settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói gì về việc giúp đỡ người nghèo khó?

Trả lời


Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta thấy Đức Chúa Trời mong muốn dân sự Ngài bày tỏ lòng trắc ẩn đối với người nghèo khó và thiếu thốn. Chúa Giê-su phán rằng thường có người nghèo ở cùng chúng ta (Ma-thi-ơ 26:11; Mác 14:7). Ngài cũng phán rằng những ai bày tỏ lòng thương xót đối với người nghèo khó, bệnh tật và túng thiếu thì thực tế là đang làm cho chính Ngài (Ma-thi-ơ 25:35–40) và sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, phạm vi tiếp cận của nghèo đói vừa lan rộng vừa có sức tàn phá khủng khiếp. Dân sự của Đức Chúa Trời không thể thờ ơ với những người có nhu cầu, bởi vì những kỳ vọng của Ngài đối với chúng ta về việc chăm sóc người nghèo được thêu dệt xuyên suốt toàn bộ Kinh thánh. Ví dụ, hãy xem những lời của Chúa về lòng nhân từ của Vua Giô-si-a trong Giê-rê-mi 22:16: “Người đã làm ra lẽ thẳng cho kẻ nghèo và thiếu thốn cho nên được phước. Đức Giê-hô-va phán: Như vậy há chẳng phải là biết ta sao?” Và Môi-se đã hướng dẫn dân sự cách đối đãi với người nghèo khó và thiếu thốn: “Ngươi phải giúp cho người, chớ cho mà có lòng tiếc; vì tại cớ ấy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban phước cho mọi công việc của ngươi, và mọi điều ngươi đặt tay vào mà làm” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:10). Lòng trắc ẩn này được ghi lại một cách hoàn hảo trong Châm Ngôn 14:31: “Kẻ hà hiếp người nghèo khổ làm nhục Đấng Tạo hóa mình; Còn ai thương xót người bần cùng tôn trọng Ngài."

Phần đầu của Châm ngôn 14:31 nói: Kẻ hà hiếp người nghèo khổ làm nhục Đấng Tạo hóa mình”. Trên thực tế, Kinh Thánh chứa đầy Châm ngôn cho thấy rõ ràng Đức Chúa Trời yêu thương người nghèo và cảm thấy bị xúc phạm khi con cái Ngài bỏ mặc họ (Châm ngôn 17:5; 19:17; 22:2, 9, 16, 22–23; 28:8; 29:7; 31:8–9). Hậu quả của việc phớt lờ cảnh ngộ của người nghèo khó cũng được nói rõ trong Châm ngôn 21:13: “Ai bưng tai không khứng nghe tiếng kêu la của người nghèo khổ, Người đó cũng sẽ kêu la mà sẽ chẳng có ai đáp lại”. Và hãy lưu ý đến ngôn ngữ mạnh mẽ trong Châm ngôn 28:27: “Ai cho người nghèo sẽ không thiếu thốn; Còn ai xây mắt khỏi đi ắt sẽ bị nhiều sự rủa sả”. Trong số nhiều tội lỗi của dân Sô-đôm được nói đến trong Sáng thế ký 19, dân tộc của nó “… ở kiêu ngạo, ăn bánh no nê, và ở nể cách sung sướng; nó lại không bổ sức cho tay kẻ nghèo nàn và thiếu thốn” (Ê-xê-chi-ên 16:49).

Tân Ước cũng rõ ràng không kém về cách chúng ta quan tâm chăm sóc người nghèo. Một câu tóm tắt độc đáo về lòng bác ái mà chúng ta mong đợi được tìm thấy trong thư thứ nhất của Giăng: “Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được! Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (1 Giăng 3:17–18). Điều quan trọng không kém được đề cập đến trong Ma-thi-ơ 25:31–46. Sự phán xét được mô tả ở đây xảy ra trước triều đại ngàn năm của Đấng Christ và thường được gọi là “sự phán xét sau cùng”, trong đó muôn dân nhóm lại trước mặt Đấng Christ sẽ được chia thành hai nhóm—chiên ở bên phải Ngài và dê ở bên trái Ngài. Những người ở bên trái sẽ bị đưa vào “lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó” (câu 41), trong khi những người ở bên phải sẽ nhận được cơ nghiệp đời đời của họ (câu 34). Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ngôn ngữ mà Đấng Christ sử dụng khi nói về những nhóm tách biệt này. Những con chiên về cơ bản được khen ngợi vì đã quan tâm người nghèo khó, người bệnh tật, người bị cầm tù và người dễ bị tổn thương. Mặt khác, những con dê bị trừng phạt vì thiếu quan tâm và hành động đối với họ. Khi những người ngay lành (công chính) hỏi Ngài rằng họ đã làm những điều này khi nào, Đấng Christ đáp lời bằng cách phán: “hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”

Chúng ta không được hiểu sai điều này có nghĩa là những việc làm lành của đàn chiên là yếu tố giúp họ được cứu rỗi; đúng hơn, những việc lành này là “kết quả” hoặc bằng chứng về việc họ đã được cứu bởi ân điển (Ê-phê-sô 2:8–10), chứng minh thêm rằng cam kết với Đấng Christ sẽ thực sự đi kèm với bằng chứng không thể phủ nhận về một cuộc đời được biến đổi. Hãy nhớ rằng chúng ta được tạo ra để làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị trước cho chúng ta làm, và “những việc lành” mà Đấng Christ nói đến trong Ma-thi-ơ 25 bao gồm việc chăm sóc người nghèo và người đau khổ.

Gia-cơ 2:26 nói, "xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy." Gia-cơ cũng viết: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22). Tương tự như vậy, Giăng nói: “Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.. . . . Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm” (1 Giăng 2:4, 6). Và những lời của chính Đấng Christ: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15).

Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc về tấm lòng của Ngài đối với người nghèo và sự chỉ dẫn về cách chúng ta phải chăm sóc họ. Nếu chúng ta thực sự có niềm tin vào Chúa Giê-su, chúng ta cũng phải chia sẻ mối quan tâm của Ngài đối với người nghèo. Chúa Giê-su truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau (Giăng 13:34–35). Và cách nào tốt hơn để thể hiện tình yêu thương, lòng nhân từ và lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su Christ hơn là tìm đến “những người bé mọn nhất” giữa chúng ta?

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói gì về việc giúp đỡ người nghèo khó?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon YouTube icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries