh. Và, cứ cho là như vậy thì những câu này dường như chỉ ra rằng phép báp têm là cần thiết cho sự cứu rỗi. Tuy nhiên, có những diễn dịch có căn cứ theo Kinh Thánh và ngữ cảnh của những câu trích dẫn này lại không hỗ trợ quan điểm tái sinh bằng phép báp têm.
Những người ủng hộ sự tái sinh qua phép báp têm điển hình có một công thức gồm bốn phần về làm cách nào để nhận được sự cứu rỗi. Họ tin rằng một người phải tin, ăn năn, tuyên xưng, và chịu phép báp têm để được cứu. Họ tin theo cách này bởi vì có những đoạn Kinh Thánh dường như cho thấy rằng mỗi hành động này đều là cần thiết cho sự cứu rỗi. Ví dụ, Rô-ma 10: 9-10 liên kết sự cứu rỗi và việc tuyên xưng. Công vụ 2:38 kết nối sự cứu rỗi với sự ăn năn và phép báp têm.
Sự ăn năn, khi được hiểu theo Kinh Thánh, là cần thiết cho sự cứu rỗi (Lu-ca 13:3,5; Công vụ 2:28; 20:21) . Sự ăn năn là sự thay đổi của tâm trí (Công vụ 26:20). Sự ăn năn, trong mối liên hệ với ơn cứu rỗi, thay đổi tâm trí bạn từ sự chối bỏ của Đấng Christ sang sự chấp nhận Đấng Christ (Giăng 1:12). Đây không phải là một bước riêng biệt với đức tin cứu rỗi. Thay vào đó, nó là một khía cạnh thiết yếu của đức tin cứu rỗi. Một người không thể tiếp nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Cứu Chúa, bởi ân điển qua đức tin, mà không có sự thay đổi trong tâm trí về Ngài là ai và Ngài đã làm những gì.
Lời tuyên xưng, được hiểu theo Kinh Thánh, là một sự thể hiện đức tin. Nếu một người thực sự đã nhận Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu Rỗi, việc tuyên xưng đức tin này với người khác sẽ là kết quả. Nếu một người xấu hổ về Đấng Christ và / hoặc hổ thẹn về sứ điệp của Phúc âm, rất có thể người đó đã không hiểu được Phúc âm hoặc không kinh nghiệm được sự cứu rỗi mà Đấng Christ ban cho.
Phép báp-têm, được hiểu theo Kinh Thánh, là một sự gắn bó với Đấng Christ. Phép báp-têm của Cơ đốc giáo minh họa sự đồng hóa của người tin Chúa với sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ (Rô ma 6:3-4). Giống như với lời tuyên xưng, nếu một người không muốn chịu phép báp-têm — không muốn nhận biết rằng cuộc sống của mình đã được Chúa Jesus Christ chuộc lại — người đó có vẻ như không phải là một người được dựng nên mới (2 Côrinhtô 5:17) qua đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Những người đấu tranh cho sự tái sinh qua phép báp têm và /hoặc công thức bốn phần để nhận sự cứu rỗi này không coi các hành động này như là các việc làm đáng khen thưởng để có được sự cứu rỗi. Ăn năn, thú tội, v.v...không làm cho một người xứng đáng nhận được sự cứu rỗi. Thay vào đó, quan điểm chính thức là đức tin, sự ăn năn, lời tuyên xưng và báp-têm là "những việc làm của sự vâng phục", những điều mà một người phải làm trước khi Đức Chúa Trời ban cho họ sự cứu rỗi. Trong khi sự hiểu biết tiêu chuẩn của Đạo Tin Lành rằng đức tin là điều duy nhất mà Đức Chúa Trời yêu cầu trước khi sự cứu rỗi được ban cho, thì những người ủng hộ sự tái sinh qua phép báp têm tin rằng phép báp têm, và cho một số người, ăn năn và tuyên xưng — là những điều Chúa đòi hỏi trước khi ban cho họ sự cứu rỗi.
Vấn đề với quan điểm này là có những đoạn trong Kinh thánh tuyên bố cách rõ ràng và dứt khoát rằng đức tin là yêu cầu duy nhất cho sự cứu rỗi. Giăng 3:16, một trong những câu nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh, nói, "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời." Trong Công-vụ 16:30, khi viên cai ngục người Phi-líp hỏi sứ đồ Phao-lô, "Tôi phải làm gì để được cứu?" nếu có cơ hội nào cho Phao-lô trình bày một công thức bốn phần, thì đây chính là cơ hội đó. Phản ứng của Phao-lô rất đơn giản: "Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi" (Công vụ 16:31). Không có phép báp têm, không tuyên xưng, chỉ có đức tin.
Có hàng chục câu trong Tân Ước quy cho sự cứu rỗi với nhờ vào đức tin/niềm tin mà không có yêu cầu nào khác được đề cập trong ngữ cảnh. Nếu báp-têm, hay bất cứ điều gì khác, là cần thiết cho sự cứu rỗi, tất cả những câu này đều sai. Và nếu Kinh Thánh có lỗi thì không còn đáng tin cậy nữa.
Một nghiên cứu đầy đủ của Tân Ước về các yêu cầu khác nhau cho sự cứu rỗi là không cần thiết. Việc nhận được sự cứu rỗi không phải là một quá trình hoặc một công thức gồm nhiều bước. Sự cứu rỗi là một sản phẩm hoàn chỉnh, không phải là một công thức. Chúng ta phải làm gì để được cứu? Tin vào Chúa Jêsus Christ, và chúng ta sẽ được cứu.
English
Sự tái sinh qua phép báp-têm là gì?