Câu hỏi
Người theo thuyết ứng nghiệm một phần tin vào điều gì? Thuyết ứng nghiệm một phần có theo Kinh Thánh không?
Trả lời
Thuyết ứng nghiệm là quan điểm về lai thế học cho rằng các lời tiên tri của Kinh Thánh "trong thời kì cuối cùng" đã được ứng nghiệm. Chính vì thế, khi chúng ta đọc những gì Kinh Thánh nói về cơn đại nạn, chúng ta đang đọc lịch sử. Thuyết ứng nghiệm được chia thành hai phe: thuyết ứng nghiệm toàn phần (hoặc chắc chắn) và thuyết ứng nghiệm một phần. Thuyết ứng nghiệm toàn phần theo một quan điểm cực đoan rằng tất cả các lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm trong một cách này hay cách khác. Những người theo thuyết ứng nghiệm một phần thì có các tiếp cận ôn hòa hơn, và nhiều người theo thuyết ứng nghiệm một phần coi những người theo thuyết ứng nghiệm toàn phần là phạm tội dị giáo.
Những người theo thuyết quan điểm một phần tin rằng các lời tiên tri trong Đa-ni-ên, Ma-thi-ơ 24, và Khải Huyền (ngoại trừ hai hoặc ba chương cuối) đã hoàn toàn được ứng nghiệm và đã ứng nghiệm từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Theo thuyết ứng nghiệm một phần, không có sự cất lên, và những phân đoạn mô tả về cơn đại nạn và kẻ chống lại Đấng Christ thực chất đang đề cập tới sự phá hủy Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sau Công Nguyên và Hoàng Đế La Mã Titus. Những người theo thuyết ứng nghiệm một phần tin vào sự trở lại của Đấng Christ và sự sống lại trong tương lai, cùng sự đoán xét, nhưng họ không dạy về một vương quốc thiên hy niên hay I-sơ-ra-ên là một dân tộc nằm trong kế hoạch tương lai của Đức Chúa Trời. Theo các nhà thuyết ứng nghiệm một phần, các phần tham khảo của Kinh Thánh về "những ngày sau cùng" đang nói đến những ngày cuối cùng trong Giao Ước Cũ của người Do Thái, không phải những ngày cuối cùng của trái đất.
Để những người theo thuyết ứng nghiệm một phần duy trì vị trí của họ, họ khăng khăng nhấn mạnh rằng sách Khải Huyền được viết sớm (trước năm 70 sau Công Nguyên). Họ cũng phải sử dụng một cách giải kinh không nhất quán khi diễn giải các đoạn tiên tri. Theo quan điểm ứng nghiệm trong thời kì cuối cùng, chương 6-18 của sách Khải Huyền có ý nghĩa biểu tượng cao, không mô tả bất kì sự kiện nào theo nghĩa đen. Vì sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem không bao gồm sự hủy phá toàn bộ đời sống sinh vật biển (Khải Huyền 16:3) hay bóng tối đau đớn (câu 10), những sự đoán xét này được diễn giải bởi các nhà theo thuyết ứng nghiệm rằng đó đơn thuần là ngụ ngôn (nói bóng). Tuy nhiên, căn cứ theo những người theo thuyết ứng nghiệm, chương 19 được hiểu theo nghĩa đen – rằng Chúa Giê-xu sẽ trở lại trong xác thịt. Nhưng chương 20 lại được các nhà theo thuyết ứng nghiệm diễn giải theo ngụ ngôn, trong khi chương 21-22 lại được hiểu theo nghĩa đen, ít nhất là một phần, trong đó sẽ thực sự có một trời mới và đất mới.
