Câu hỏi
Lập luận mạnh nhất trong Kinh thánh về thần tính của Đấng Christ là gì?
Trả lời
Khó để chối bỏ rằng Tân Ước có đầy đủ các tham chiếu về thần tính của Đấng Christ. Từ bốn sách Phúc âm kinh điển qua sách Công-vụ và Sứ đồ Phao-lô, Chúa Jêsus không chỉ được xem là Đấng Mê-si (hay Đấng Christ) mà còn là chính Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô đề cập đến thần tính của Đấng Christ khi ông gọi Chúa Jêsus là "Đức Chúa Trời vĩ đại và Đấng Cứu Thế" của chúng ta (Tít 2:13) và thậm chí nói rằng Chúa Jêsus đã tồn tại trong "hình của Đức Chúa Trời" trước sự hiện thân của Ngài (Phi-líp 2:5-8. ). Đức Chúa Cha nói về Chúa Jêsus, "Hỡi Đức Chúa Trời, Ngôi Ngài tồn tại đời đời" (Hê-bơ-rơ 1:8). Chúa Jêsus được gọi trực tiếp là Đấng Tạo Hóa (Giăng 1:3; Cô-lô-se 1:16-17). Những đoạn Kinh Thánh khác dạy về thần tính của Đấng Christ (Giăng 1:1, 14; Khải-huyền 1:7; 2:8; I Cô-rinh-tô 10:4; I Phi-e-rơ 5:4).
Trong khi những câu trích dẫn trực tiếp này đủ để chứng minh rằng Kinh Thánh tuyên bố Chúa Jêsus có thần tính, thì có một cách tiếp cận gián tiếp hơn có thể chứng minh mạnh mẽ hơn. Chúa Jêsus đã liên tục đặt chính Ngài vào vị trí của Đức Giê-hô-va bằng cách đảm nhận thần tính tối cao của Đức Chúa Cha. Ngài thường nói và làm những điều mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền nói và làm. Chúa Jêsus cũng nhắc đến chính Ngài theo những cách chỉ về thần tính của Ngài. Một trong số những ví dụ này đem đến cho chúng ta bằng chứng mạnh mẽ nhất để hiểu biết về thần tính của Chúa Jêsus.
Trong Mác chương 14, Chúa Jêsus bị cáo buộc trong phiên tòa của Ngài trước thầy tế lễ thượng phẩm. Một lần nữa, thầy tế lễ thượng phẩm hỏi Ngài,"Ngươi có phải là Ðấng Christ, Con Đức Chúa Trời Phúc Lành không?" Và Chúa Jêsus Phán, "Chính Ta! Rồi các ngươi sẽ thấy Con Người ngự bên phải Đấng Quyền Năng, hiện xuống trên mây trời" (Mác 14:61-62). Ở đây Chúa Jêsus đang đề cập đến sách Cựu Ước của Đa-ni-ên nơi tiên tri Đa-ni-ên nói "Ta lại nhìn xem trong những sự hiện thấy ban đêm, nầy, có một người giống như con người đến với những đám mây trên trời; người tới đến Đấng Thượng cổ và bị dẫn đến trước mặt Ngài. Người được ban cho quyền thế, vinh hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu việc người. Quyền thế người là quyền thế đời đời chẳng qua đi, và nước người không bao giờ phải hủy phá"(Đa-ni-ên 7:13-14).
Trong khải tượng của Đa-ni-ên, Chúa Jêsus nhận biết chính Ngài là Con Người, một người được ban cho "quyền thống trị, vinh quang, và một vương quốc mà trong đó tất cả mọi người, mọi nước, mọi dân tộc đều hầu việc Ngài." Con Người có quyền thống trị vĩnh cửu và sẽ không qua đời. Ngay lập tức người ta tự hỏi rằng loại người nào có quyền thống trị vĩnh cửu. Loại người nào được trao vương quốc và sẽ có tất cả mọi người hầu việc Ngài? Thầy tế lễ thượng phẩm lập tức nhận ra sự tuyên xưng của Chúa Jêsus về thần tính của Ngài, bèn xé áo choàng mình và tuyên bố Chúa Jêsus phạm tội lộng ngôn.
Việc Chúa Jêsus dùng danh xưng "Con Người" có giá trị biện giải/biện hộ mạnh mẽ một cách ngạc nhiên. Một người hoài nghi về thần tính của Đấng Christ không thể dễ dàng bỏ qua việc Chúa Jêsus tự dùng danh xưng này. Việc Đấng Christ nhắc đến chính Ngài theo cách này có nhiều lời chứng, vì được tìm thấy trong tất cả các nguồn sách Phúc Âm. Cụm từ "Con Người" được Chúa Jêsus dùng chỉ vài lần trong các sách khác ngoài các sách Phúc Âm (Công-vụ 7:56; Khải-huyền 1:13; 14:14). Vì danh xưng này hiếm khi được hội thánh các sứ đồ đầu tiên dùng, nên không chắc Hội thánh đầu tiên gán danh xưng này cho Đấng Christ nếu Ngài không tự mình nói ra. Nhưng nếu đã xác nhận rằng Chúa Jêsus thực sự đã dùng danh xưng này thì rõ ràng Chúa Jêsus cho biết Ngài có sức mạnh đời đời và là Đấng có quyền phép duy nhất vượt trên giới hạn của một con người đơn thuần.
Đôi khi hành động của Chúa Jêsus tiết lộ nhân thân của Ngài. Việc Chúa Jêsus chữa lành người đau bại (bại liệt) trong sách Mác chương 2 đã chứng minh Ngài có quyền và khả năng tha tội (Mác 2:3-12). Trong tâm trí dân Do thái, những khả năng như thế dành riêng cho Đức Chúa Trời (2:7). Chúa Jêsus cũng được thờ lạy nhiều lần trong các sách Phúc Âm (Ma-thi-ơ 2:11; 28: 9, 17; Lu-ca 24:52; Giăng 9:38; 20:28). Không bao giờ Chúa Jêsus từ chối sự tôn thờ như vậy. Thay vào đó, Ngài coi sự thờ phượng của họ đặt đúng chỗ. Ở những nơi khác, Chúa Jêsus dạy rằng Con Người sẽ phán xét nhân loại (Ma-thi-ơ 25:31-46) và sự sống đời đời của chúng ta phụ thuộc vào sự đáp ứng của chúng ta với Ngài (Mác 8:34-38). Hành động đó biểu lộ thêm cho sự hiểu biết về thần tính của Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus cũng cho biết sự phục sinh của Ngài từ cõi chết sắp tới sẽ chứng minh những tuyên bố đặc biệt mà Ngài đã nói về chính Ngài (Ma-thi-ơ 12:38-40; 16:21; 17:22-23). Sau khi bị đóng đinh và được chôn cất trong lăng mộ của Gia cốp người A-ri-ma-thê, Chúa Jêsus thật sự đã sống lại từ cõi chết, củng cố cho những tuyên bố về thần tính của Ngài (Ma-thi-ơ 28:1-6; Mác 16:6; Lu-ca 24:37-43; Giăng 20:11-18.
Bằng chứng cho sự kiện kỳ diệu này là vô cùng mạnh mẽ. Nhiều nguồn đương thời thuật lại sự hiện ra của Chúa Jêsus cho các cá nhân và các nhóm người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau sau khi Ngài bị đóng đinh (1 Cô-rinh-tô 15: 3-7; Ma-thi-ơ 28:9; Lu-ca 24:36-43; Giăng 20: 26-30, 21: 1-14; Công vụ 1:3-6). Nhiều người trong số những nhân chứng sẵn lòng chết vì niềm tin này, và vài người trong số họ đã làm như vậy! Clement người Rô-ma và sử gia Do thái Josephus cung cấp cho chúng ta báo cáo về một số trường hợp tử đạo ở thế kỷ thứ nhất. Tất cả các lý thuyết dùng để phản bác các bằng chứng của sự phục sinh (như Thuyết ảo giác "Hallucination") đã không giải thích được tất cả các dữ kiện đã biết. Sự phục sinh của Chúa Jêsus là một sự thật trong lịch sử đã được xác nhận, và đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất về thần tính của Chúa Jêsus.
English
Lập luận mạnh nhất trong Kinh thánh về thần tính của Đấng Christ là gì?