Câu hỏi
Sự thờ phượng Cơ Đốc có ý nghĩa gì?
Trả lời
Ý nghĩa của từ Hy Lạp trong Tân Ước hầu như thường dịch chữ “thờ phượng” (proskuneo) là “hạ mình xuống trước” hay “cuối đầu xuống trước.” Thờ phượng là một thái độ của tinh thần. Vì nó là một hành động cá nhân bên trong, nên sự thờ phượng Cơ Đốc luôn diễn ra bảy ngày trong một tuần. Khi Cơ Đốc nhân chính thức nhóm hợp lại trong sự thờ phượng, thì sự nhấn mạnh vẫn nên nằm ở sự thờ phượng Chúa cách cá nhân. Ngay cả khi là một phần của hội chúng thì mỗi người tham dự cần phải nhận thức rằng mình đang thờ phượng Chúa trên nền tảng cá nhân.
Bản chất của sự thờ phượng Cơ Đốc là từ bên trong ra ngoài và có hai đặc tính quan trọng như nhau. Chúng ta phải thờ phượng “bằng tâm thần và lẽ thật” (Giăng 4:23-24). Sự thờ phượng bằng tâm thần thì không có liên quan gì với điệu bộ cơ thể của chúng ta. Nó liên quan đến bản chất bên trong đáy lòng của chúng ta và đòi hỏi nhiều điều. Trước tiên, chúng ta phải được sinh lại. Nếu Đức Thánh Linh không ngự trị trong chúng ta, thì chúng ta không thể đáp lại Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng bởi vì chúng ta không biết Ngài. “Nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:11b). Đức Thánh Linh ở trong chúng ta là Đấng thúc đẩy sự thờ phượng bởi vì cốt lõi là Ngài đang tôn cao chính Ngài, và mọi sự thờ phượng thật là tôn cao Đức Chúa Trời.
Thứ hai, sự thờ phượng bằng tâm thần đòi hỏi một tâm trí tập trung vào Đức Chúa Trời và được đổi mới bằng lẽ thật. Phao-lô khích lệ chúng ta “dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình” (Rô-ma 12:1b, 2b). Chỉ khi tâm trí chúng ta được biến đổi từ tập trung vào những điều đời này đến tập trung vào Đức Chúa Trời thì chúng ta mới có thể thờ phượng bằng tâm thần được. Sự phân tâm về nhiều thứ có thể xâm chiếm tâm trí chúng ta khi chúng ta cố gắng thờ phượng và tôn cao Đức Chúa Trời, gây cản trở sự thờ phượng thật của chúng ta.
Thứ ba, chúng ta chỉ có thể thờ phượng bằng tâm thần khi có một tấm lòng trong sạch, rộng mở và ăn năn. Khi tấm lòng của vua Đa-vít tràn đầy tội lỗi đã phạm với Bết-se-ba (II Sa-mu-ên 11), ông nhận thấy rằng không thể thờ phượng được. Ông cảm thấy rằng Đức Chúa Trời ở xa ông và ông “rên siết trọn ngày”, cảm thấy rằng tay Chúa đang đè nặng trên ông (Thi thiên 32:3,4). Nhưng khi ông xưng tội mình, mối thông công với Chúa được phục hồi và sự thờ phượng, ngợi khen tuôn tràn ra từ ông. Ông hiểu rằng “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương, lòng đau thương thống hối” (Thi thiên 51:17). Sự ngợi khen và thờ phượng dành cho Đức Chúa Trời không thể xuất phát từ tấm lòng đầy ắp tội lỗi chưa được xưng ra.
Đặc tính thứ hai của sự thờ phượng thật đó là “bằng lẽ thật”. Mọi sự thờ phượng là sự đáp trả với lẽ thật, và điều gì có thể là tiêu chuẩn đánh giá lẽ thật tốt hơn là Lời Chúa? Chúa Giê-xu nói với Đức Chúa Cha, “Lời Ngài là lẽ thật” (Giăng 17:17b). Thi thiên 119 nói rằng, “Luật pháp của Chúa là chân thật” (câu 142b) và “Lời Chúa là chân thật” (câu 160a). Để thờ phượng Chúa cách chân thật, chúng ta phải hiểu Ngài là ai và điều Ngài đã làm, và nơi duy nhất Ngài bày tỏ đầy đủ về chính Ngài là ở trong Kinh thánh. Sự thờ phượng là sự bày tỏ sự ngợi khen từ tận sâu thẩm trong đáy lòng của chúng ta đối với một Đức Chúa Trời là Đấng được hiểu thông qua Lời Ngài. Nếu chúng ta không có lẽ thật của Kinh thánh, thì chúng ta không biết Chúa và chúng ta cũng không thể thờ phượng Chúa thật được.
Vì những hành động bên ngoài là thứ yếu trong sự thờ phượng Cơ Đốc, nên không có luật nào đánh giá liệu chúng ta nên ngồi, đứng, sụp xuống, giữ yên lặng, hay hát ngợi khen kịch liệt trong sự thờ phượng tập thể. Những điều này nên được quyết định dựa trên đặc điểm của hội chúng. Điều quan trọng nhất đó là chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm thần (trong tấm lòng của chúng ta) và bằng lẽ thật (bằng tâm trí của chúng ta).
English
Sự thờ phượng Cơ Đốc có ý nghĩa gì?