settings icon
share icon
Câu hỏi

Làm thế nào để tôi có thể vượt qua nỗi đau bị phản bội?

Trả lời


Phản bội là một sự vi phạm hoàn toàn lòng tin và có thể là một trong những hình thức gây ra đau đớn tàn khốc nhất cho con người. Nỗi đau bị phản bội thường được phóng đại bởi cảm giác bị tổn thương và bị phơi bày. Với nhiều người, nỗi đau bị phản bội còn tồi tệ hơn bị bạo lực về thể xác, lừa dối hoặc định kiến. Sự phản bội phá hủy nền tảng của lòng tin.

Vua Đa-vít không lạ gì sự phản bội: “Vì chẳng kẻ thù nghịch sỉ nhục tôi; bằng vậy, tôi có thể chịu được; cũng chẳng kẻ ghét tôi dấy lên cùng tôi cách kiêu ngạo; bằng vậy, tôi đã có thể ẩn mình khỏi nó. Nhưng chính là ngươi, kẻ bình đẳng cùng tôi, bầu bạn tôi, thiết hữu tôi. Chúng tôi đã cùng nhau nghị bàn cách êm dịu; chúng tôi đi với đoàn đông đến nhà Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 55:12-14). Mối liên hệ càng gần gũi càng gây tổn thương sâu đậm khi bị phản bội.

Chính Chúa Giê-su đã thấu hiểu nỗi đau bị phản bội. Sự phản bội tồi tệ nhất, nguy hiểm nhất trong mọi thời đại là sự phản bội của Giu-đa với Chúa Giê-su khi bán Ngài với giá 30 lượng bạc (Mat 26:15). “Đến đỗi người bạn thân tôi, mà lòng tôi tin cậy, và đã ăn bánh tôi, cũng giơ gót lên nghịch cùng tôi” (Thi Thiên 41:9; xem thêm Giăng 13:18). Nhưng Chúa Giê-su không trở nên thù hận, cay đắng hay tức giận. Mà trái lại. Sau khi nhận nụ hôn của kẻ phản bội, Chúa Giê-su vẫn gọi Giu-đa là “bạn” (Ma-thi-ơ 26:50).

Dù đau đớn, nhưng vẫn có cách để chúng ta vượt qua nỗi đau bị phản bội. Năng lực đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời và sức mạnh của sự tha thứ.

Sau khi Đa-vít than khóc vì lòng tin bị đổ vỡ trong Thi Thiên 55, ông gợi ý cách để vượt qua nỗi đau. Đa-vít nói, “Còn tôi kêu cầu cùng Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va ắt sẽ cứu tôi. Buổi chiều, buổi sáng, và ban trưa, tôi sẽ than thở rên siết; Ngài ắt sẽ nghe tiếng tôi” (Thi Thiên 55:16-17).

Chìa khóa đầu tiên là đến than khóc với Chúa. Dù chúng ta muốn trả thù kẻ phản bội nhưng chúng ta cần trình dâng lý do lên cho Đức Chúa Trời. “Đừng lấy ác trả ác hoặc lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại, hãy chúc phước, vì đó là điều mà anh em được kêu gọi, để thừa hưởng phước lành” (I Phi-e-rơ 3:9).

Một điều quan trọng khác để vượt qua nỗi đau bị phản bội chính là nhớ đến gương của Chúa Giê-su. Bản chất tội lỗi thúc giục chúng ta “lấy ác trả ác”, nhưng Chúa Giê-su dạy chúng ta điều ngược lại: “Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn;;… Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:39, 44). Khi Chúa Giê-su “bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại” (I Phi 2:23). Chúng ta noi gương Ngài bằng cách không trả rủa sả bằng rủa sả, gồm cả việc rủa sả kẻ phản bội. Người theo Chúa cần phải làm việc lành cho người khác dù họ là người làm hại mình. [Xin lưu ý rằng điều này không có nghĩa là không nên truy cứu trách nhiệm hình sự thích đáng đối với những trường hợp lạm dụng, vi phạm kinh doanh, v.v. Tuy nhiên, việc tìm kiếm công lý không nên trở thành động cơ để thực hiện hành vi trả thù.]

Một chìa khóa mạnh mẽ khác để vượt qua nỗi cay đắng khi bị phản bội là khả năng tha thứ đã được Đức Chúa Trời ban cho để tha thứ kẻ phản bội. Từ tha thứ bao gồm từ ban cho. Khi chúng ta chọn tha thứ cho người khác, chúng ta thật sự đã ban tặng cho người đó một món quà – sự tự do khỏi bị trả thù cá nhân. Nhưng bạn cũng tự tặng cho chính mình một món quà – là một “cuộc sống không thù hận”. Đánh đổi sự cay đắng, giận dữ của chúng ta để đổi lấy tình yêu của Chúa là một sự trao đổi tuyệt vời, mang lại sự sống.

Chúa Giê-su dạy rằng phải chủ động “yêu người lân cận như chính mình”: “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44). Thật vậy, tha thứ cho người phản bội là một điều vô cùng khó đối với chúng ta. Điều này chỉ có thể thực hiện khi chúng ta nhờ cậy Chúa (Lu-ca 18:27).

Những ai kinh nghiệm tình yêu của Đức Chúa Trời mới có thể hiểu được ý nghĩa của tình yêu không điều kiện và không đòi hỏi. Chỉ bởi sự giúp đỡ của Thánh Linh Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể yêu thương và cầu nguyện cho người tìm cách làm hại chúng ta (Rô-ma 12:14-21).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Làm thế nào để tôi có thể vượt qua nỗi đau bị phản bội?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries