settings icon
share icon
Câu hỏi

Xác thịt là gì?

Trả lời


John Knox (1510-1572) là một tu sĩ người Xcốt-len (Tô Cách Lan), người lãnh đạo cuộc Cải Chánh Tin Lành, và là một người được xem như là người sáng lập Giáo hội Trưởng lão ở Xcốt-len. Knox được những nhà thần học đương thời khen ngợi như là hiện thân của một người sốt sắng đối với Đức Chúa Trời và lời cam kết đối với lẽ thật của Kinh thánh và đời sống thánh khiết. Tuy nhiên, khi gần sắp chết, vị thánh này của Đức Chúa Trời đã tự nhận trận chiến cá nhân của chính ông với bản chất của tội lỗi mà ông đã thừa hưởng từ A-đam (Rô-ma 5:12). Knox đã nói, "Tôi biết trận chiến giữa xác thịt và tinh thần là khó khăn thể nào dưới thập giá nặng nề của sự đau đớn, khi không có sự bảo vệ của thế gian nhưng cái chết hiện tại thì xuất hiện. Tôi biết những lời kêu ca phàn nàn của xác thịt … "

Lời phát biểu của Knox nghe có vẻ rất giống với những lời của sứ đồ Phao-lô là người đã thừa nhận thẳng thắn sự tranh chiến cá nhân với bản chất tội lỗi của ông: "Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng, nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi. Vì tôi không hiểu điều mình làm: Tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn, thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành. Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi. Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn, vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy. Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi. Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng, nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy. Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?" (Rô-ma 7:14-24).

Phao-lô viết trong lá thư gửi cho các tín hữu Rô-ma rằng có điều gì đó "trong các bộ phận" của thân thể ông mà ông gọi là "xác thịt của tôi", là điều gây trở ngại trong đời sống Cơ Đốc của ông và khiến ông trở thành tù nhân của tội lỗi. Martin Luther, trong lời nói đầu của ông về sách Rô-ma, đã bình luận về việc Phao-lô sử dụng từ "xác thịt" bằng cách nói rằng, "Bạn không thể hiểu được xác thịt, vì vậy hiểu "xác thịt" như thể chỉ có liên quan đến "sự dâm ô", nhưng Thánh Phao-lô sử dụng "xác thịt" để nói về toàn bộ con người, thân thể, linh hồn, lý trí, và bao gồm mọi khả năng của ông, bởi vì tất cả những điều đó ở trong ông đều mong muốn và cố gắng làm theo xác thịt. Những lời bình luận của Luther cho thấy rằng "xác thịt" ngang bằng với những sự yêu mến và mong muốn trái ngược với Đức Chúa Trời, không chỉ trong lĩnh vực hoạt động tình dục mà trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Để có được sự hiểu biết vững chắc về thuật ngữ "xác thịt" đòi hỏi chúng ta phải xem xét cách sử dụng và định nghĩa của nó trong Kinh thánh, nó biểu hiện như thế nào trong đời sống của tín đồ và những người chưa tin, những hậu quả mà nó gây ra, và làm thế nào chúng ta có thể chiến thắng nó.

Định nghĩa của "Xác thịt"
Từ chữ Hy Lạp của "xác thịt" trong Tân Ước là sarx, một thuật ngữ có thể thường được sử dụng trong Kinh thánh để nói đến thân thể vật lý. Tuy nhiên, A Greek-English Lexicon of the New Testament and Other Early Christian Literature miêu tả từ này như sau: "thân thể vật lý là thực thể hoạt động, đặc biệt là trong sự suy nghĩ của Phao-lô thì tất cả các bộ phận của cơ thể tạo nên một tổng thể được gọi là xác thịt, là điều bị chi phối bởi tội lỗi đến một mức độ mà xác thịt ở nơi nào thì tất cả mọi hình thức của tội lỗi đều có mặt và không có một điều tốt nào có thể tồn tại được."

