settings icon
share icon
Câu hỏi

Những Trạm Dừng của Thập Tự là gì, và chúng ta có thể học được gì từ chúng?

Trả lời


Những Trạm Dừng của Thập Tự Giá, cũng được biết đến như đường Via Dolorosa, là một sự thuật lại về những giờ khắc cuối cùng trong cuộc đời trên đất của Chúa Giê-xu Cơ Đốc, tiếp tục cung ứng sự tin quyết thuộc linh cho mọi Cơ Đốc Nhân và áp dụng cho đời sống chúng ta. Những Trạm Dừng của Thập Tự Giá phụng sự như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về cung cách khiêm nhu mà Chúa Giê-xu sẵn sàng gạt sang một bên bất cứ đặc quyền thần tánh nào để cung ứng một con đường dẫn đến sự cứu rỗi qua sự hy sinh của Ngài.

Có một vài phiên bản được chấp nhận rộng rãi mô tả những giờ khắc cuối cùng này, một là theo Kinh Thánh và những phiên bản khác là những ký thuật có tính truyền thống hơn về những sự kiện trong những giờ khắc cuối cùng của Chúa Giê-xu. Hình thức truyền thống về Những Trạm Dừng của Thập Tự Giá là như sau:

1. Chúa Giê-xu bị kết án tử hình.
2. Chúa Giê-xu bị giao vác thập tự.
3. Chúa Giê-xu ngã xuống lần thứ nhất.
4. Chúa Giê-xu gặp mẹ Ngài là Ma-ri.
5. Si-môn xứ Si-ren bị cưỡng bách phải vác thập tự giá (của Chúa Giê-xu).
6. Veronica lau sạch máu khỏi mặt Chúa Giê-xu.
7. Chúa Giê-xu ngã xuống lần thứ hai.
8. Chúa Giê-xu gặp các người nữ của thành Giê-ru-sa-lem.
9. Chúa Giê-xu ngã xuống lần thứ ba.
10. Chúa Giê-xu bị tước lột quần áo.
11. Chúa Giê-xu bị đóng đinh vào thập tự -
12. Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá.
13. Thi thể của Chúa Giê-xu được dỡ xuống khỏi thập tự giá – Sự Hạ Thân Thể Ngài Xuống hay Sự Than Khóc / Ca Thương
14. Thi thể Chúa Giê-xu được đặt trong mộ.

Tuy vậy, trong hình thức truyền thống về Những Trạm Dừng của Thập Tự Giá, các trạm 3, 4, 6, 7, và 9 là không đúng theo Kinh Thánh một cách tỏ tường. Kết quả là, một “Con Đường Thập Tự theo Kinh Thánh” đã được phát triển. Dưới đây là những mô tả của Kinh Thánh về 14 Trạm Dừng của Thập Tự Giá và áp dụng cho đời sống của mỗi trạm.

Trạm Thứ Nhất của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu trên Núi Ô-li-ve (Lu-ca 22:39-46).
Chúa Giê-xu đã cầu nguyện trên Núi Ô-li-ve xin Cha Ngài cất chén khỏi tay khỏi, nghĩa là sự chết của Ngài trên thập tự giá; nó đã chứng tỏ nhân tánh của Chúa Giê-xu (Lu-ca 22:39-46). Thật không khó để tưởng tượng sự tiên liệu của Ngài vĩ đại như thế nào liên quan đến những sự kiện mà Ngài sắp phải đối diện. Đến một lúc trong cuộc đời của tất cả các Cơ Đốc Nhân họ cũng phải chọn giữa ý muốn của Đức Chúa Trời và ý muốn riêng của họ, và sự chọn lựa đó, như sự chọn lựa của Chúa Giê-xu, thể hiện mức độ cam kết và vâng phục với Đức Chúa Trời, cũng như tình trạng thật của tấm lòng. Mặc dầu Chúa Giê-xu đã ý thức về số phận mà Ngài sắp đối diện khi Ngài cầu nguyện trên Núi Ô-li-ve xin Đức Chúa Trời thay đổi các sự kiện đó, lời cầu nguyện của Ngài đã là ý của Cha sẽ được nên bất kể tương lai chờ sẵn cho Ngài là gì. Ngay cả lúc bị đóng đinh vào thập tự giá với hơi thở của mình đang tắt dần đi, Chúa Giê-xu vẫn dạy chúng ta tầm quan trọng của về vâng phục với Lời Chúa và tầm quan trọng của việc tin cậy Ngài trong mọi tình huống.

