Câu hỏi
Trách nhiệm của các chấp sự trong hội thánh là gì?
Trả lời
Trong Tân Ước, từ ngữ thường được dịch là “phục vụ” trong nguyên bản tiếng Hy Lạp là diakoneo, nghĩa đen là “sẵn sàng phục vụ ai đó” hoặc “thực hiện nghĩa vụ”. Từ này ngụ ý là một người phục vụ, người hầu bàn, hoặc là một người chăm sóc người khác. Từ đó chúng ta có được từ ngữ “chấp sự”. Đầu tiên chúng ta nhìn vào từ ngữ chấp sự được dùng để chỉ về những người giúp đỡ trong hội thánh theo sách Công Vụ. “Mười hai sứ đồ triệu tập tất cả môn đồ lại và nói: “Bỏ việc giảng dạy lời Đức Chúa Trời để phục vụ bàn ăn là điều không phải” (Công vụ 6:2). Người đang chăn bầy qua những bài giảng và giáo huấn nhận thấy đây là điều không phải cho họ nếu như bỏ những điều đó mà qua phục vụ bàn ăn, vì thế họ tìm những người mà sẵn sàng để phục vụ và chăm sóc nhu cầu thuộc thể cho hội thánh trong khi đó thì họ sẽ chăm lo về nhu cầu thuộc linh. Đây là một cách dùng nhân lực hữu hiệu và cũng như sử dụng ân tứ của mọi người một cách hiệu quả hơn. Đây cũng là cách để có nhiều người hơn tham gia vào để phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau.
Ngày nay, đối với hội thánh dựa trên nền tảng Kinh Thánh, những vai trò đó cũng được lặp lại. Các trưởng lão và các mục sư “hãy truyền giảng lời Chúa…hãy thuyết phục, khiển trách, khích lệ với tất cả lòng nhẫn nhục và tinh thần dạy dỗ” (II Ti-mô-thê 4:2), và các chấp sự sẽ chăm lo các công việc khác. Những trách nhiệm của một chấp sự có thể bao gồm việc quản lý hoặc sắp xếp các công việc, tiếp khách, bảo trì cơ sở vật chất, hoặc tình nguyện làm thủ quỷ hội thánh. Các công việc sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của hội thánh và ân tứ của mỗi người.
Những trách nhiệm của một chấp sự không được liệt kê và phác thảo rõ ràng trong Kinh Thánh; họ có thể được định là làm mọi thứ miễn là không bao gồm các công việc của trưởng lão và mục sư. Tuy nhiên phẩm chất của một chấp sự được liệt kê rõ ràng trong Kinh Thánh. Họ phải không chỗ trách được, chồng của một vợ, khéo cai trị nhà riêng mình, nghiêm trang, không nói hai lời, không nghiện rượu và không tham lợi phi nghĩa (I Ti-mô-thê 3: 8-12). Dựa vào lời Chúa, chức vụ của chấp sự là cao trọng và có phước. “Vì những người thi hành tốt chức chấp sự sẽ đạt được vị trí cao trọng và mạnh dạn trong đức tin nơi Đấng Christ Jêsus” (I Ti-mô-thê 3:13)
English
Trách nhiệm của các chấp sự trong hội thánh là gì?