Câu hỏi
Theo Kinh Thánh, điều gì thiết lập nên hôn nhân?
Trả lời
Không nơi nào trong Kinh Thánh nêu một cách rõ ràng đâu là điểm chính xác mà Đức Chúa xem hai người như là đã kết hôn. Có ba quan điểm chung: 1) Đức Chúa Trời chỉ xem hai người là kết hôn khi họ đã kết hôn cách hợp pháp. 2) Trong mắt của Đức Chúa Trời hai người được gọi là kết hôn khi họ đã hoàn tất một lễ cưới chính thức nào đó. 3) Đức Chúa Trời xem hai người như là đã kết hôn tại thời điểm họ tham gia quan hệ tình dục. Trong ba quan điểm trên, hãy nhìn và đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của từng cái một.
1) Đức Chúa Trời chỉ xem hai người là kết hôn khi họ đã kết hôn cách hợp pháp. Thường thì sự hỗ trợ từ Kinh Thánh áp dụng cho quan điểm này là lệnh truyền trong Kinh Thánh phải vâng theo luật lệ của nhà cầm quyền (Rô-ma 13:1–7; 1 Phi-e-rơ 2:17). Lý luận cho rằng, nếu nhà cầm quyền đòi hỏi một số thủ tục và giấy tờ phải được hoàn thành trước khi hôn nhân được công nhận, thì hai người phải nên tuân thủ theo tiến trình đó. Việc hai người vâng phục nhà cầm quyền chắc chắn là đúng với Kinh Thánh miễn sao những yêu cầu (được đòi hỏi) không mâu thuẫn với Lời của Đức Chúa Trời và hợp lý. Rô-ma 13:1–2 cho chúng ta biết rằng, “Mỗi người hãy phục tùng nhà cầm quyền, vì chẳng có quyền lực nào không đến từ Ðức Chúa Trời, và những chính quyền hiện có đều do Ðức Chúa Trời chỉ định. Như vậy ai chống lại chính quyền là chống lại những gì Ðức Chúa Trời đã chỉ định. Những người chống đối như thế sẽ chuốc lấy án phạt cho mình.”
Tuy nhiên, có một số điểm yếu và khả năng xảy ra các vấn đề với quan điểm này. Thứ nhất, hôn nhân đã tồn tại trước khi bất kỳ nhà cầm quyền nào đã được lập nên. Vì hàng ngàn năm qua, người ta đã kết hôn nhưng không hề có những thứ như giấy đăng ký kết hôn. Thứ hai, ngay cả ngày nay, có một số quốc gia không có sự công nhận của chính phủ về hôn nhân, và/hoặc không có yêu cầu kết hôn hợp pháp. Thứ ba, có một số chính phủ đặt ra các yêu cầu về hôn nhân không phù hợp với Kinh Thánh trước khi nó được công nhận về mặt pháp lý. Ví dụ như, có một số quốc gia đòi hỏi hôn lễ phải được tổ chức tại một nhà thờ Công giáo, theo giáo lý Công giáo, và được giám sát bởi một linh mục Công giáo. Rõ ràng, đối với những người có sự bất đồng mạnh mẽ với Giáo hội Công giáo và sự hiểu biết về hôn nhân như là một bí tích của Công giáo, thì sự tuân theo việc tổ chức hôn lễ trong nhà thờ Công giáo là điều không phù hợp với Kinh Thánh.
2) Trong mắt Đức Chúa Trời hai người được gọi là kết hôn khi họ đã hoàn tất một lễ cưới chính thức nào đó. Một số người giải thích giải nghĩa rằng việc Đức Chúa Trời đem Ê-va đến cho A-đam (Sáng thế ký 2:22) là việc tổ chức “nghi thức” hôn nhân đầu tiên của Đức Chúa Trời – một tập tục của thời nay khi người cha dẫn trao con gái của mình trong lễ cưới phản ánh hành động của Đức Chúa Trời trong vườn Ê-đen. Trong Giăng chương thứ 2, Chúa Giê-xu tham dự lễ cưới. Chúa Giê-xu chắc sẽ không tham dự một sự kiện như thế nếu như Ngài không chấp nhận việc đang xảy ra lúc bấy giờ. Việc Chúa Giê-xu từng tham dự lễ cưới không có nghĩa cho thấy rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi một lễ cưới, nhưng nó chỉ ra rằng lễ cưới được chấp nhận trong cái nhìn của Đức Chúa Trời. Gần như mỗi nền văn hóa trong lịch sử của nhân loại đều giữ theo một số nghi thức hôn lễ chính thức. Trong mỗi nền văn hóa đều có một sự kiện, hoạt động, giao ước, hoặc sự loan báo được công nhận như là việc tuyên bố một người nam và người nữ đã được kết hôn.
3) Đức Chúa Trời xem hai người như là đã kết hôn tại thời điểm họ tham gia quan hệ tình dục. Một số người cho rằng điều này có nghĩa là một cặp vợ chồng không phải là thực sự "kết hôn" trong mắt của Đức Chúa Trời cho đến khi họ đã hoàn tất cuộc hôn nhân về phương diện thể xác. Một số khác lập luận rằng, nếu bất kỳ người đàn ông và phụ nữ có quan hệ tình dục, Đức Chúa Trời xem như là hai người đã kết hôn. Cơ sở cho quan điểm này ấy là sự quan hệ tình dục giữa người chồng và người vợ là sự trọn vẹn cuối cùng của nguyên tắc “trở nên một thịt” (Sáng thế ký 2:24; Ma-thi-ơ 19: 5; Ê-phê-sô 5:31). Theo nghĩa này, quan hệ tình dục là "dấu ấn" cuối cùng trên giao ước hôn nhân. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng sự quan hệ thiết lập nên hôn nhân không phải là ý tưởng của Kinh Thánh. Nếu hai người kết hôn một cách hợp pháp và theo nghi thức, nhưng vì lý do nào đó không thể tham gia quan hệ tình dục, hai người ấy vẫn được xem như là đã kết hôn.
Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không đánh đồng quan hệ tình dục với hôn nhân dựa trên thực tế là Kinh Thánh Cựu Ước thường phân biệt vợ với hầu thiếp. Ví dụ, 2 Sử ký 11:21 mô tả cuộc sống gia đình của một vị vua: “Rô-bô-am yêu Ma-a-ca hơn các người vợ và hầu thiếp khác. Rô-bô-am có mười tám người vợ và sáu mươi hầu thiếp. Ông sinh hai mươi tám con trai và sáu mươi con gái.” Trong câu này, các hầu thiếp là những người đã có quan hệ tình dục với Vua Rô-bô-am không được coi như là những người vợ và được đề cập đến như là một danh mục riêng biệt.
1 Cô-rin-tô 7:2 cũng chỉ ra rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân là trái với đạo đức. Nếu quan hệ tình dục khiến cho hai người trở thành vợ chồng, nó không thể được coi là trái với đạo đức, vì hai người sẽ được coi như là đã kết hôn vào thời điểm họ tham gia quan hệ tình dục. Hoàn toàn không có cơ sở nào trong Kinh Thánh cho rằng hai người chưa kết hôn quan hệ tình dục và rồi sau đó tuyên bố là mình kết hôn, từ đó tuyên bố tất cả các mối quan hệ tình dục trong tương lai là đạo đức và tôn vinh Đức Chúa Trời.
Vậy thì, điều gì thiết lập nên hôn nhân trong mắt Đức Chúa Trời? Dường như là phải nên theo các nguyên tắc sau đây: 1) Miễn sao các yêu cầu là hợp lý và không trái với Kinh Thánh, hai người nên tìm bất cứ cách nào hiện có sẵn được chính phủ công nhận chính thức. 2) Hai người nên làm theo bất cứ tập tục thuộc về văn hóa và gia đình thường được sử dụng để công nhận hai người như là đã "chính thức kết hôn." 3) Nếu có thể, hai người nên hoàn tất hôn nhân trong mối quan hệ tình dục, làm đúng với nguyên tắc “một thịt” theo khía cạnh thể xác.
Nếu như một hay nhiều nguyên tắc này không được đáp ứng thì sao? Hai người như thế vẫn được coi là đã kết hôn trong mắt Đức Chúa Trời không? Cuối cùng, đó là việc giữa hai người và Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời biết lòng của chúng ta (1 Giăng 3:20). Đức Chúa Trời biết sự khác biệt giữa một giao ước hôn nhân thật sự và việc cố gắng để biện minh cho sự dâm dục.
English
Theo Kinh Thánh, điều gì thiết lập nên hôn nhân?