Không ai phủ nhận rằng sách Khải Huyền chứa đựng những khải tượng đáng kinh ngạc và đôi khi khó hiểu. Cũng không ai chối bỏ rằng Khải Huyền mô tả rất nhiều điều theo nghĩa bóng – đó là bản chất trong văn học mặc khải. Tuy nhiên, từ chối một cách tùy tiện bản chất nghĩa đen của những phân đoạn được chọn trong sách Khải Huyền là phá hủy cơ sở diễn giải bất kỳ cuốn sách nào theo nghĩa đen. Nếu những bệnh dịch, nhân chứng, quái thú, tiên tri giả, vương quốc nghìn năm… tất cả là ngụ ngôn, thì đâu là cơ sở để chúng ta tuyên bố sự trở lại lần thứ hai của Đấng Christ và trời mới là theo nghĩa đen? Đó là sự thất bại của thuyết ứng nghiệm – giải thích Khải Huyền theo quan điểm của người diễn giải.
Những ai theo thuyết ứng nghiệm một phần cũng không đọc Ma-thi-ơ 24 theo nghĩa đen. Đấng Christ nói về sự phá hủy đền thờ (Ma-thi-ơ 24:2). Tuy nhiên, rất nhiều điều Chúa Giê-xu mô tả không xảy ra trong năm 70 sau Công Nguyên. Đấng Christ nói về thời điểm trong tương lai "vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa. Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt" (Ma-thi-ơ 24:21-22). Chắc chắn rằng, điều này không thể áp dụng vào những sự kiện trong năm 70 sau Công Nguyên. Đã có những thời kì tồi tệ hơn trong lịch sử thế giới kể từ đó.
Đức Chúa Trời cũng nói rằng "Sự hoạn nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động. Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống" (Ma-thi-ơ 24:29-30). Để những sự kiện theo hai câu Kinh Thánh này đã xảy ra, Chúa Giê-xu Christ chắc rằng đã phải trở lại trong thể xác vào năm 70 sau Công Nguyên – nhưng Ngài đã không trở lại. Những người theo thuyết ứng nghiệm một phần tin rằng những câu Kinh Thánh này không đề cập tới sự trở lại trong thể xác của Chúa Giê-xu nhưng là sự hiện ra trong sự phán xét của Ngài. Tuy nhiên, đây cũng không phải cách đọc văn bản theo nghĩa đen thông thường để khiến bất cứ một ai tin. Đó là "Con Người" mà mọi người nhìn thấy, chứ không phải sự phán xét của Ngài.
Những người theo thuyết ứng nghiệm một phần cũng giải thích về Ma-thi-ơ 24:34 khi Chúa Giê-xu nói về "thế hệ này". Họ nói Đấng Christ đang đề cập tới những người sống trong thời kì Ngài phán những lời được ghi chép trong chương sách đó; hẳn là, cơn đại nạn này đã xảy ra trong vòng 40 năm Chúa nói. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu không đề cập đến những người trong thời đại của Ngài nhưng với thế hệ những người sẽ chứng kiến những sự kiện được ghi lại trong Ma-thi-ơ 24:15-31 ("khi các ngươi thấy…24:33). Thế hệ tương lai đó sẽ chứng kiến tất cả những sự kiện chuyển động nhanh chóng trong những ngày cuối cùng bao gồm cả sự trở lại trong thân xác của Đấng Christ (câu 29-30).
Quan điểm của một người theo thuyết ứng nghiệm một phần dẫn đến niềm tin về thuyết vô thiên hi niên hoặc thuyết hậu thiên hi niên và được liên kết với thần học giao ước. Tất nhiên, niềm tin đó bác bỏ thuyết Bảy giai đoạn Thiên Định phân kỳ (Thời kỳ Giai đoạn Thần Thị Thuyết). Tuy nhiên vấn đề chính của niềm tin đó là sự không nhất quan trong việc giải kinh và giải thích hình bóng của nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh mà tốt hơn nên được hiểu theo nghĩa đen. Mặc dù thuyết ứng nghiệm một phần nằm trong phạm vi của chính thống nhưng không phải là quan điểm của đa số các Cơ Đốc Nhân ngày nay.
English
Người theo thuyết ứng nghiệm một phần tin vào điều gì? Thuyết ứng nghiệm một phần có theo Kinh Thánh không?