Trạm Thứ Hai của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu bị Giu-đa phản bội và bị bắt giam (Lu-ca 22:47-48).
Giu-đa không chỉ đã trở thành một trong những nhân vật bị khinh miệt nhất trong lịch sử khi ông đã phản bội Chúa Giê-xu, ông cũng trở nên một lời nhắc nhở ám ảnh cho mọi Cơ Đốc Nhân rằng có những lúc họ rơi vào cám dỗ phạm tội. Đối với Cơ Đốc Nhân, vấp ngã trong tội lỗi là giống như phản bội Đấng đã phó sự sống Ngài vì chúng ta. Sự phản bội đó còn lớn lao hơn đến mức nào nữa khi tội lỗi là một hành vi được lựa chọn, cố ý quay khỏi sự tin quyết thuộc linh (Lu-ca 22:47-48)? Giu-đa đã sống với Chúa Giê-xu và ngồi bên chân Ngài học hỏi từ Ngài trong nhiều năm. Nhưng vì tấm lòng của ông đã không thật sự được biến đổi bởi năng quyền của Đức Thánh Linh, ông đã sa ngã khi bị Sa-tan cám dỗ. Là những người tin, chúng ta được bảo phải “dò xét chính bản thân chúng ta” để xem liệu chúng ta có thật sự ở trong đức tin hay không (2 Cô-rinh-tô 13:5).

Trạm Thứ Ba của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu bị kết án bởi hội đồng Sanhedrin (Lu-ca 22:66-71).
Hội đồng Sanhedrin, bao gồm 70 thầy tế lễ và các thầy thông giáo và một thầy tế lễ thượng phẩm, đã yêu cầu Phi-lát xử tử Chúa Giê-xu. Sự kiện này phục vụ như một lời cảnh báo cho tất cả các Cơ Đốc Nhân phải cẩn thận không được tôn cao chính bản thân chúng ta bằng việc tự cho mình là đúng đắn mà phán xét những người khác. Sự hiểu biết Kinh Thánh và những vị trí được tôn cao trong thế giới này vẫn còn thiếu hụt sự trọn vẹn thánh khiết một cách đáng thương, và suy nghĩ kiêu ngạo có thể dễ dàng là sự sa sút cho ngay cả những người ngoan đạo nhất giữa vòng con người. Kinh Thánh dạy chúng ta phải tôn trọng các vị trí của những bậc cầm quyền, nhưng rốt lại chính ý muốn của Đức Chúa Trời và Lời Chúa nên ngự trị tối cao trong đời sống của chúng ta. Các Cơ Đốc Nhân được ban tặng sự báp-têm bằng Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời để an ủi, dạy dỗ, và hướng dẫn họ trong mọi tình huống, cho phép họ lập mọi quyết định theo ý muốn trọn vẹn của Đức Chúa Trời, về cơ bản phủ nhận nhu cầu của một cá nhân cần đến những bậc cầm quyền tôn giáo như hội đồng Sanhedrin. Việc giao phó thẩm quyền tôn giáo tối thượng của dân tộc Do Thái cho hội đồng Sanhedrin đã dẫn đến sự thối nát giữa vòng nhiều thầy tế lễ và thầy thông giáo của hội đồng Sanhedrin, và khi Chúa Giê-xu bắt đầu dạy một giáo lý làm xói mòn thẩm quyền của họ, họ đã âm mưu chống lại Ngài, cuối cùng là việc yêu cầu chính quyền La Mã đóng đinh Ngài trên thập tự giá (Lu-ca 22:66-71).

Trạm Thứ Tư của Thập Tự Giá: Phi-e-rơ chối Chúa Giê-xu (Lu-ca 22:54-62).
Khi Chúa Giê-xu bị bắt, một số người hiện diện tại thời điểm đó đã cáo buộc Phi-e-rơ là một trong những môn đồ của Chúa Giê-xu (Lu-ca 22:54-62). Như Chúa Giê-xu đã tiên đoán trước đó, Phi-e-rơ đã chối việc biết Chúa Giê-xu ba lần. Phi-e-rơ là môn đồ được yêu và được tin cậy của Chúa Giê-xu, người đã chứng kiến nhiều phép lạ trực tiếp, thậm chí đi trên mặt nước với Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 14:29-31). Dẫu vậy, Phi-e-rơ đã chứng tỏ sự yếu đuối của con người bởi việc chối Chúa Giê-xu vì sợ cũng bị bắt. Các Cơ Đốc Nhân trên khắp thế giới vẫn đối diện với sự bách hại và sự sỉ nhục bởi những kẻ vô tín trong xã hội, từ sự lăng mạ bằng ngôn từ đến những sự đánh đập và cái chết. Con người có thể tự cho mình đúng đắn phán xét Phi-e-rơ về sự chối Chúa của ông và nỗi sợ của ông về những gì người La Mã sẽ làm đối với ông nếu họ khám phá ra mối liên hệ của ông với Chúa Giê-xu, nhưng bao nhiêu Cơ Đốc Nhân tin vào Kinh Thánh có thể nói rằng họ chưa bao giờ im lặng về đức tin của họ khi đối diện với sự phân biệt đối xử, ở chỗ công cộng hoặc chốn riêng tư? Một sự im lặng như thế chứng tỏ sự mỏng manh của con người. Đức tin của Phi-e-rơ là một đức tin không trọn vẹn, chủ yếu bởi vì ông không được Đức Thánh Linh ngự bên trong ở thời điểm đó. Sau sự đến của Thánh Linh tại Lễ Ngũ Tuần để sống trong lòng những người tin (Công Vụ 2), Phi-e-rơ là một con sư tử can đảm của đức tin, không bao giờ sợ công xưng Chúa của mình nữa.

Trạm Thứ Năm của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu bị Pontius Phi-lát xét xử (Lu-ca 23:13-25).
Theo những tiêu chuẩn luật pháp ngày nay, không chắc rằng Chúa Giê-xu sẽ bị kết án trong bất cứ tòa án nào, đặc biệt bởi vì không có bằng chứng thực nào chống lại Ngài có thể được đưa ra. Pontius Pilate có thể không tìm thấy lỗi nào trong bất cứ việc nào Chúa Giê-xu đã làm và ông đã muốn thả Ngài ra (Lu-ca 23:13-24), nhưng hội đồng Sanhedrin đã đòi Phi-lát phải ra lệnh xử tử Ngài. Hội đồng Sanhedrin, những người cai trị theo Luật Môi-se và truyền thống nghiêm ngặt, đã xem Chúa Giê-xu là mối đe dọa chính yếu cho thẩm quyền cai trị của họ trên người Do Thái. Chúa Giê-xu đã dạy dân chúng rằng sự cứu rỗi là bởi ân điển của Đức Chúa Trời và không bởi sự trung thành với nhiều mệnh lệnh được hội đồng Sanhedrin đặt ra, và sự dạy dỗ như thế không chỉ làm xói mòn thẩm quyền của các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhưng cũng bày ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh kế của họ. Thậm chí ngày nay, sứ điệp về sự cứu rỗi bởi quyền năng và sự chọn lựa của Đức Chúa Trời, không phải bởi những nỗ lực riêng của chúng ta, là không phổ biến. Con người trong bản chất sa ngã của mình luôn muốn đạt được sự cứu rỗi của riêng mình, hay ít nhất có một phần trong sự cứu rỗi đó, vì thế chúng ta có thể tuyên nhận lấy ít nhất một phần của sự vinh hiển đó. Nhưng sự cứu rỗi là của Chúa, đấng không chia sẻ sự vinh hiển Ngài với bất cứ một ai (Ê-sai 42:8).

