Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về việc tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn?
Trả lời
Hầu hết mọi người sẽ định nghĩa “bình an trong tâm hồn” là khi không có sự căng thẳng tinh thần và những lo lắng. Lần duy nhất ta bắt gặp thứ gì đó tương tự như “bình an trong tâm hồn” trong Kinh Thánh là trong II Cô-rinh-tô 2:13 khi Phao-lô nói ông không tìm thấy “bình an trong tâm hồn” vì không tìm thấy Tít tại thành Trô-ách. Bản dịch nguyên văn của cụm từ này là sự “yên lòng”.
Kinh Thánh dùng chữ bình an theo nhiều cách khác nhau. Bình an đôi khi chỉ về mối liên hệ bạn hữu giữa Đức Chúa Trời và con người. Mối liên hệ bạn hữu này giữa một Đức Chúa Trời thánh khiết và nhân loại tội lỗi là nhờ vào sự hy sinh của Đấng Christ, “bởi huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an đến cho cả những vật dưới đất và những vật trên trời” (Cô-lô-se 1:20). Thêm vào đó, với tư cách là Thầy Tế Cả Thượng Phẩm, Chúa Giê-su duy trì mối liên hệ đó thay cho tất cả những ai tiếp tục “nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những người ấy” (Hê-bơ-rơ 7:25). Mối liên hệ bạn hữu này với Đức Chúa Trời là điều kiện tiên quyết cho kiểu bình an thứ hai, đôi khi được nhắc đến như một tâm hồn thanh thản. Chỉ khi “chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ” (Rô-ma 5:1) thì chúng ta mới có thể trải nghiệm sự bình an thật trong tâm hồn như một bông trái của Đức Thánh Linh, hay nói cách khác, bông trái của Ngài được bày tỏ trong chúng ta (Ga-la-ti 5:22-23).
Ê-sai 26:3 cho chúng ta biết Đức Chúa Trời sẽ giữ gìn chúng ta trong “sự bình an trọn vẹn” nếu tâm trí chúng ta “nương cậy” nơi Chúa, nghĩa là nương dựa tâm trí vào Ngài, tập trung vào Ngài, tin cậy nơi Ngài. Sự thanh thản trong tâm hồn là “hoàn hảo” hay không hoàn hảo tùy thuộc vào mức độ “để tâm trí mình nương cậy nơi Chúa” hơn là cậy nơi bản thân hay tập trung vào hoàn cảnh. Sự bình an được trải nghiệm khi chúng ta tin những gì Kinh Thánh nói về sự ở gần của Chúa trong Thi Thiên 139:1-12, và sự tốt lành cùng quyền năng của Ngài, sự nhân từ và yêu thương Ngài dành cho con cái Ngài, và sự tể trị tuyệt đối của Ngài trên tất cả mọi hoàn cảnh cuộc sống. Nhưng chúng ta không thể tin một đối tượng mà chúng ta không biết, vì thế việc học biết Chúa Giê-xu - Chúa Bình An - một cách gần gũi, là rất quan trọng.
Sự bình an được trải nghiệm như kết quả của sự cầu nguyện. “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Giê-su” (Phi-líp 4:6-7).
Một tâm hồn và tấm lòng bình an được trải nghiệm như kết quả của việc nhận biết rằng Cha yêu thương và khôn ngoan trọn vẹn có mục đích cho tất cả những thử thách mà chúng ta phải đối diện. “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài” (Rô-ma 8:28).
Đức Chúa Trời có thể đem đến nhiều điều tốt lành, trong đó có sự bình an, thông qua những buồn phiền mà chúng ta phải trải qua. Kể cả sự kỷ luật và sửa phạt của Chúa cũng sẽ “sinh ra bông trái công chính và bình an” trong đời sống chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:11). Chúng đem đến một cơ hội tươi mới để “hy vọng nơi Chúa” và cuối cùng là “ca ngợi Ngài” (Thi Thiên 43:5). Chúng giúp chúng ta “an ủi” người khác khi họ trải qua những thử thách tương tự (II Cô-rinh-tô 1:4), và chúng “đem lại cho chúng ta vinh quang cao trọng và vĩnh cửu” (II Cô-rinh-tô 4:17)
Bình an trong tâm hồn và sự thanh thản trong tâm linh kéo theo chỉ có thể xuất hiện khi chúng ta có sự bình an thật trong Chúa thông qua sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá để đền tội cho chúng ta. Tất cả những ai cố gắng tìm kiếm bình an trong tâm hồn bằng cách theo đuổi những điều trong thế gian sẽ thấy bản thân bị lừa dối một cách đáng buồn. Tuy nhiên, đối với Cơ Đốc Nhân, bình an trong tâm hồn được tìm thấy qua sự hiểu biết gần gũi, và sự tin cậy trọn vẹn, vào Đức Chúa Trời, Đấng đáp ứng “mọi nhu cầu của anh em theo sự giàu có vinh quang của Ngài trong Đấng Christ Giê-su” (Phi-líp 4:19).
English
Kinh Thánh nói gì về việc tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn?