Câu hỏi
Sự thờ phượng thật là gì?
Trả lời
Sứ đồ Phao-lô mô tả đầy đủ sự thờ phượng thật trong Rô-ma 12:1-2: "Vậy thưa anh em, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng khuôn rập theo đời này, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời."
Phân đoạn này chứa đựng tất cả những yếu tố của sự thờ phượng thật. Thứ nhất, động cơ thờ phượng chính là: "lòng thương xót của Chúa." Lòng thương xót của Chúa là mọi điều Chúa ban cho chúng ta dù chúng ta không xứng đáng, như là: tình yêu đời đời, ân điển đời đời, Thánh Linh, bình an mãi mãi, vui mừng mãi mãi, cứu rỗi đức tin, thỏa vui, sức mạnh, khôn ngoan, hy vọng, kiên nhẫn, nhân từ, tôn trọng, vinh hiển, công bằng, an toàn, sự sống đời đời, tha thứ, giải hòa, công chính, sự thánh hóa, tự do, cầu thay và nhiều điều nữa. Chính sự thấu hiểu và cảm biết về những món quà vô giá là động lực thúc đẩy chúng ta trút đổ mọi lời ca ngợi và tạ ơn — nói cách khác, đó là thờ phượng!
Trong phân đoạn này cũng có một mô tả về cách xử sự của chúng ta trong sự thờ phượng: "dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh." Dâng thân thể có nghĩa là dâng lên cho Chúa mọi điều thuộc về chính chúng ta. Ở đây, hàm ý chỉ về thân thể chúng ta có ý nghĩa là tất cả mọi khả năng của chúng ta, tất cả mọi bản tính của chúng ta – tấm lòng, tâm trí, đôi tay, suy nghĩ, thái độ — đều được dâng lên cho Chúa. Nói cách khác, chúng ta từ bỏ mọi sự kiểm soát đối với những điều này và dâng hết thảy chúng cho Ngài, như là của lễ đúng nghĩa được dâng tất cả lên cho Chúa trên bàn thờ. Nhưng như thế nào ? Một lần nữa, phân đoạn này đã nói rất rõ ràng: "bởi sự đổi mới của tâm trí." Chúng ta đổi mới tâm trí mình mỗi ngày bằng cách làm sạch "sự khôn ngoan" của thế gian và thay thế nó bằng sự khôn ngoan thật đến từ Chúa. Chúng ta thờ phượng Chúa với một tâm trí được đổi mới và được thanh tẩy, không chỉ bằng cảm xúc của chúng ta. Cảm xúc là những điều gì đó rất tuyệt vời, nhưng cảm xúc không được định hình bởi một tâm trí được ngập chìm trong Lẽ thật, thì chúng có thể bị phá hủy, vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nơi mà tâm trí đi đến, ý tưởng sẽ đuổi theo, và cảm xúc cũng như thế. I Cô-rinh-tô 2:16 nói với chúng ta rằng, chúng ta có "tâm trí của Đấng Christ", chứ không phải cảm xúc của Đấng Christ.
Chỉ có một cách để làm mới tâm trí của chúng ta, và cách đó là bởi Lời Chúa (Giăng 6:63; 17:17; Tít 3:5). Đây là lẽ thật và là hiểu biết về Lời Chúa, có nghĩa là đang nói đến sự thấu hiểu lòng thương xót của Chúa, và chúng ta cần trở lại nơi mà chúng ta đã bắt đầu. Để biết lẽ thật, tin lẽ thật, giữ sự tin chắc vào lẽ thật, và yêu mến lẽ thật sẽ là kết quả tự nhiên khi đến trong tinh thần thờ phượng thật. Đó là điều chắc chắn đi kèm với lòng yêu mến, và lòng yêu mến đó chính là lời đáp cho lẽ thật, không phải là tác động từ bên ngoài, bao gồm tác động từ âm nhạc. Với vai trò đó âm nhạc không liên quan gì đến sự thờ phượng. Âm nhạc không sản sinh ra sự thờ phượng, dù cho nó hẳn có thể sản sinh cảm xúc. Âm nhạc không phải là nguồn gốc của sự thờ phượng, nhưng nó được dùng để bày tỏ sự thờ phượng. Không nên nhìn âm nhạc như nguyên nhân tạo nên sự thờ phượng của bạn; mà hãy nhìn âm nhạc như là cách bày tỏ điều gì đó được gây nên bởi tấm lòng say mê sự thương xót của Chúa, là sự vâng phục những điều răn của Ngài.
Sự thờ phượng thật nghĩa là có Chúa làm trung tâm của sự thờ phượng. Người ta thường có khuynh hướng tập trung vào nơi họ thờ phượng, âm nhạc họ hát trong khi thờ phượng, và họ thờ phượng như thế nào trong cái nhìn của người khác. Tập trung vào những điều này nghĩa là đã bỏ mất đi điểm chính yếu của sự thờ phượng. Chúa Giê-xu nói với chúng ta rằng người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật (Giăng 4:24). Điều này có nghĩa chúng ta thờ phượng bằng chính tấm lòng và phương cách mà Chúa đã lập ra. Thờ phượng có thể thúc đẩy cầu nguyện, đọc lời Chúa bằng tấm lòng cởi mở (Nê-hê-mi 8:5-6), ca hát (Thi-Thiên 95:2-3), tham dự cùng với cộng đồng (1 Cô-rinh-tô 11:27-32), và phục vụ người khác (1 Phi-ê-rơ 4:10). Điều này không giới hạn trong một hành động, nhưng được hoàn tất trọn vẹn khi tấm lòng và thái độ của một cá nhân được đặt trong sự đúng đắn (Giăng 3:30).
Một điều quan trọng nữa cần biết đó là sự thờ phượng chỉ dành cho Chúa (Ma-thi-ơ 4:10b). Chỉ Ngài mới xứng đáng được thờ phượng và sự thờ phượng không dành cho bất kỳ người hầu việc nào của Chúa (Khải huyền 19:10). Chúng ta không thờ phượng các thánh, các tiên tri, các thần tượng, thiên sứ, hay một thần nào sai trật nào khác, hay Mary – mẹ của Chúa Giê-xu (Giăng 2:5; Công vu 1:14). Chúng ta cũng không thờ phượng niềm mong đợi về điều gì đó trong sự trở lại, cũng như một sự chữa lành phi thường nào. Thờ phượng có thể là một cộng đồng ngợi khen Chúa (Thi thiên 22:22; 35:18) trong hệ thống giáo đoàn, nơi mà chúng ta lớn tiếng cầu nguyện và ca tụng lòng quý mến và tạ ơn cho Ngài và những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Sự thờ phượng thật được cảm nhận từ bên trong và sau đó được biểu lộ thông qua hành động của chúng ta. "Sự thờ phượng" bằng một tấm lòng bị ép buộc thì đó sẽ là điều làm Chúa không vui lòng và sẽ hoàn toàn là vô nghĩa. Chúa có thể nhìn thấu mọi điều đạo đức giả, và Ngài ghét điều đó. Ngài chứng tỏ điều này trong A-mốt 5:21-24 khi Ngài nói về hình phạt sắp xảy đến. Một ví dụ khác là câu chuyện của Ca-in và A-bên, là con trai của A-đam và Ê-va. Cả hai người đều mang đến lễ vật dâng cho Chúa, nhưng Chúa chỉ vui lòng với của lễ của A-bên. Ca-in mang theo lễ vật với lòng không tự nguyện, A-bên mang chiên con đầu lòng từ trong bầy mình. Ông dâng cho Chúa hoàn toàn bởi đức tin và lòng yêu kính Chúa.
Sự thờ phượng thật không bị kềm hãm bởi những gì chúng ta làm trong nhà thờ hay là ca ngợi cách công khai (dù cho cả hai điều này đều tốt, và Kinh Thánh cũng dạy chúng ta những điều đó). Sự thờ phượng thật là bày tỏ lòng biết ơn với Chúa cùng với tất cả mọi năng quyền và vinh hiển của Ngài trong mọi điều chúng ta làm. Hình thức cao nhất của ca ngợi và thờ phượng chính là vâng theo Chúa và vâng theo lời Chúa (Giăng 14:15,21,23). Để làm điều này, chúng ta phải biết Chúa; chúng ta không thể không biết Ngài (Công vụ 17:23). Thờ phượng là dâng vinh hiển và tán dương Chúa – để trình dâng lòng trung thành và sự ngưỡng mộ lên cho Cha chúng ta.
English
Sự thờ phượng thật là gì?