Trạm Thứ Sáu của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu bị đánh bằng roi và bị đội mão gai lên đầu (Lu-ca 23:63-65).
Sự chữa lành được nhắc đến trong phân đoạn Kinh Thánh này là sự chữa lành thuộc linh, hay sự chữa lành khỏi tội lỗi. Sự tha thứ tội lỗi, và phục hồi trở lại với sự quý mến của Đức Chúa Trời, thường được hình dung như một hành động chữa lành. Trên năm trăm năm trước khi Mari sinh Chúa Giê-xu, Ê-sai đã tiên tri rằng Chúa Giê-xu sẽ bị thương vì những gian ác của chúng ta (Ê-sai 53:3-6) và bị vết vì tội lỗi chúng ta và bởi những lằn roi Ngài chúng ta sẽ được lành bịnh.

Trạm Thứ Bảy của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu vác thập tự của mình (Mác 15:20).
Khi Chúa Giê-xu vác cây thập tự của mình, Ngài đang vác nhiều hơn là cây gỗ. Nhiều người xem ngày hôm đó không biết rằng, Chúa Giê-xu đang vác tội lỗi của nhân loại, đối diện sự hình phạt mà những tội lỗi này đáng chịu, là thứ mà Ngài sắp phải chịu khổ thay cho con người. Chúa Giê-xu cổ vũ chúng ta trong Ma-thi-ơ 16:24, “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” Vác thập tự giá của chúng ta, một công cụ của cái chết, nghĩa là chết với bản ngã để sống như những tạo vật hoàn toàn mới (2 Cô-rinh-tô 5:17) trong sự phục sự và vâng phục Đấng Cơ Đốc. Điều này nghĩa là đầu phục cho Đức Chúa Trời ý muốn của chúng ta, những tình cảm của chúng ta, những tham vọng của chúng ta, và những mong ước của chúng ta. Chúng ta không kiếm tìm hạnh phúc riêng của mình như đối tượng cao nhất, nhưng chúng ta sẵn sàng từ bỏ tất cả và cũng đặt mạng sống của chúng ta xuống, nếu cần.

Trạm Thứ Tám của Thập Tự Giá: Si-môn xứ Si-ren giúp Chúa Giê-xu vác thập tự của Ngài (Lu-ca 23:26).
Si-môn xứ Si-ren có thể được coi là một nạn nhân của hoàn cảnh. Ông hoàn toàn có lẽ đã đến Giê-ru-sa-lem vì những hoạt động lễ hội của Lễ Vượt Qua và có thể đã biết rất ít về những nghi thức sắp tới. Chúng ta biết rất ít về Si-môn xứ Si-ren bởi vì ông không được đề cập trong Kinh Thánh sau khi ông giúp vác cây thập tự mà Chúa Giê-xu sẽ bị đóng đinh lên đó (Lu-ca 23:26). Bị những người lính La Mã ra lệnh phải giúp, Si-môn đã không kháng cự, chắc chắn là lo sợ cho mạng sống của ông khi nghĩ về tình huống sắp tới. Không giống Chúa Giê-xu, đấng vác thập tự của Ngài cách vui lòng, Si-môn xứ Si-ren đã “bị bắt buộc” hay bị cưỡng ép phải vác nó. Là những Cơ Đốc Nhân, chúng ta phải dự phần với Chúa Giê-xu trong sự chịu khổ của Ngài cách vui lòng, như Phao-lô cổ vũ chúng ta, “Vậy con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đứng lấy sự ta vì Ngài ở tù làm xấu hổ; nhưng hãy cậy quyền phép Đức Chúa Trời mà chịu khổ với Tin Lành.” (2 Ti-mô-thê 1:8).

Trạm Thứ Chín của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu gặp những người nữ thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 23:27-31).
Khi Chúa Giê-xu bắt gặp những người nữ đang than khóc và một vài người trong các môn đồ Ngài trên đường Ngài đi đến chỗ đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã báo trước họ rằng họ không nên khóc cho Ngài, nhưng sự quan tâm của họ nên dành cho chính bản thân họ và mạng sống của con cái họ, khi xem xét sự ác đang trỗi dậy khắp thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 23:27-31). Thậm chí trong khi chịu đựng cơn đau đớn và sự nhục mạ cá nhân khủng khiếp, mối quan tâm của Chúa Giê-xu đã không phải cho chính Ngài, nhưng cho sự sống và linh hồn của những người đối diện với nguy hiểm của sự trầm luân đời đời bởi tội lỗi trong đời sống họ. Lời cảnh báo tương tự là thích hợp cho các Cơ Đốc Nhân ngày nay rằng chúng ta nên cẩn thận không cho phép những mối quan tâm về thế giới này đến trước sự tận hiến và sự vâng phục của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã phán, “Nước của ta không thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36) và là những công dân của nước trời, tiêu điểm và sự chú ý của chúng ta nên ở đó.

