Câu hỏi
Kinh Thánh là gì?
Trả lời
Tên gọi “Kinh thánh” xuất phát từ chữ La tinh và chữ Hy Lạp có nghĩa là “quyển sách”, một tên gọi phù hợp nên kể từ đó Kinh thánh là quyển sách dành cho tất cả mọi người trong mọi thời đại. Nó là một quyển sách không giống với bất cứ quyển sách nào khác.
Kinh thánh gồm có 66 sách khác nhau. Trong đó bao gồm những sách luật pháp như là Lê-vi ký và Phục truyền luật lệ ký, những sách lịch sử như là Ê-xơ-ra và Công vụ các sứ đồ, các sách văn thơ như là Thi thiên và Truyền đạo, các sách tiên tri như là Ê-sai và Khải huyền, các sách hồi ký như là Ma-thi-ơ và Giăng, và các sách thư tín (những lá thư trang trọng) như là Tít và Hê-bơ-rơ.
Tác giả
Có khoảng 40 tác giả con người khác nhau góp phần vào trong Kinh thánh, là quyển sách đã được viết trong khoảng thời gian 1500 năm. Những tác giả đó thuộc các tầng lớp khác nhau như là những vị vua, những người đánh cá, các thầy tế lễ, các viên chức chính phủ, những người nông dân, những người chăn chiên và các vị bác sĩ. Từ tất cả những sự khác biệt này đã hình thành nên một sự thống nhất lạ thường với nhiều chủ đề phổ biến được đan kết nhau xuyên suốt.
Cả Kinh thánh được thống nhất xuyên suốt vì nó có một tác giả chính là Đức Chúa Trời. Trong sách 2 Ti-mô-thê 3:16 có chép rằng Kinh thánh là “sự hà hơi của Đức Chúa Trời.” Những tác giả con người đã viết chính xác những điều mà Đức Chúa Trời muốn họ viết, chính vì vậy lời Chúa là lời trong sạch và trọn vẹn (Thi thiên 12:6; 2 Phi-e-rơ 1:21).
Bố cục
Kinh thánh được chia thành hai phần chính: Cựu Ước và Tân Ước. Nói một cách ngắn gọn, Cựu Ước là câu chuyện về một dân tộc, và Tân Ước là câu chuyện về một Con người. Thông qua dân tộc đó Đức Chúa Trời đã mang Con người là Chúa Giê-xu Christ đi vào trong thế gian. Cựu Ước miêu tả sự hình thành và sự duy trì của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã hứa dùng dân tộc Y-sơ-ra-ên để ban phước cho toàn thế giới (Sáng thế ký 12:2-3). Khi dân Y-sơ-ra-ên hình thành nên một dân tộc, Đức Chúa Trời đã lựa chọn một gia đình trong vòng dân tộc đó để thông qua đó nguồn phước sẽ đến, đó là gia đình của Đa-vít (Thi thiên 89:3-4). Sau đó, từ gia đình của Đa-vít đã được hứa ban một Con người và chính Người này sẽ mang nguồn phước được hứa ban đến cho thế gian (Ê-sai 11:1-10).
Tân Ước trình bày chi tiết về sự đến của Con người đã được hứa ban. Tên của người là Giê-xu và Ngài đã làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri trong Cựu Ước vì Ngài đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đã chết để trở nên một Đấng Cứu Thế, và đã sống lại từ cõi chết.
Nhân vật trọng tâm
Chúa Giê-xu chính là trọng tâm của Kinh thánh, một quyển sách hoàn toàn nói về Ngài. Cựu Ước tiên đoán sự đến của Ngài cũng như mọi sự sắp đặt cho việc Ngài vào trong thế gian. Tân Ước miêu tả sự đến của Ngài và công việc của Ngài để mang sự cứu rỗi đến cho thế gian tội lỗi của chúng ta.
Trên thực tế, Chúa Giê-xu không chỉ là một nhân vật lịch sử cũng không chỉ là một con người. Ngài là Đức Chúa Trời ở trong xác thịt, và sự đến của Ngài là một sự kiện quan trọng trong lịch sử của thế giới. Chính Ngài đã trở nên một con người để cho chúng ta có một sự hiểu biết rõ ràng về Ngài là ai. Đức Chúa Trời là người như thế nào? Ngài là giống như Chúa Giê-xu, Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời trong hình hài con người (Giăng 1:14, 14:9).
Tóm tắt sơ lược
Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người và Ngài đặt để con người sống trong một thế giới tốt đẹp. Tuy nhiên, con người đã nổi loạn chống nghịch cùng Đức Chúa Trời chính vì vậy con người đã đánh mất địa vị mà Đức Chúa Trời đã dự định dành cho họ. Kể từ đó, Đức Chúa Trời đã sắp đặt thế giới dưới sự rủa sả vì cớ tội lỗi của họ nhưng Ngài cũng lặp tức tiến hành kế hoạch phục hồi nhân loại và mọi tạo vật trở lại vị trí tốt đẹp như ban đầu của nó.
Một phần trong kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời là Ngài đã kêu gọi Áp-ra-ham ra khỏi Ba-by-lôn để đi vào Ca-na-an (khoảng 2000 năm trước Công nguyên). Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham cùng với con trai của ông là Y-sác và cháu nội của ông là Gia-cốp (cũng được gọi là Y-sơ-ra-ên) rằng Ngài sẽ ban phước cho thế gian thông qua hậu duệ của họ. Gia đình của Y-sơ-ra-ên đã di cư từ Ca-na-an đến Ai-cập cũng là nơi mà họ đã phát triển thành một dân tộc.
Khoảng 1400 năm trước Công nguyên, Đức Chúa Trời đã dẫn hậu duệ của Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai cập dưới sự hướng dẫn của Môi-se để đưa họ đến Vùng đất hứa là vùng đất của riêng họ với tên gọi là Ca-na-an. Thông qua Môi-se, Đức Chúa Trời đã ban luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên và lập giao ước với họ. Nếu họ trung tín bước đi theo Đức Chúa Trời và không thờ phượng các thần tượng của những quốc gia chung quanh thì họ sẽ được thịnh vượng. Nếu họ từ bỏ Đức Chúa Trời và đi theo những thần tượng đó thì Ngài sẽ hủy diệt họ.
Khoảng 400 năm sau đó, trong suốt thời trị vì của vua Đa-vít và con trai của ông là Sa-lô-môn thì Y-sơ-ra-ên đã được củng cố trở thành một quốc gia to lớn và hùng mạnh. Đức Chúa Trời đã hứa với Đa-vít và Sa-lô-môn rằng trong hậu duệ của họ luôn luôn có một vị vua cai trị.
Sau thời trị vì của Sa-lô-môn, dân tộc Y-sơ-ra-ên bị chia cắt. Mười chi phái ở phía Bắc được gọi là “Y-sơ-ra-ên” và họ kéo dài khoảng 200 năm trước khi Đức Chúa Trời đoán xét họ vì tội thờ hình tượng của họ. Quốc gia A-si-ri đã chiếm đóng Y-sơ-ra-ên khoảng năm 721 trước Công nguyên. Hai chi phái ở phía Nam được gọi là “Giu-đa” và họ kéo dài lâu hơn một chút nhưng cuối cùng thì họ cũng đã quay lưng khỏi Đức Chúa Trời. Quốc gia Ba-by-lôn đã chiếm đóng họ vào khoảng năm 600 trước Công nguyên.
Khoảng 70 năm sau đó, Đức Chúa Trời nhân từ đã đem những phu tù còn sót lại quay trở về quốc gia của họ. Thành Giê-ru-sa-lem được xây dựng lại vào khoảng năm 444 trước Công nguyên và khi đó quốc gia Y-sơ-ra-ên cũng được tái thiết. Như vậy Cựu Ước đã được khép lại.
Tân Ước bắt đầu khoảng 400 trăm năm sau đó với sự ra đời của Chúa Giê-xu Christ tại thành Bết-lê-hem. Chúa Giê-xu là hậu duệ đã được hứa ban cho Áp-ra-ham và Đa-vít, là Người thi hành kế hoạch cứu chuộc nhân loại và khôi phục tạo hóa của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu hoàn thành công việc của Ngài một cách trung tín. Ngài đã chết vì tội lỗi của nhân loại và đã sống lại từ cõi chết. Sự chết của Chúa Giê-xu là khởi điểm cho một giao ước mới (Tân Ước) với thế gian. Tất cả mọi người đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu sẽ được cứu khỏi tội lỗi và được sự sống đời đời.
Sau khi Chúa Giê-xu sống lại, Ngài đã sai các môn đồ đi khắp nơi rao giảng tin tức tốt lành về cuộc đời của Ngài và quyền năng cứu chuộc của Ngài. Các môn đồ của Ngài đã đi khắp mọi nẻo đường để rao báo tin tức tốt lành về Chúa Giê-xu và sự cứu rỗi. Họ đã đi qua các vùng Tiểu Á, Hy lạp, và khắp cả đế quốc La mã. Tân Ước khép lại với lời tiên đoán về sự trở lại của Chúa Giê-xu để xét đoán thế giới bất tin và giải phóng muôn vật thoát khỏi sự rủa sả.
English
Kinh Thánh là gì?