Câu hỏi
Tại sao thiên sứ Mi-chen chống với Sa-tan để giành xác Môi-se? (Giu-đe 9)?
Trả lời
Giu-đe câu 9 nhắc đến một sự kiện mà không được nhắc đến ở đâu khác trong Kinh Thánh. Thiên sứ Mi-chen đã vật lộn hay chống lại với Sa-tan để giành xác Môi-se, nhưng kết quả như thế nào thì lại không được mô tả. Một sự tranh chiến khác của thiên sứ được chép trong Đa-ni-ên, ông mô tả có một thiên sứ đến trong sự hiện thấy của ông. Thiên sứ đó tên là Gáp-ri-ên trong Đa-ni-ên 8:16 và 9:21, nói rằng, Đa-ni-ên bị “kháng cự” bởi ma quỉ được gọi là “hoàng tử (vua) của Phe-rơ-sơ (Ba-tu)” cho đến khi thiên sứ Mi-ca-ên đến để giúp sức cho ông (Đa-ni-ên 10:13). Vì thế, chúng ta học trong sách Đa-ni-ên rằng thiên sứ và ma quỷ tranh chiến với nhau trong cuộc chiến thuộc linh trên linh hồn của con người và giữa các nước, và đó là lý do ma quỷ chống cự với thiên sứ và cố gắng ngăn cản thiên sứ làm theo lệnh của Đức Chúa Trời. Giu-đe cho chúng ta biết rằng, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Mi-chen bằng cách nào đó có thể xử lý thi thể của Môi-se là người mà Đức Chúa Trời chôn sau khi ông chết (Phục truyền luật lệ kí 34:5-6).
Có nhiều giả thuyết được đặt ra để giải thích ý nghĩa của việc giành xác Môi-se là gì. Một trong những giả thuyết ấy là, Sa-tan là kẻ kiện cáo người của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 12:10) có thể đã kháng cự Môi-se bước vào sự sống đời đời dựa trên những tội ông đã gây ra tại Mê-ri-ba khi ông còn sống trên đất (Phục Truyền 32:51) và tội giết người khi ông còn ở Ai Cập (Ê-díp-tô 2:12).
Một vài giả thuyết cho rằng, những điều đề cập trong Giu-đe tương tự với những gì được viết trong Xa-cha-ri 3:1-2 “Đoạn, Đức Giê-hô-va cho ta xem thấy thầy tế lễ cả Giê-hô-sua đương đứng trước mặt thiên sứ Đức Giê-hô-va, và Sa-tan đứng bên hữu người đặng đối địch (tố cáo) người. Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-tan rằng: Hỡi Sa-tan, nguyền Đức Giê-hô-va quở trách ngươi”. Nhưng có những ý kiến bác bỏ biến cố này tương tự nhau rất rõ ràng: (1) Sự giống nhau duy nhất giữa hai phân đoạn Kinh Thánh là “Đức Chúa Trời quở trách ngươi”, (2) Tên của thiên sứ Mi-chen không xuất hiện trong toàn bộ sách Xa-cha-ri. (3) Không có chỗ nào đề cập đến “xác của Môi-se” trong Xa-cha-ri, và cũng không có một dấu hiệu nào về việc này.
Người ta cũng cho rằng Giu-đe trích dẫn một sách ngụy kinh có viết về sự kiện này, và điều đó có nghĩa Giu-đe xác nhận rằng sự kiện này có thật. Origen (185-254TCN) một học giả và nhà thần học Cơ Đốc đề cập trong quyển “Việc Đưa Lên Trời của Môi-se” (“Assumption of Moses”) còn sót lại trong thời kì của ông, chứa đựng lời giải thích về sự tranh chiến giữa Mi-chen và ma quỷ trong việc giành xác của Môi-se. Quyển sách ấy, nay đã thất lạc, là quyển sách viết bằng tiếng Do Thái và Hy Lạp, Origen cho rằng sự kiện này được dẫn nguồn từ sách Giu-đe.
Vậy câu hỏi quan trọng được đặt ra ở đây là liệu câu chuyện này “có thật” không. Cho dù được trích dẫn từ bất kì nguồn nào, thì dường như Giu-đe cho rằng sự tranh giành giữa thiên sứ Mi-chen và ma quỉ là có thật. Ông nói về điều này theo cùng một cách mà có thể ông đang nói về sự chết của Môi-se hoặc là về sự việc Môi-se đập vào hòn đá. Và ai có thể chứng minh được điều này không đúng? Và có bằng chứng về điều này hay không? Có nhiều chỗ trong Kinh Thánh nói về thiên sứ. Chúng ta biết rằng thiên sứ Mi-chen là có thật; và cũng có nhiều chỗ đề cập đến ma quỷ, và có nhiều khẳng định rằng cả thiên sứ tốt và xấu đều hành động trong những cuộc chiến quan trọng trên đất. Vì bản chất của vụ tranh giành đặc biệt này trên xác của Môi-se hoàn toàn không được biết đến, phỏng đoán là vô ích. Chúng ta không biết liệu có sự tranh cãi về việc chiếm hữu xác, hay sự chôn cất xác hay điều gì khác.
Tuy nhiên có hai điều mà chúng ta biết, đầu tiên Kinh Thánh là vô ngộ. Sự vô ngộ của Kinh Thánh là một trong những trụ chống đỡ của niềm tin Cơ Đốc. Là Cơ Đốc nhân, mục tiêu của chúng ta là đến với Kinh Thánh một cách cung kính và luôn cầu nguyện, và khi chúng ta nhận thấy có điều gì không hiểu, thì cần cầu nguyện nhiều hơn và nghiên cứu kĩ càng hơn, và nếu chúng ta vẫn không thể tìm ra câu trả lời, phải thừa nhận một cách khiêm nhường về những giới hạn của chúng ta khi đối diện với sự toàn hảo của Lời Đức Chúa Trời.
Thứ hai, ý chính yếu được nhắc đến trong Giu-đe 9 chính là việc làm thể nào để Cơ Đốc nhân đối phó với Sa-tan và ma quỉ. Ví dụ về trường hợp của thiên sứ Mi-chen đã không lấy lời mắng nhiếc Sa-tan là bài học cho Cơ Đốc nhân khi đối phó với ma quỉ. Nếu như một thiên sứ với đầy năng lực như Mi-chen cũng phải để Chúa đối phó với Sa-tan thì chúng ta là ai mà dám mắng nhiếc, xua đuổi hay ra lệnh cho ma quỉ?
English
Tại sao thiên sứ Mi-chen chống với Sa-tan để giành xác Môi-se? (Giu-đe 9)?