Trạm Thứ Mười của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu bị đóng đinh vào thập tự (Lu-ca 23:33-47).
Thật khó, qua hai ngàn năm sau sự kiện đó, để tưởng tượng sự khủng khiếp của giây phút ấy khi những người thân cận nhất với Chúa Giê-xu bị bắt buộc phải đứng xem bên đường một cách vô vọng khi những chiếc đinh dài và nhọn đóng đâm qua tay và chân Ngài thấu vào tấm gỗ mà trên đó Ngài trút hơi thở cuối cùng trong hình hài con người (Lu-ca 23:44-46). Những người thân yêu và các môn đồ của Ngài đã chưa hoàn toàn hiểu ý nghĩa của điều đang xảy ra ở thời điểm đó. Họ chưa có khả năng hiểu rằng hành động tàn ác của con người là kết quả của mục đích và kế hoạch thánh cho sự cứu rỗi tất cả những ai tin nơi Đấng Cơ Đốc. Đối với chúng ta ngày nay, “nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? (Hê-bơ-rơ 2:3). “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công vụ 4:12)

Trạm Thứ Mười Một của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu hứa ban nước Ngài cho tên trộm tin nơi Ngài (Lu-ca 23:43).
Có thể là tên trộm bị đóng đinh vào thập tự kế bên Chúa Giê-xu đã có thể nắm bắt được khái niệm sự sống không đang chấm dứt đối với Chúa Giê-xu, nhưng Ngài đang vượt qua thế giới vật lý để vào lời hứa đời đời mà từ đó Ngài đến để cung ứng cho nhân loại. Tên trộm này sẽ trở thành một trong những người đầu tiên bước vào thiên đàng bởi ân điển qua đức tin nơi Chúa Giê-xu Cơ Đốc (Ê-phê-sô 2:8-9). Chúa Giê-xu đã bảo với tên trộm này rằng ông sẽ ở trong (vườn) lạc viên/thiên đàng ngày hôm đó với Ngài bởi vì ông đã tiếp nhận và tin nơi Con Đức Chúa Trời. Rõ ràng, đây là một ví dụ một người được cứu bởi ân điển qua đức tin hơn là bởi việc làm/công đức, như những người bắt bớ và kết án Chúa Giê-xu muốn người dân tin.

Trạm Thứ Mười Hai của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu trên thập tự giá nói chuyện với mẹ và các môn đồ Ngài (Lu-ca 23:48-49).
Chúa Giê-xu, trong khoảnh khắc hấp hối của mình, vẫn đang đặt các nhu cầu của những người khác trước các nhu cầu của chính mình khi Ngài phó thác cách không vị kỷ sự chăm sóc mẹ Ngài cho môn đồ yêu dấu của Ngài là Giăng (Giăng 19:27). Toàn bộ cuộc đời Ngài, kể cả cái chết của Ngài, đã dạy dỗ bởi việc làm gương rằng chúng ta phải đặt nhu cầu của những người khác trước nhu cầu của chính chúng ta, bắt mọi sự phải lệ thuộc ý muốn toàn hảo của Đức Chúa Trời. Sự sẵn lòng trung thành với Lời Ngài và chứng tỏ bởi hành động bằng việc hy sinh cách trung tín cho những người khác khi đối mặt với nghịch cảnh, sẽ định nghĩa những đặc tính của đời sống Cơ Đốc thật.

