Câu hỏi
Kinh Thánh nói gì về chủ nghĩa luật pháp?
Trả lời
Cụm từ “chủ nghĩa luật pháp” không được tìm thấy trong Kinh Thánh. Cụm từ này chỉ là một thuật ngữ mà những Cơ Đốc Nhân dùng để mô tả một giáo lý nhấn mạnh đến vị trí của một hệ thống những luật lệ và qui định nhằm đạt được sự cứu rỗi và sự phát triển thuộc linh. Người theo chủ nghĩa luật pháp luôn tin chắc và luôn yêu cầu sự tuân thủ các luật lệ và qui định theo đúng nghĩa đen. Về cơ bản, giáo lý này luôn chống đối lại ân điển. Những người theo đuổi chủ nghĩa luật pháp thường sai lầm khi xem xét mục đích thật sự của luật pháp, đặc biệt là mục đích của luật pháp Môi-se trong thời Cựu Ước, mục đích thật sự của luật pháp là trở thành “thầy giáo” hay “người hướng dẫn” của chúng ta để đem chúng ta đến với Đấng Christ (Ga-la-ti 3:24)
Ngay cả những người có niềm tin đúng đắn cũng có thể trở thành người theo chủ nghĩa luật pháp. Nói đúng hơn là, luật pháp cũng dạy chúng ta cư xử tốt với người khác: “Hãy tiếp nhận những người kém đức tin; đừng lên án những gì mình chưa biết chắc. (Rô-ma 14:1). Nhưng tiếc là, có nhiều người lại rất mạnh mẽ khi làm theo những điểm không đúng với bản chất của luật pháp trong học thuyết này đến nỗi họ đánh mất dần những mối liên hệ anh em của họ bởi vì không cho phép người khác bày tỏ một quan điểm nào khác với họ. Chủ nghĩa luật pháp chính là như vậy. Ngày nay, những người tin theo chủ nghĩa luật pháp thường phạm sai lầm khi đòi hỏi người khác phải làm theo một cách tuyệt đối những gì họ đã giải thích từ Kinh Thánh theo cách riêng của họ và phải làm mọi điều đúng theo truyền thống của họ. Ví dụ, có nhiều người cho rằng việc một ai đó có được đời sống thuộc linh thì phải tuyệt đối tránh thuốc lá, thức uống có cồn, ca hát, nhảy múa, phim ảnh, v.v…. Nhưng sự thật thì việc tránh những điều này không đảm bảo được thuộc linh cho họ.
Sứ đồ Phao-lô cảnh báo chúng ta về chủ nghĩa luật pháp trong Cô-lô-se 2:20-23: “Nếu anh em đã chết với Đấng Christ, thoát khỏi các thần linh (nguyên tắc) của thế gian, thì tại sao anh em lại vẫn sống như mình còn thuộc về thế gian? Tại sao vẫn thuận phục những luật lệ: “Chớ lấy, chớ nếm, chớ sờ” khi mà tất cả những thứ ấy đều hư hoại nếu đã dùng đến? Chúng chỉ là những luật lệ và giáo huấn của loài người. Thật những điều ấy, bề ngoài có vẻ khôn ngoan vì thờ lạy theo ý mình, cùng với sự hạ mình và khắc khổ thân thể, nhưng chẳng có giá trị gì trong việc chế ngự dục vọng của xác thịt.” Những người theo chủ nghĩa luật pháp thường hay tỏ ra sự công chính và sự thiêng liêng của họ, nhưng rút cục thì những người này lại thất bại trong việc làm trọn mục đích của Chúa bởi vì những điều đó chỉ là sự phô diễn ra bên ngoài mà không phải là sự thay đổi bên trong.
Để tránh rơi vào bẫy của chủ nghĩa luật pháp, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc giữ chắc lời của sứ đồ Giăng, “Vì luật pháp đã được ban bố bởi Môi-se, còn ân điển và chân lý thì đến từ Đức Chúa Jêsus Christ.” (Giăng 1:17) và luôn ghi nhớ điều này để có thể cư xử cách nhân từ, đặc biệt là với anh chị em của chúng ta trong Chúa. “Bạn là ai mà xét đoán đầy tớ của người khác? Nó đứng hay ngã, đó là việc của chủ nó. Nhưng nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng.” (Rô-ma 14:4). “Nhưng bạn, sao lại xét đoán anh em mình? Còn bạn, sao lại khinh bỉ anh em mình? Vì tất cả chúng ta đều sẽ ứng hầu trước tòa án của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 14:10)
Có một lời cảnh báo rất quan trọng tại đây. Dù cho chúng ta cần phải cư xử tốt với người khác và cần bày tỏ sự dung thứ cho những bất đồng với những vấn đề gây tranh cãi, nhưng chúng ta cũng không chấp nhận những quan điểm tà giáo (là những sai trật và tiềm tàng mối nguy hại cho đức tin). Chúng ta ủng hộ việc đấu tranh cho niềm tin đã truyền cho các thánh đồ một lần đủ cả (Giu-đe 3). Nếu chúng ta ghi nhớ những nguyên tắc chỉ dẫn này và làm theo bằng tình yêu thương và lòng thương xót, chúng ta sẽ an toàn tránh khỏi chủ nghĩa luật pháp và những quan điểm sai trật về niềm tin. “Thưa anh em yêu dấu, đừng tin tất cả các thần linh, nhưng hãy thử xem các thần linh đó có phải đến từ Đức Chúa Trời không, vì có nhiều kẻ tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian” (1 Giăng 4:1).
English
Kinh Thánh nói gì về chủ nghĩa luật pháp?