Câu hỏi
Đức Chúa Trời không phải là một sự chế nhạo, điều này có nghĩa là gì?
Trả lời
Việc chế nhạo Đức Chúa Trời là sự thiếu tôn trọng Ngài, làm ô danh Ngài hoặc phớt lờ Ngài. Đó là một hành vi phạm tội nghiêm trọng bởi những người không kính sợ Đức Chúa Trời hoặc những người phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Hình thức dễ nhận biết nhất của sự chế nhạo là sự thiếu tôn trọng, điển hình là những lời lẽ nhục mạ hoặc các hành động kinh thị khác. Nó gắn liền với sự chế giễu, nhạo báng và thách thức. Sự chế nhạo là một thái độ không tôn trọng, thể hiện sự đánh giá thấp, khinh miệt hoặc thậm chí là thái độ không thân thiện công khai.
Trong Kinh Thánh, sự chế nhạo là hành vi và thái độ của kẻ ác (Thi thiên 1:1), kẻ chống nghịch (Thi thiên 74:10), kẻ ngu dại (Thi thiên 74:22), kẻ kiêu ngạo (Thi Thiên 119:51; Ê-sai 37:17), kẻ ngu dại ghét tri thức (Châm ngôn 1:22; 13: 1), và kẻ khó dạy, không thích bị quở trách (Châm Ngôn 15:12). Một kẻ nhạo báng không chỉ đơn thuần là thiếu khả năng phán xét mà còn đưa ra một quyết định có ý thức về điều ác (một quyết định sẽ làm điều ác). Những kẻ nhạo báng không có tinh thần vâng phục, không dễ dạy, không sáng suốt, không khôn ngoan, không thờ phượng hay đức tin.
Những ai chế nhạo Đức Chúa Trời thì cũng sẽ chế nhạo dân Ngài. Nhà tiên tri Giê-rê-mi “đã trở thành trò cười cho cả dân ông” và bị chế nhạo “cả ngày trong tiếng hát” (Ca thương 3:14). Việc nhạo báng các tiên tri của Đức Chúa Trời là điều rất phổ biến (2 Sử ký 36:16). Nê-hê-mi bị kẻ thù chế giễu và cười nhạo (Nê-hê-mi 2:19). Ê-li-sê bị bọn trẻ con trong thành Bê-tên chế nhạo (2 Các Vua 2:23). Và tất nhiên, Chúa Giêsu của chúng ta đã bị khinh bỉ và chế giễu—bởi vua Hê-rốt và quân lính của ông ta (Lu-ca 23:11), bị phỉ báng bởi một tên tội phạm bị treo trên thập tự giá (Lu-ca 23:39), bởi lính La Mã (Mác 15:20; Lu-ca 23:36), và bởi các nhà lãnh đạo Do Thái đã đi qua thập tự giá (đó là, thầy tế lễ, thầy thông giáo và các trưởng lão) (Ma-thi-ơ 27:41).
Là những tín đồ, chúng ta dễ dàng chỉ tay vào những người bên ngoài hội thánh, những kẻ đang chế nhạo Đức Chúa Trời. Nhưng sự nhạo báng Đức Chúa Trời tinh vi nhất và nguy hiểm nhất lại đến từ những người trong chúng ta đang ngồi trong nhà thờ. Chúng ta đã phạm tội nhạo báng khi chúng ta cư xử với vẻ bề ngoài thể hiện sự thuộc linh hoặc tin kính mà không có sự cam kết bên trong hoặc thay đổi tấm long mình.
Charles G. Finney, một nhà truyền giáo vào những năm 1800, đã viết về sự ảnh hưởng của việc chế nhạo Đức Chúa Trời: “Chế nhạo Đức Chúa Trời là giả vờ yêu thương và vâng phục Ngài trong khi chúng ta không làm như vậy; hành động sai trái, không thành thật và đạo đức giả trong nghề nghiệp của mình, giả vờ vâng lời Ngài, yêu thương, phục vụ và tôn thờ Ngài trong khi chúng ta không làm như vậy…Sự chế nhạo Đức Chúa Trời làm buồn lòng Đức Thánh Linh, và làm cho lương tâm bị chai lì; và do đó các dây trói buộc tội lỗi ngày càng trở nên mạnh mẽ và mạnh mẽ hơn. Trái tim dần dần trở nên cứng lòng bởi một quá trình như vậy.”
Đức Chúa Trời cảnh báo rằng việc chế nhạo những điều thánh khiết sẽ bị trừng phạt. Sô-phô-ni tiên đoán về sự sụp đổ của Mô-áp và Am-môn rằng: “đó là điều chúng bị báo trả về sự kiêu ngạo của mình, vì chúng đã nhạo báng và khoe khoang, chống lại dân của Đức Giê-hô-va vạn quân” (Sô-phô-ni 2:10). Ê-sai 28:22 cảnh báo rằng sự nhạo báng sẽ khiến dây trói tội lỗi của Giu-đa càng siết chặt thêm và kéo theo sự hủy diệt theo sau trên khắp đất nước. Châm-ngôn 3:34 nói rằng “Đức Chúa Trời sẽ nhạo báng kẻ hay nhạo báng, nhưng Ngài ban ơn cho người khiêm nhường” và bị áp bức. II Các Vua 2:24 đã thuật lại hình phạt dành cho những đứa trẻ chế nhạo Ê-li-sê.
Đây là ý nghĩa của việc Đức Chúa Trời không bị chế nhạo. Sẽ có những hậu quả cho sự phớt lờ những chỉ dẫn/mệnh lệch của Đức Chúa Trời và cố tình phạm tội. A-đam và Ê-va đã thử làm điều đó và đã đem đau khổ và chết chóc đến cho thế gian (Sáng thế ký 2:15–17; 3:6, 24). Sự lừa dối của A-na-nia và Sa-phi-ra đã dẫn đến một phán quyết nhanh chóng và công khai (Công vụ 5:1-11). Ga-la-ti 6:7 nêu ra một nguyên tắc chung: “Đừng tự dối minh; Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu, vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy”
Đức Chúa Trời không thể nào bị lừa dối (Hê-bơ-rơ 4:12–13). Tội lỗi của A-can (Giô-suê 7) và sự chạy trốn của Giô-na (Giô-na 1) là những điều mà Đức Chúa Trời biết rõ. Những lời phán của Chúa Giêsu cho mọi hội thánh được lặp đi lặp lại trong Khải Huyền 2—3 là: “Ta biết công việc của các con”. Chúng ta chỉ tự lừa dối mình khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời toàn năng_ Đấng biết tất cả mọi điều_ sẽ không nhìn thấy thái độ và hành động của chúng ta.
Kinh Thánh chỉ cho chúng ta cách để sống một cuộc sống hạnh phúc, đôi khi bằng những tấm gương tốt của những người tin kính và đôi khi là bằng những ví dụ tiêu cực của những người chọn đi theo con đường khác. Thi Thiên 1:1–3 nói: “Phước cho người nào chẳng đi theo mưu kế của kẻ ác, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng, nhưng vui thích về luật pháp của Đức Giê-hô-va và suy ngẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sinh bông trái đúng mùa đúng tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo. Mọi việc người làm đều sẽ thịnh vượng”
English
Đức Chúa Trời không phải là một sự chế nhạo, điều này có nghĩa là gì?