Câu hỏi
Tôn giáo cổ xưa nhất là gì?
Trả lời
Tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới chính là sự thờ phượng Chân Thần Duy Nhất, như có chép trong Sáng Thế Ký 4:26, “… Từ đó, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.” Danh mà con người thời đó cầu khẩn là danh Gia-vê (phiên âm La-tinh là “Giê-hô-va”). Việc họ “bắt đầu” cầu khẩn danh này cho thấy một sự thay đổi trong xã hội – lần đầu tiên, con người bắt đầu tổ chức và xưng nhận bản thân mình là những người thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều này xảy ra trong đời của Ê-nót, con trai của Sết, cháu của A-đam khoảng 250 năm sau khi đôi vợ chồng đầu tiên bị đuổi khỏi vườn Ê-đen.
Chúng ta không có thông tin cụ thể về những hướng dẫn chính thức đến từ Đức Chúa Trời, hoặc những truyền thống mà con người ta đã thực hành để thờ phượng trong dạng thức tôn giáo sơ khởi này. Chúng ta có thể ngầm hiểu rằng sự thờ phượng này có bao gồm việc dâng con sinh tế, bởi vì trước đó một thế hệ, Ca-in và A-bên đã ý thức được sự cần thiết của việc dâng sinh tế cách cá nhân (Sáng Thế Ký 4:3-4). Tất cả những gì mà Môi-se cho chúng ta biết về “tôn giáo” đầu tiên này đó là con người đã biết đến danh của Đức Chúa Trời và cầu khẩn danh ấy.
Sa-tan đã gây sự hư hoại và chia rẽ. Chỉ mất một ít lâu trước khi tôn giáo thuần khiết của sự kêu cầu danh Chúa này bị hư hoại bởi sự thờ hình tượng và phân rẽ thành hàng trăm tôn giáo khác đúng theo nghĩa đen. Đến đời của Nô-ê, danh Đức Chúa Trời gần như đã bị lãng quên, và “… sự gian ác của loài người lan tràn trên mặt đất và chúng chỉ luôn toan tính những mưu đồ xấu xa, (Sáng Thế Ký 6:5). Lần kế tiếp chúng ta đọc thấy hành động kêu cầu danh Đức Chúa Trời là ở Sáng Thế Ký 12:8; đó là khi Áp-ra-ham “lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn danh Ngài.”
Ngoại giáo cổ xưa nhất có bằng chứng về tính tổ chức mà chúng ta tìm thấy được chính là của người Ai Cập. Văn hóa đa thần của người Ai Cập đã được định hình vững chắc trong thời kỳ được nói đến ở nửa sau của Sáng Thế Ký và trong toàn sách Xuất Ê-díp-tô Ký. Áp-ra-ham đã có sự kết giao với một Ai Cập thịnh vượng và đang phát triển cùng với Pha-ra-ôn của họ (Sáng Thế Ký 12:10).
Vào thời kỳ của Môi-se, tức thế kỷ 15 trước Chúa, Đức Chúa Trời một lần nữa bày tỏ danh Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14) và ban luật lệ thờ phượng cho dân Y-sơ-ra-ên. Sự đòi hỏi họ phải kêu cầu danh Gia-vê cũng đồng nghĩa phải từ bỏ hết tất cả các thần tượng khác (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-4). Trong một thế giới đầy ngoại giáo và tư tưởng đa thần, thì tôn giáo độc thần của người Hê-bơ-rơ nổi bật lên như một tia sáng giữa chốn tối tăm.
Tôn giáo mà chúng ta biết đến là Cơ đốc giáo thực sự là sự tiếp nối kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Phúc Âm chính là “quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp [dân ngoại]” (Rô-ma 1:16). Vì vậy, lịch sử thế giới liên quan đến một chu kỳ Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho nhân loại, con người không còn hiểu biết đó và sự phục hồi của Đức Chúa Trời về lẽ thật. Lần theo mối liên kết của lẽ thật ấy đến tận Sáng Thế Ký 4:26, cùng với lời hứa của Sáng Thế Ký 3:15, chúng ta thậm chí có thể kết luận rằng sự thờ phượng Đức Chúa Trời thông qua Đấng Christ chính là tôn giáo cổ xưa nhất của thế giới.
English
Tôn giáo cổ xưa nhất là gì?