Kinh thánh nói rõ ràng rằng nhân loại không bắt đầu bằng cách này. Sách Sáng thế ký nói rằng loài người ban đầu được tạo dựng nên tốt đẹp và hoàn hảo: "Đức Chúa Trời phán rằng: 'Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta' … Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài, Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời, Ngài dựng nên người nam cùng người nữ" (Sáng thế ký 1:26-27). Bởi vì Đức Chúa Trời là hoàn hảo, và bởi vì kết quả luôn luôn tương ứng với nguyên nhân của nó trong bản chất [nghĩa là một Đức Chúa Trời hoàn toàn tốt lành chỉ có thể tạo ra những điều tốt lành, hay giống như Chúa Giê-xu đã nói, "Cây tốt chẳng sanh được trái xấu" (Ma-thi-ơ 7:18)], cả A-đam và Ê-va đều được tạo dựng tốt đẹp và không có tội lỗi. Nhưng khi A-đam và Ê-va phạm tội, bản chất của họ đã bị hư hỏng, và bản chất đó đã được truyền lại cho con của họ: "Vả, A-đam được một trăm ba mươi tuổi, sanh một con trai giống như hình tượng mình, đặt tên là Sết" (Sáng thế ký 5:3, nhấn mạnh thêm).

Sự thật về bản chất của tội lỗi được dạy ở nhiều chỗ trong Kinh thánh, như lời tuyên bố của Đa-vít, "Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi" (Thi thiên 51:5). Đa-vít không có ý nói rằng ông là sản phẩm của việc ngoại tình, nhưng mà là cha mẹ ông đã truyền lại bản chất tội lỗi cho ông. Theo thần học, điều này thỉnh thoảng được gọi là "Người cho linh hồn di truyền" (xuất phát từ thuật ngữ La tinh có nghĩa là "từ một chi") là một quan điểm về bản chất con người. Quan điểm về "Người cho linh hồn di truyền" là linh hồn của một người được tạo nên bởi cha mẹ của người đó, và trong quá trình đó, đứa trẻ đang thừa hưởng bản chất sa ngã của cha mẹ chúng.

Quan điểm của Kinh thánh về bản chất con người khác với triết học Hy Lạp, trong Kinh thánh nói rằng bản chất thể chất và tinh thần của con người ban đầu là tốt đẹp. Ngược lại, các triết gia như Plato đã nhận ra nhị nguyên luận hoặc nhị phân pháp trong nhân loại. Sự suy nghĩ như vậy cuối cùng đã tạo ra một lý thuyết cho thấy cơ thể (thể chất) là xấu, nhưng tinh thần của con người là tốt. Những giáo lý này ảnh hưởng đến các nhóm như những người theo Trí huệ phái, là người cho rằng thế giới vật chất đã được tạo ra nhầm lẫn bởi một á thần được gọi là "Đấng tạo hóa"("demiurge"). Những người theo Trí huệ phái phản đối giáo lý về sự nhập thể của Đấng Christ bởi vì họ cho rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ mặt lấy hình dạng thể chất, vì thân thể là xấu xa. Sứ đồ Giăng đã gặp phải hình thức của sự giảng dạy này trong thời của ông và đã dặn đề phòng nó: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ. Bởi điều nầy, hãy nhận biết Thánh Linh của Đức Chúa Trời: phàm thần nào xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà ra đời, thần đó là bởi Đức Chúa Trời, còn thần nào không xưng Đức Chúa Jêsus, chẳng phải bởi Đức Chúa Trời. Đó là thần của Kẻ địch lại Đấng Christ, mà các con đã nghe rằng hầu đến, và hiện nay đã ở trong thế gian rồi" (I Giăng 4:1-3).

Hơn nữa, những người theo Trí huệ phái đã dạy rằng nếu một người đã làm gì đó phạm đến thân thể mình thì không có vấn đề bởi vì tinh thần mới là điều quan trọng hơn hết. Nhị nguyên luận này của triết học Pla-ton đã có sự ảnh hưởng tương tự như thế ở thế kỷ đầu tiên như nó xảy ra hiện nay, nó hướng đến sự khổ hạnh hay sự phóng túng, cả hai đều bị Kinh thánh lên án (Cô-lô-se 2:23; Giu-đe 4).

Vậy trái ngược với quan điểm của Hy Lạp, Kinh thánh nói rằng bản chất con người cả thân thể lẫn tinh thần đều tốt đẹp, nhưng cả hai đều bị ảnh hưởng bất lợi của tội lỗi. Hậu quả cuối cùng của tội lỗi là bản chất thường được nói đến như là "xác thịt" trong Kinh thánh – là điều chống nghịch lại Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự thõa mãn tội lỗi. Mục sư Mark Bubek định nghĩa xác thịt như sau: "Xác thịt là một luật gắn liền với sự thất bại, nó khiến cho con người tự nhiên không thể làm hài lòng hay phục vụ Đức Chúa Trời. Nó là một lực nội tại ép buộc được thừa hưởng từ sự sa ngã của con người, nó thể hiện bản thân nó nói chung và sự nổi loạn chống nghịch lại Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài nói riêng. Xác thịt không bao giờ có thể được sửa đổi hay cải thiện. Niềm hy vọng duy nhất để thoát khỏi luật của xác thịt là loại bỏ và thay thế hoàn toàn nó bằng một đời sống mới trong Đức Chúa Giê-xu Christ."

Sự biểu hiện và Sự tranh chiến với Xác thịt
Xác thịt biểu hiện như thế nào trong con người? Kinh thánh trả lời câu hỏi này như sau: "Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời" (Ga-la-ti 5:19-21).

Ví dụ về việc làm của xác thịt trong thế gian rất rõ ràng. Hãy xem xét một vài sự thật đáng buồn đã diễn ra từ một cuộc khảo sát gần đây về sự ảnh hưởng của sự khiêu dâm ở Mỹ. Theo nghiên cứu, cứ mỗi giây ở Mỹ có:

- 3,075.64 đô la Mỹ được chi ra cho sự khiêu dâm
- 28,258 người sử dụng in-tơ-nét đang xem khiêu dâm
- 372 người sử dụng in-tơ-nét đang đánh vào công cụ tìm kiếm những từ khóa tìm kiếm dành cho người lớn

Và cứ mỗi 39 giây, một vi-đê-ô khiêu dâm mới được tạo ra ở nước Mỹ. Những thống kê như vậy đã nhấn mạnh lời tuyên bố của tiên tri Giê-rê-mi than khóc rằng "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa, ai có thể biết được?" (Giê-rê-mi 17:9).

Những hậu quả của tội lỗi
Kinh thánh nói rằng sống trong xác thịt sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trước hết, Kinh thánh nói rằng những ai sống theo xác thịt và chưa bao giờ mong ước thay đổi hay ăn năn khỏi hành vi tội lỗi của họ thì sẽ bị chia cắt khỏi Đức Chúa Trời cả về đời này lẫn đời sau:

"Thế thì anh em đã được kết quả gì? Ấy là quả mà anh em hiện nay đương hổ thẹn vì sự cuối cùng của những điều đó tức là sự chết" (Rô-ma 6:21)

"Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết song nếu nhờ Thánh Linh, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống" (Rô-ma 8:13)

"Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời" (Ga-la-ti 6:7-8).

Hơn nữa, một người cũng sẽ trở thành nô lệ cho bản chất xác thịt của mình: "Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi mọi đặng vâng phục kẻ nào, thì là tôi mọi của kẻ mình vâng phục, hoặc của tội lỗi đến sự chết, hoặc của sự vâng phục để được nên công bình hay sao?" (Rô-ma 6:16). Tình trạng nô lệ này sẽ luôn luôn dẫn đến một lối sống hủy hoại và cuộc sống sa đọa. Như tiên tri Ô-sê đã nói, "Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc" (Ô-sê 8:7).

Thực tế của vấn đề chính là tuân theo xác thịt thì luôn dẫn đến sự phá vỡ luật luân lý của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong một ý nghĩa rất thực tế, một người không bao giờ có thể phá vỡ luật luân lý của Đức Chúa Trời, mặc dù người đó chắc chắn có thể không vâng phục nó. Ví dụ, một người có thể leo lên mái nhà, buộc một cái áo choàng quanh cổ và nhảy ra khỏi mái nhà với hy vọng phá vỡ luật hấp dẫn. Tuy nhiên, người đó sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình không thể bay được, không thể phá được quy luật hấp dẫn, và điều duy nhất người đó phá hủy cuối cùng chính là bản thân mình, trong khi đó luật hấp dẫn vẫn được chứng minh trong quá trình đó. Những hành động luân lý cũng giống y như vậy: một người có thể bất tuân luật luân lý của Đức Chúa Trời vì sống theo xác thịt, nhưng người đó chỉ sẽ chứng minh luật luân lý của Đức Chúa Trời là đúng qua việc phá hủy chính mình bằng một cách nào đó qua hành vi của chính mình.

Chiến thắng xác thịt
Kinh thánh chỉ ra ba bước để chiến thắng xác thịt và phục hồi chính mình để có mối liên hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời. Bước đầu tiên là bước đi trong sự thành thật là nơi là một người thừa nhận hành vi tội lỗi của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Điều này liên quan đến việc đồng ý với điều Kinh thánh nói rằng mọi người đều được sinh ra bởi cha mẹ con người: con người là tội nhân và bước vào trong thế gian trong mối liên hệ đã bị đỗ vỡ với Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên họ:

"Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài ghi khắc tội lỗi, Thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?" (Thi thiên 130:3)

"Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình,và lẽ thật không ở trong chúng ta … Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta" (I Giăng 1:8,10)

Bước kế tiếp là bước đi trong Thánh Linh, là điều liên quan đến sự kêu gọi mà Đức Chúa Trời dành cho sự cứu rỗi và tiếp nhận Đức Thánh Linh của Ngài để trao quyền cho một người sống đúng trước mặt Đức Chúa Trời và không tuân theo những ham muốn của xác thịt. Sự biến đổi này và bước đi mới của đời sống được miêu tả nhiều chỗ trong Kinh thánh:

"Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi"(Ga-la-ti 2:20)

"Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ" (Rô-ma 6:11)

"Vậy tôi nói rằng: 'Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt'" (Ga-la-ti 5:16)

"Vả, anh em thảy đều chịu phép báp-têm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy" (Ga-la-ti 3:27)

"Nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó" (Rô-ma 13:14)

"Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh" (Ê-phê-sô 5:18)

"Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi. Để tôi không phạm tội cùng Chúa" (Thi Thiên 119:11)

Bước cuối cùng là bước đi của sự chết, nơi mà xác thịt bị đói khát về những ham muốn của nó để cuối cùng nó sẽ chết. Mặc dù một người được tái sinh thông qua Thánh Linh của Đức Chúa Trời, nhưng người đó phải hiểu rằng mình vẫn còn sở hữu bản chất cũ với những ham muốn tranh chiến với bản chất mới và những mong muốn xuất phát từ Thánh Linh. Từ quan điểm thực tiễn, Cơ Đốc nhân cố ý bỏ qua việc nuôi dưỡng bản chất xác thịt cũ, và thay vào đó là thực hành những hành vi mới được điều khiển bởi Thánh Linh:

"Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi,mà tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại" (I Ti-mô-thê 6:11)

"Cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ" (II Ti-mô-thê 2:22)

"Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng" (I Cô-rinh-tô 9:27)

"Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng" (Cô-lô-se 3:5)

"Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi" (Ga-la-ti 5:24)

"Vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa" (Rô-ma 6:6)

"Nhưng anh em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy, vì anh em đã nghe đạo Ngài, và được dạy dỗ trong Ngài (y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jêsus) rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật" (Ê-phê-sô 4:20-24)

Kết luận
Susanna Wesley, mẹ của những diễn giả vĩ đại và những tác giả của những bài thánh ca John và Charles Wesly, đã miêu tả tội lỗi và xác thịt như sau: "Bất cứ điều gì làm suy yếu lý luận của bạn, làm giảm sự nhạy cảm của lương tâm, che giấu ý thức của bạn về Đức Chúa Trời, hay lấy đi sự ưa thích của bạn dành cho những điều thuộc linh, nói một cách ngắn gọn, nếu bất cứ điều gì làm tăng uy quyền và sức mạnh của xác thịt hơn Thánh Linh, thì đó là điều khiến bạn trở nên tội lỗi bất chấp bản thân nó có lợi bao nhiêu". Một trong những mục đích của đời sống Cơ Đốc là sự chiến thắng của Thánh Linh trên xác thịt và sự thay đổi đời sống, là điều được thể hiện bằng đời sống công chính trước mặt Đức Chúa Trời.

Mặc dù sự tranh chiến sẽ rất là thực tế (là điều Kinh thánh nói rõ ràng), nhưng Cơ Đốc nhân có sự đảm bảo từ Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ đem đến cho chúng ta sự chiến thắng cuối cùng trên xác thịt. "Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ" (Phi-líp 1:6).

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Xác thịt là gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries