Câu hỏi
Chúa đang ở đâu? Chúa ở đâu khi bi kịch xảy ra?
Trả lời
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Chúa cai trị mọi quốc gia từ ngôi thánh Ngài trên thiên đàng (Thi-thiên 47:8; Ê-sai 6:1, 66:1, Hê-bơ-rơ 4:16). Mặc dù theo một khía cạnh, chúng ta biết rằng sự hiện diện của Chúa là ở trên thiên đàng, nhưng Kinh Thánh cũng dạy rõ rằng Chúa là Đấng Toàn Tại (nghĩa là ở tất cả mọi nơi cùng một lúc). Ngày từ sách đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta thấy sự hiện diện của Chúa vận hành trên khắp mặt đất, ngay cả lúc đó, nó không có hình dạng và trống không (Sáng Thế Ký 1:2). Chúa làm đầy dẫy thế giới này bằng sự sáng tạo của Ngài, và sự hiện diện, vinh hiển của Ngài sẽ tiếp tục bao phủ khắp thế giới (Dân Số Ký 14:21). Có rất nhiều minh chứng trong Kinh Thánh đề cập tới sự hiện diện của Chúa vận hành trên mặt đất, tương tác với vật thọ tạo của Ngài, (Sáng Thế Ký 3:8; Phục Truyền 23:14; Xuất Hành 3:2; 1 Các Vua 19:11-18; Lu-ca 1:35; Công Vụ 16:7). Hê-bơ-rơ 4:13 nói rằng, “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại.” Giê-rê-mi 23:24 công bố, “ Đức Giê-hô-va phán: Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng? Đức Giê-hô-va phán: Há chẳng phải ta đầy dẫy các từng trời và đất sao?” Thi Thiên 139 là một chương tuyệt vời để nghiên cứu về sự Toàn Tại của Chúa.
Chúa đang ở đâu?
Nếu bạn là người tin vào Chúa Giê-xu, thì Chúa ở cùng bạn, bên cạnh bạn, bên trên bạn và bên trong bạn. Sự hiện diện và sự quan phòng của Chúa không bao giờ lìa xa bạn. Nếu bạn không phải là người tin vào Chúa Giê-xu Christ, thì Chúa đang ở ngay phía trước bạn, kêu gọi bạ, đến bên bạn, và Ngài mong muốn ban tặng bạn tình yêu, sự thương xót và ân điển. Nếu như bạn đang băn khoăn về mối quan hệ giữa bạn với Đức Chúa Trời là gì, xin vui lòng đọc bài viết về cách “Làm hòa với Chúa.” Có thể câu hỏi “Bạn đang ở đâu trong mối quan hệ với Chúa?” quan trọng hơn câu hỏi “Chúa đang ở đâu?”.
Chúa ở đâu khi bi kịch xảy ra?
Dường như chúng ta mong mỏi câu trả lời cho câu hỏi này khi phải đối diện với sự thử thách đau đớn và bị sự nghi ngờ tấn công. Ngay cả Chúa Giê-su cũng đã thắc mắc trong lúc Ngài chịu sự đóng đinh, “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46). Đối với những người chứng kiến thời đó, cũng như là đối với những ai lần đầu đọc câu chuyện này, đều nghĩ rằng dường như Đức Chúa Trời lìa bỏ Chúa Giê-su, và dĩ nhiên chúng ta kết luận rằng Chúa sẽ lìa bỏ chúng ta trong những lúc đen tối của cuộc sống. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục lần theo những sự kiện diễn ra sau khi Ngài chịu đóng đinh, thì lẽ thật được bày tỏ là không có gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu thương của Chúa, ngay cả sự chết (Rô-ma 8:37-39). Sau khi Chúa bị đóng đinh, Ngài được vinh hiển (1 Phi-e-rơ 1:21; Mác 16:16, 19; Rô-ma 4:24-25). Chỉ cần qua câu chuyện của Chúa Giê-su thôi, chúng ta đã có thể biết chắc rằng ngay cả khi chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong lúc đau đớn nhất, thì chúng ta vẫn có thể tin vào lời hứa của Ngài là Ngài sẽ không bao giờ lìa chúng ta, không bao giờ bỏ chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:5). “Đôi khi Chúa cho phép những điều Ngài ghét xảy ra để đạt được những điều Ngài yêu” (Joni Erickson Tada).
Chúng ta tin cậy vì Chúa không bao giờ nói dối, không bao giờ thay đổi, và lời Ngài sẽ còn đời đời (Dân Số Ký 23:19; 1 Sam-mu-ên 15:29; Thi Thiên 110:4; Ma-la-chi 3:6; Hê-bơ-rơ 7:21; 13:8, Gia-cơ 1:17; 1 Phi-e-rơ 1:25). Chúng ta không ngã lòng bởi hoàn cảnh nghiệt ngã bởi vì chúng ta sống vì đức tin vào lời Ngài phán, không phải bởi điều chúng ta thấy hay quan sát. Chúng ta trông cậy vào Chúa rằng những khó khăn nhẹ và tạm này sẽ đem lại cho chúng ta sự vinh hiển đời đời vượt quá mọi sự đau đớn mà chúng ta chịu đựng trên thế giới này. Vì vậy, chúng ta hướng mắt mình vào sự chúng ta không thấy, không phải vào sự chúng ta thấy, bởi vì chúng ta biết và tin rằng những điều mà chúng ta thấy được chỉ là tạm bợ, và những điều không thấy được là đời đời (2 Cô-rinh-tô 4:16-18; 5:7). Chúng ta cũng tin vào Lời Chúa, rằng Ngài luôn luôn hành động trong mọi sự để giúp ích cho những người yêu mến Ngài và được Ngài kêu gọi theo mục đích của Ngài (Rô-ma 8:28). Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng thấy sự tốt lành, mà Ngài hành động để hoàn thành cho chúng ta? Chúng ta có thể biết chắc rằng sẽ có lúc chúng ta sẽ thấy và hiểu một cách rõ ràng.
Cuộc sống của chúng ta như tấm thảm thêu trang trí. Nếu chúng ta nhìn vào mặt sau của tấm thảm, chúng ta sẽ chỉ thấy những nút chặt, nút lỏng nằm lộn xộn khắp nơi. Trông nó không có gì lôi cuốn, và dường như đó là một công trình không có tính lô-gic hay lý lẽ. Nhưng khi chúng ta quan sát mặt kia của tấm thảm, chúng ta sẽ thấy được người thợ thủ công đã tinh tế thuê dệt từng sợi chỉ đan xen vào nhau để tạo nên một công trình tuyệt đẹp, cũng giống như cuộc đời của những người tin Chúa (Ê-sai 64:8). Chúng ta hiểu biết hữu hạn những điều thuộc về Chúa trong đời này, nhưng sẽ có ngày khi chúng ta sẽ hiểu biết mọi sự trọn vẹn (Gióp 37:5; Ê-sai 40:28; Truyền Đạo 11:5; 1 Cô-rinh-tô 13:12; 1 Giăng 3:2). Chúa ở đâu khi bi kịch xảy ra? Thông điệp bạn nên mang theo trong cơn khốn khó là nếu như bạn không thấy cánh tay của Ngài, hãy tin vào tấm lòng của Ngài, và tin chắc Ngài sẽ không bỏ rơi bạn. Khi bạn thấy mình đã kiệt sức, đó chính là lúc bạn có thể hoàn toàn nghỉ yên trong sự hiện diện của Ngài và biết rằng sức mạnh của Chúa trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của bạn (2 Cô-rinh-tô 12:9-10). English
Chúa đang ở đâu? Chúa ở đâu khi bi kịch xảy ra?