Câu hỏi
Lập luận Đức Chúa Trời của những lỗ hổng là gì?
Trả lời
Lập luận “Đức Chúa Trời của những lỗ hổng” nói đến một cách nhận thức về vũ trụ, trong đó bất cứ thứ gì hiện nay có thể giải thích được bằng kiến thức của chúng ta về các hiện tượng tự nhiên đều được xem là bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của thần linh, và do đó khái niệm "Thượng Đế" chỉ được viện dẫn ra để giải thích những gì khoa học vẫn chưa thể giải thích được. Nói cách khác, chỉ những “lỗ hổng” trong kiến thức khoa học mới được giải thích bằng công việc của Đức Chúa Trời, từ đó giải thích cho cái tên “Đức Chúa Trời của những lỗ hổng”.
Ý tưởng là khi nghiên cứu khoa học ngày càng tiến bộ và ngày càng có nhiều hiện tượng được giải thích một cách tự nhiên, thì vai trò của Đức Chúa Trời cũng giảm dần theo. Những lời chỉ trích chính thường nói rằng việc viện dẫn những lời giải thích siêu nhiên sẽ giảm đi tính hợp lý theo thời gian, vì phạm vi kiến thức được Chúa giải thích trước đây đang giảm dần.
Tuy nhiên, với những tiến bộ hiện đại của khoa học và công nghệ, tình thế đã thật sự đảo chiều. Với sự ra đời của kính hiển vi điện tử quét, lần đầu tiên chúng ta có thể quan sát các hoạt động phức tạp bên trong một tế bào. Những gì ban đầu được hiểu đơn giản là một mớ hỗn hợp nguyên sinh chất không hơn không kém, giờ đây được xem là phức tạp và chứa đầy thông tin hơn nhiều so với những gì đã từng được hình dung trước đây.
Phần lớn những gì đã từng được xếp vào thư mục "giải quyết xong" vào đầu thế kỷ XX hiện nay được phát hiện là đã không được giải thích thỏa đáng theo chủ nghĩa tự nhiên. Công nghệ của thế kỷ 21 đang ngày càng vạch ra nhiều lỗ hổng trong thuyết tiến hóa thông thường. Cấu tạo chứa đầy thông tin của cái gọi là “đơn giản” gần đây mới thật sự được hiểu ở một cấp độ thực tế nhất định và được công nhận rằng nó không hề đơn giản chút nào. Giờ đây người ta hiểu rằng bản chất của thông tin vốn dĩ là phi vật chất. Do đó, các quá trình vật chất không thể được xem là nguồn thông tin.
Trên thực tế, niềm tin vào Đức Chúa Trời có thể được hình thành bằng cách đánh giá khách quan, thay vì phỏng đoán chủ quan có thể đã xảy ra cách đây hàng thiên niên kỷ. Nhưng nhiều người chỉ đơn giản phủ nhận những gì hiển nhiên đối với họ. Kinh Thánh đề cập đến chính những người đó: “Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời từ trên trời được tỏ bày để chống lại mọi sự vô luân và gian ác của những kẻ dùng sự gian ác mà áp chế chân lý. Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được.” (Rô-ma 1:18-20). Lập luận Đức Chúa Trời của những lỗ hổng là một ví dụ cho sự “áp chế chân lý” bởi vì nó xem Đức Chúa Trời như một cách giải thích “dự phòng” cho những điều mà các hiện tượng tự nhiên chưa thể giải thích được. Điều này dẫn một số người đến kết luận sai lầm rằng Đức Chúa Trời không phải là Đấng toàn năng, toàn tại, vô song tuyệt đối như Kinh thánh đã làm chứng.
Có rất nhiều điều mà khoa học tự nhiên không thể đưa ra lời giải thích, chẳng hạn như nguồn gốc của dòng chảy thời gian/không gian/vật chất và sự đồng điệu của chúng; nguồn gốc và sự phát triển tiếp nối của bản thân sự sống; và nguồn gốc của các hệ thống thông tin phức tạp và chuyên biệt vốn hiện hữu trong tất cả sinh vật, mà không thể (cũng như không bao giờ có thể giải thích được) bằng cách lý giải tự nhiên. Vì vậy, con người không thể tìm được một cách hợp lý để tách rời yếu tố siêu nhiên khỏi vũ trụ thấy được, do đó một lần nữa chứng minh rằng “Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng Thế Ký 1:1).
English
Lập luận Đức Chúa Trời của những lỗ hổng là gì?