Trạm Thứ Mười Ba của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu chết trên thập tự (Lu-ca 23:44-46).
Ở khoảnh khắc Chúa Giê-xu chết, bức màn trong Đền Thờ, vốn phân cách con người khỏi Nơi Chí Thánh, bị xé từ trên xuống dưới. Điều này làm kinh sợ tất cả những người Do Thái chứng kiến sự kiện, những người đã không nhận ra rằng nó báo hiệu sự chấm dứt với Cựu Ước và sự khởi đầu của Tân Ước. Con người sẽ không còn phải chịu sự phân cách với Đức Chúa Trời bởi cớ tội lỗi nữa, nhưng chúng ta bây giờ sẽ có thể tiếp cận ngai ơn phước trong sự cầu xin tha thứ tội lỗi. Cuộc sống và cái chết hy sinh của Chúa Giê-xu đã gỡ bỏ chướng ngại vật là tội lỗi, khiến con người có thể đạt được sự cứu rỗi bởi ân điển.

Trạm Thứ Mười Bốn của Thập Tự Giá: Chúa Giê-xu được đặt trong mộ (Lu-ca 23:50-54).
Sau khi Chúa Giê-xu chết và được đem xuống khỏi thập tự giá, Ngài đã được đặt yên nghỉ trong một ngôi mộ được cung ứng bởi một người nam tên là Giô-sép, từ thành A-ri-ma-thê của Do Thái (Lu-ca 23:50-54). Tình cờ Giô-sép cũng là thành viên của hội đồng Sanhedrin, nhưng ông chống lại việc xét xử và xử tử Ngài bằng cách đóng đinh vào thập tự giá. Giô-sép đã tin cách kín nhiệm rằng Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si theo Kinh Thánh, nhưng lo sợ về hậu quả của việc công nhận niềm tin của mình cách công khai (Giăng 19:38). Sau khi Chúa Giê-xu chết, Giô-sép đi gặp Phi-lát cách bí mật và xin thân thể Chúa Giê-xu để ông có thể đem đi chôn cất cách thích hợp.

Sự hy sinh vĩ đại của Chúa Giê-xu không chỉ đã trở nên sự chuộc tội cho tội lỗi của con người, nhưng nó cũng đã trở thành một chiến thắng sẽ đánh bại và thắng hơn sự chết, nếu không xảy ra sự chết sẽ là số phận không thể tránh khỏi của tất cả con người sinh ra dưới sự nguyền rủa của tội lỗi. Tội lỗi mang theo hình phạt không thể tránh khỏi của nó, và hình phạt đó là sự chết. Đấng Tạo Hóa của chúng ta là chính trực và công bằng nên đã ra lịnh rằng hình phạt của tội lỗi phải được trả. Bởi vì Đức Chúa Trời là yêu thương và nhân từ cũng như công chính, Ngài đã sai Con Độc Sanh của Ngài trả hình phạt cho những tội lỗi của chúng ta, biết rằng nếu không chúng ta sẽ bị đọa đày suốt cõi đời đời (Giăng 3:16). Tình yêu thương và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời được thể hiện cách lớn lao bởi những lời của Chúa Giê-xu khi Ngài hấp hối lúc bị treo trên thập tự giá, khi ấy Ngài cầu xin Đức Chúa tha thứ cho những kẻ giết Ngài vì sự ngu dốt không biết của họ (Lu-ca 23:24). Thật dễ dàng để phỏng đoán rằng sự không sẵn lòng của con người để đầu phục hoàn toàn trong vâng phục với Lời Đức Chúa Trời và luật pháp bởi vì sự thiếu hiểu biết và khôn ngoan. Sự mỉa mai của lập luận đó là cái chết số mệnh nó gây ra cho Chúa Giê-xu trên thập tự trở thành sự chết số mệnh thuộc linh đối với những ai không thể vượt qua sự ngu dốt tương tự vẫn còn gây tai họa cho phần lớn nhân loại ngày nay. Con người tội lỗi từ chối tiếp nhận món quà cứu rỗi mà Chúa Giê-xu đã khiến cho khả thi bởi sự hy sinh của Ngài chắc chắn là sản phẩn của sự ngu dốt đầy nổi loạn và tội lỗi phân rẽ người đó khỏi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Những Trạm Dừng của Thập Tự là gì, và chúng ta có thể học được gì từ chúng?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries