Câu hỏi
Thần học tường thuật là gì?
Trả lời
Thần học tường thuật, hay đôi khi được gọi là thần học "hậu tự do", được phát triển trong nửa cuối thế kỷ XX. Nó được truyền cảm hứng bởi một nhóm các nhà thần học tại Trường Thần học Yale. Những người sáng lập của nó, George Lindbeck, Hans Wilhelm Frei, và các học giả khác chịu ảnh hưởng của Karl Barth, Thomas Aquinas và ở một mức độ nào đó, tân thần học (nouvelle théologie), một trường phái tư tưởng đề xuất cải cách trong Giáo hội Công giáo, dẫn đầu bởi những người Công giáo Pháp như Henri de Lubac.
Thần học tường thuật là ý tưởng cho rằng việc sử dụng Kinh Thánh của thần học Cơ Đốc nên tập trung vào một sự miêu tả tường thuật về đức tin hơn là sự phát triển của một loạt các định đề được suy luận từ chính Kinh Thánh hay thường được gọi là một "thần học hệ thống". Về cơ bản, thần học tường thuật là một thuật ngữ khá rộng, nhưng thường thì đó là cách tiếp cận thần học chủ yếu hướng đến ý nghĩa trong câu chuyện. Điều này sau đó thường được kết hợp bằng một sự từ chối ý nghĩa phát sinh từ các sự thật định đề hoặc thần học hệ thống của nó.
Đôi lúc, thần học tường thuật gắn liền với ý tưởng rằng chúng ta chủ yếu không cần học các nguyên tắc, quy tắc hay các luật từ Kinh Thánh, mà là chúng ta phải học cách liên hệ với Chúa và làm thế nào để đóng vai trò của chúng ta trong bức tranh toàn cảnh lớn hơn của sự cứu rỗi. Đã có nhiều cuộc tranh luận và phê bình về các vấn đề tập trung vào thần học hậu tự do hay thần học tường thuật bao gồm các vấn đề về tính không thể tương xứng, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa trọng đức tin (chỉ cần đức tin thôi, không cần đến lý trí), thuyết tương đối và lẽ thật.
Tuy nhiên, khi được sử dụng một cách đúng đắn, thần học tường thuật có thể cung cấp các khối xây dựng cơ bản cho thần học hệ thống và cho thần học Kinh Thánh (tức là, lịch sử tiệm tiến của việc Thiên Chúa bày tỏ chính Ngài cho nhân loại). Thần học tường thuật dạy rằng Kinh Thánh được xem là câu chuyện về sự tương tác của Đức Chúa Trời với dân của Ngài. Những người ủng hộ thần học tường thuật cho rằng điều này không có nghĩa là Kinh Thánh không đưa ra những khẳng định chân lý có tính đề xuất, nhưng mục đích chính của Kinh Thánh là ghi lại mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài và cách chúng ta ngày nay, trong thế giới hậu hiện đại này, có thể tiếp tục trong câu chuyện này. Điều này do đó phải được ưu tiên hơn sự phân tích đòi hỏi nhiều cố gắng hơn của thần học có hệ thống. Những người ủng hộ thần học tường thuật tiếp tục lập luận rằng thần học tường thuật ít có khả năng kéo các câu Kinh Thánh ra khỏi văn cảnh để hỗ trợ các quan điểm giáo lý.
Có những khía cạnh khác của thần học tường thuật có ích lợi. Chẳng hạn, những câu chuyện trong Kinh Thánh có ở đó để dạy chúng ta lẽ thật; chúng ta nên học từ những lẽ thật đó và áp dụng những bài học này vào cuộc sống của chúng ta. Như vậy, chúng ta nên diễn giải và áp dụng những câu chuyện này theo ý định ban đầu của các trước giả của Kinh Thánh — đây là lý do tại sao các câu chuyện Kinh Thánh được gìn giữ cho chúng ta (xem Rô-ma 15: 4). Một ảnh hưởng tích cực khác của thần học tường thuật là nó củng cố giá trị của cộng đồng. Trong thời hiện đại, người ta thường khiến cho Cơ Đốc giáo tập trung xung quanh đức tin cá nhân của một người, nhưng câu chuyện Kinh Thánh về mối liên hệ của Thiên Chúa với dân sự của Ngài nhắc nhở chúng ta rằng cộng đồng là cần thiết.
Đúng là Kinh Thánh chứa đựng những phần tường thuật khổng lồ nhằm truyền đạt lẽ thật cho chúng ta, vì vậy thật quan trọng là chúng ta phải chấp nhận một hình thức nào đó của thần học tường thuật. Tuy nhiên, thần học tường thuật thật sự có những vấn đề của nó, đặc biệt là khi nó được sử dụng một cách vô trách nhiệm. Và, không bàn cãi gì, điều này thậm chí xảy ra trong giới bảo thủ. Điều này đặc biệt đúng khi các giáo viên và các giảng sư của nó không quan tâm đến ý nghĩa ban đầu của Kinh Thánh và được thúc đẩy bởi trực giác của chính họ hoặc bởi phản ứng của chính họ đối với Kinh Thánh. Kết quả là, tường thuật thường được sử dụng theo những cách có hại.
Thần học trần thuật cũng bị sử dụng sai khi người ta xác định rằng tường thuật không có một thần học hệ thống cơ bản, hoặc không thể biết được thần học cơ bản của nó. Trong những trường hợp như vậy, nó được ngụ ý rằng các bài học của các câu chuyện kể có thể được hiểu bên ngoài các thế giới quan của các trước giả hoặc các tác giả gốc của chính bản văn. Về cơ bản, điều này dẫn đến việc giảng dạy sai lạc với một số người ủng hộ thần học tường thuật đi thẳng từ câu chuyện sang ứng dụng và làm mất đi sự phân tích hợp lý hơn về Kinh Thánh. Nhưng trong thực tế, điều này không thể nào thực hiện được. Có lẽ ảnh hưởng rõ ràng nhất của thần học tường thuật được tìm thấy trong giáo hội mới nổi với sự không tin cậy và ít xem trọng thần học hệ thống của nó.
Những người ủng hộ thần học tường thuật, đặc biệt là trong giáo hội mới nổi, cho rằng thần học không phải là thứ mà chúng ta có thể giáo điều/võ đoán về nó. Họ nói rằng những người "tốt" đã và đang đi đến những kết luận khác nhau qua nhiều năm, vậy tại sao lại phải bận tâm đưa ra những tuyên bố kết luận về thần học? Do đó, từ quan điểm của họ, thần học không phải là một cái gì đó cụ thể, tuyệt đối và có thẩm quyền. Họ giữ vững quan điểm rằng trong quá khứ, người ta đã tin theo cách này hay cách khác; ai đó đã đúng và ai đó đã sai.
Kết quả của tất cả những điều này, trong một số giáo hội ngày nay, chúng ta có thuyết tương đối lan tràn. Dường như không ai biết ai đúng và ai sai. Và điều tồi tệ hơn là nó dường như không làm bất cứ ai bận tâm. Hậu quả là, hội thánh trở thành con mồi của chủ nghĩa hậu hiện đại thế tục, nơi những gì đúng với người này, có thể không đúng với người khác. Nó là nơi mà hội thánh dung chịu bất cứ thứ gì và mọi thứ và chẳng đứng trên một thứ gì cả.
Một số người ủng hộ thần học tường thuật, chẳng hạn như trong phong trào giáo hội mới nổi, hoàn toàn gạt bỏ việc rao giảng. Ai đó có thể ngồi giữa một nhóm bạn và chia sẻ những gì họ nghĩ rằng Chúa dành cho họ vào ngày hoặc tuần cụ thể đó. Họ thậm chí có thể tham khảo một chỗ trong Kinh Thánh liên quan đến hành trình của họ. Nhưng kinh nghiệm và cảm xúc của họ là tâm điểm, không phải là Lời của Chúa. Họ thuật lại một câu chuyện hoặc đọc một đoạn Kinh Thánh và dừng lại. Không cần phải hô hào, quở trách hay kêu gọi hành động. Nó không phải là về việc tuân thủ một tuyên bố có thẩm quyền của Kinh Thánh mà đúng hơn là sử dụng Kinh Thánh để củng cố những ham muốn xác thịt.
Hội thánh được coi là trụ cột và người ủng hộ lẽ thật (1 Ti-mô-thê 3:15), và lẽ thật là một tập hợp các giáo lý như được nêu trong Kinh Thánh qua thân vị của Chúa Giê Su Christ. Mặc dù nó có những lợi ích theo những cách khác, như chúng ta đã thấy, thần học tường thuật có xu hướng lôi cuốn những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại, là những người thích định hình tôn giáo của họ và "Thiên Chúa" của họ dựa trên cách họ cảm nhận vào một ngày nhất định hoặc về một đoạn Kinh Thánh nhất định.
English
Thần học tường thuật là gì?