Câu hỏi
Tầm quan trọng của lễ báp-têm là gì?
Trả lời
Lễ báp-têm Cơ Đốc làm một trong hai thánh lễ mà Chúa Giê-xu thiết lập cho Hội thánh. Trước khi Ngài thăng thiên, Chúa Giê-xu phán, “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:19-20). Những lời dạy dỗ này nói rõ rằng Hội thánh có trách nhiệm dạy lời của Chúa Giê-xu, môn đồ hóa, và làm báp-têm cho những môn đồ đó. Những việc này cần phải thực hiện khắp mọi nơi (“muôn dân”) cho đến “cho đến tận thế”. Vì vậy, nếu không có lý do nào khác, thì lễ báp-têm vẫn quan trọng vì đó là điều mà Chúa Giê-xu ra mạng lệnh.
Lễ báp-têm đã được thực hiện trước khi Hội thánh được thiết lập. Người Do Thái cổ đại sẽ làm báp-têm cho những người cải đạo để biểu hiện bản chất “được tẩy sạch” của họ. Giăng Báp-tít sử dụng lễ báp-têm để chuẩn bị đường cho Chúa, lễ này yêu cầu mỗi người, không chỉ người ngoại, phải làm báp-têm bởi vì mỗi người cần phải ăn năn. Tuy nhiên, lễ báp-têm của Giăng, biểu hiện sự ăn năn, không giống với lễ báp-têm Cơ Đốc được đề cập trong Công Vụ 18:24-26 và 19:1-7. Lễ báp-têm Cơ Đốc có ý nghĩa sâu sắc hơn.
Lễ báp-têm cần được thực hiện trong danh của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh – Đó là điều làm nên lễ báp-têm Cơ Đốc. Qua thánh lễ này, một người sẽ bước với mối thông công với Hội thánh. Khi chúng ta được cứu, chúng ta được “báp-têm” bởi Đức Thánh Linh để gia nhập vào thân thể của Đấng Christ, chính là Hội thánh. 1 Cô-rinh-tô 12:13 nói, “Vì chúng ta, dù là người Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, tất cả đều đã chịu báp-têm trong một Thánh Linh để trở thành một thân thể; tất cả đều được uống chung một Thánh Linh.” Lễ báp-têm bằng nước là “sự tái hiện” của lễ báp-têm bằng Đức Thánh Linh.
Báp-têm Cơ Đốc là cách một người xưng nhận đức tin và trở thành môn đồ một cách công khai. Qua lễ báp-têm bằng nước, người đó nói, mà không cần lên tiếng, “tôi xưng nhận đức tin trong Đấng Christ; Chúa Giê-xu đã thanh tẩy linh hồn tôi khỏi tội lỗi, và bây giờ tôi được ban cho đời sống mới trong sự thánh hóa.”
Báp-têm Cơ Đốc minh họa, một cách đặc biệt về sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Cũng như vậy, nó minh họa sự chết của chúng ta đối với tội lỗi và đời sống mới trong Đấng Christ. Khi một người xưng tội của mình với Chúa Giê-xu, người đó đã chết đối với tội lỗi (Rô-ma 6:11) và sống lại trong đời mới (Cô-lô-se 2:12). Việc nhận xuống nước thể hiện sự chết đối với tội lỗi, và ra khỏi nước thể hiện đời sống thánh khiết và thanh tẩy do kết quả của sự cứu rỗi. Rô-ma 6:4 nói như sau: “Vậy, bởi báp-têm, chúng ta đã được chôn vào trong sự chết với Ngài, để rồi như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thể nào thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy.”
Nói đơn giản, lễ báp-têm là minh chứng bên ngoài về sự thay đổi bên trong đời sống của tín hữu. Báp-têm Cơ Đốc là hành động vâng lời Chúa sau khi nhận được sự cứu rỗi; mặc dù sự lễ báp-têm có liên hệ mật thiết với sự cứu rỗi, nhưng nó không phải là điều kiện để được cứu. Kinh Thánh dạy trong rất nhiều chỗ về trình từ của các sự kiện như sau 1) một người tin nhận Chúa Giê-xu và 2) người đó chịu báp-têm. Chúng ta thấy trình tự này ở trong Công Vụ 2:41, “những người tiếp nhận lời đó [của Phi-e-rơ] đều nhận báp-têm” (xem thêm trong Công Vụ 16:14-15).
Một người mới tin Chúa Giê-xu nên mong muốn làm báp-têm sớm nhất có thể. Trong Công Vụ 8, Phi-líp giảng “Tin Lành về Đức Chúa Giê-xu” cho hoạn quan Ê-thi-ô-pi, và, “Khi hai người đang đi, gặp chỗ có nước, hoạn quan nói: ‘Nầy, nước đây, có điều gì ngăn trở tôi nhận báp-têm chăng?’” (câu 35-36). Và ngay lúc đó, họ dừng xe ngựa, và Phi-líp làm báp-têm cho ông.
Lễ báp-têm minh họa sự liên hệ của tín hữu với sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ. Bất kỳ nơi nào mà Phúc Âm được rao giảng và mọi người tin nhận Đấng Christ, thì họ sẽ làm báp-têm.
English
Tầm quan trọng của lễ báp-têm là gì?