settings icon
share icon
Câu hỏi

Kinh Thánh nói về điều gì?

Trả lời


Về cơ bản, Kinh Thánh nói về các kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời dành cho mối thông công với con người trên đất. Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên mọi vật, kể cả con người được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và được tạo dựng với mục đích rõ ràng là được thông công với Ngài. Sáng thế ký nói về sự sáng tạo ra những con người đầu tiên, A-đam và Ê-va, mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời trong Vườn Địa Đàng, sự sa vào tội lỗi của họ sau đó, điều này đã dẫn đến mối quan hệ đó bị gãy đổ. Hậu quả cho sự phản loạn của loài người là cái chết và khó khăn đã xâm nhập vào thế gian. Thế gian hiện nay không như khi nó được tạo dựng nên; tuy nhiên, Đức Chúa Trời không chỉ đơn thuần loại bỏ A-đam, Ê-va và tất cả con cháu của họ. Ngài tiếp tục theo đuổi họ và kéo họ đến với chính Ngài, bất chấp tội lỗi của họ.

Những chương đầu của Sáng Thế Ký chứng minh sự sa đọa của loài người. Ca-in đã giết em trai A-bên của mình. Chỉ trong vòng vài thế hệ, thế gian đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác đến nỗi Đức Chúa Trời quyết định xóa sổ loài người bằng một trận hồng thủy và bắt đầu lại với Nô-ê và gia đình ông. Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Nô-ê đóng một chiếc tàu để cứu gia đình ông và một số loài động vật. Ngay cả sau trận hồng thủy, Nô-ê vẫn tỏ ra là một người tội lỗi. Sau đó, loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và cả thế gian cùng nhau xây dựng một cái tháp "chót cao đến tận trời". Đây là nỗ lực của loài người nhằm tiếp cận Chúa theo cách riêng của họ. Đức Chúa Trời không hài lòng, Ngài làm xáo trộn ngôn ngữ của họ, khiến họ tản ra khắp trên mặt đất. Trong Sáng thế ký 12, Đức Chúa Trời đã chọn ra một người, Áp-ra-ham, và dòng dõi của ông để xác lập lại mối quan hệ giữa Chúa và loài người. Đức Chúa Trời hứa rằng qua Áp-ra-ham cả thế gian sẽ được phước. Phần còn lại của Cựu Ước là câu chuyện về gia đình Áp-ra-ham (dân tộc Y-sơ-ra-ên) và sự tương tác của Đức Chúa Trời với họ. Đức Chúa Trời cũng hứa ban cho Áp-ra-ham đất Ca-na-an làm cơ nghiệp cho dòng dõi ông.

Phần còn lại của Sáng thế ký kể những câu chuyện, một số kể về những thất bại rõ ràng của Áp-ra-ham, con trai ông là Y-sác, cháu trai ông là Gia-cốp (sau này đặt tên là Y-sơ-ra-ên) và mười hai con trai của Gia-cốp. Vì lòng ghen tị những người anh trai trong số mười hai người đã bán Giô-sép qua Ai Cập. Đức Chúa Trời ở cùng Giô-sép, và trong khoảng thời gian khoảng hai mươi năm, Giô-sép đã thoát khỏi kiếp nô lệ để trở thành người cai trị cả xứ Ai Cập, chỉ đứng sau Pha-ra-ôn. Khi nạn đói xảy ra, các anh trai của Giô-sép đến Ai Cập để mua lương thực và đoàn tụ với Giô-sép, người đã tha thứ cho họ và chuyển cả gia đình đến Ai Cập, nơi họ sẽ có đủ lương thực và dự phòng.

Cuộc xuất hành bắt đầu vài thế kỷ sau đó. Dân Y-sơ-ra-ên (Do Thái) thêm nhiều lạ lùng, nẩy nở ra, và trở nên rất cường thạnh; cả xứ đều đầy dẫy và người Ai Cập vì sợ số đông nên đã bắt họ làm nô lệ. Pha-ra-ôn ra lệnh giết tất cả các bé trai Y-sơ-ra-ên mới sinh. Một người mẹ giấu đứa con trai sơ sinh của mình càng lâu càng tốt, sau đó làm một chiếc giỏ nhỏ chống thấm nước và đặt cậu bé xuống dòng sông gần nơi con gái của Pha-ra-ôn đến tắm. Công chúa tìm thấy chiếc giỏ và quyết định giữ cậu bé, đặt tên là Môi-se và nuôi dưỡng cậu bé như cháu trai của Pha-ra-ôn. Sau đó, khi đã khôn lớn, Môi-se chứng kiến ​​cảnh dân tộc mình bị áp bức và đã giết một viên giám thị người Ai Cập đang đánh một nô lệ người Y-sơ-ra-ên. Pha-ra-ôn phát hiện ra điều đó, và Môi-se phải chạy trốn khỏi xứ. Ông trải qua 40 năm tiếp theo làm người chăn cừu du mục. Sau đó, Đức Chúa Trời hiện ra với ông và bảo ông quay trở lại Ai Cập và dẫn dắt dân tộc thoát khỏi chế độ nô lệ. Khi Môi-se đến gặp Pha-ra-ôn, Pha-ra-ôn từ chối tuân theo những yêu cầu của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời bèn giáng những tai họa khủng khiếp xuống Ai Cập, đỉnh điểm là cái chết của con trai đầu lòng trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, bất kỳ ai, người Y-sơ-ra-ên hay người Ai Cập, bôi huyết của một con chiên sinh tế lên các cột cửa và mày cửa nhà mình sẽ được tha - sự phán xét của Chúa sẽ vượt qua ngôi nhà đó. Với tai họa cuối cùng, Pha-ra-ôn cho dân Y-sơ-ra-ên đi, và Môi-se dẫn họ xuất hành khỏi xứ. Khi họ đến bờ Biển Đỏ, Pha-ra-ôn đã thay đổi ý định và đem một đạo binh truy đuổi những nô lệ cũ của mình. Đức Chúa Trời đã làm biển bày ra khô, nước phân rẽ, và dân Y-sơ-ra-ên đi qua biển như đi trên đất cạn, nhưng biển chặn lại những người Ai Cập đang đuổi theo và họ đã bị tiêu diệt.

Khi sách Xuất Ai Cập Ký tiếp tục, Môi-se bắt đầu nhiệm vụ dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên đến vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham và dòng dõi ông. Trên đường đi, họ nhận được Luật Pháp của Đức Chúa Trời, dạy họ cách cư xử công chính để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Họ cũng nhận được kế hoạch về đền tạm (một đền thờ di động), nơi Chúa sẽ gặp họ. Trong sách Lê-vi ký, Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên những chỉ dẫn về nghi lễ và những của lễ cần thiết để tội nhân có thể đến gần với một Đức Chúa Trời thánh khiết. Mặc dù dân sự hứa sẽ vâng lời và tôn vinh Chúa, sách Dân Số Ký lại nêu bật những thất bại liên tục của họ. Trên thực tế, người Y-sơ-ra-ên cuối cùng đã từ chối tiến vào Đất Hứa vì cho rằng những người chiếm đóng nơi đó quá mạnh đối với họ. Vì sự vô tín của họ, dân sự đã sống trong sa mạc khoảng 40 năm cho đến khi một thế hệ qua đời. Rồi Đức Chúa Trời đem con cái họ vào xứ. Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký chứa đựng những lời huấn thị cuối cùng của Môi-se gửi đến thế hệ mới, hầu hết trong số họ chưa trực tiếp trải nghiệm sự giải cứu kỳ diệu của Đức Chúa Trời khỏi Ai Cập.

Sách Giô-suê kể về việc dân Y-sơ-ra-ên đã chinh phục và chiếm đóng Đất Hứa nhờ sức mạnh của Đức Chúa Trời. Sách Các Quan Xét kể về sự thỏa hiệp tôn giáo của họ và việc thờ cúng các tà thần của xứ Ca-na-an. Chu kỳ lặp đi lặp lại trong Các Quan Xét là sự nổi loạn của dân sự, sự trừng phạt của Đức Chúa Trời, và sau đó là sự giải thoát qua một vị quan xét sau khi họ ăn năn. Sách Ru-tơ kể câu chuyện về một nữ Mô-áp công chính gia nhập Y-sơ-ra-ên và trở thành bà cố của Đa-vít, là người sẽ trở thành vị vua vĩ đại nhất của Y-sơ-ra-ên.

Sách 1 Sa-mu-ên là câu chuyện về tiên tri Sa-mu-ên và cách ông xức dầu cho vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên, Sau-lơ. Sau-lơ thất bại vì bất tuân Đức Chúa Trời nên Sa-mu-ên xức đi dầu cho Đa-vít. Đa-vít trở thành một phụ tá của Vua Sau-lơ. Sau-lơ nghi ngờ rằng Đa-vít được định sẵn để trở thành vua, vì vậy ông tìm cách giết Đa-vít. Cuối cùng Sau-lơ bị giết trong trận chiến và Đa-vít trở thành vua. 2 Sa-mu-ên và 1 Sử ký kể về triều đại của Đa-vít. Mặc dù ông có một số thất bại đáng kinh ngạc, nhưng ông vẫn yêu kính và tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúa hứa với ông rằng ông sẽ luôn có người nối dõi ngồi trên ngai vàng.

Kinh Thánh cũng có một bộ sách được gọi là văn chương khôn ngoan. Sách Gióp kể câu chuyện về một người đàn ông mất tất cả nhưng vẫn tiếp tục tin cậy Đức Chúa Trời. Ý chính của sách Gióp là đôi khi những người công chính phải chịu đau khổ mà không có lý do rõ ràng—nhưng Đức Chúa Trời luôn có lý do, ngay cả khi Ngài chọn cách không cho chúng ta biết lý do đó là gì. Thi thiên là sách cầu nguyện/thánh ca/thơ. Đa-vít đã viết nhiều bài trong số đó. Chúng bao gồm những bài ca ngợi khen và những lời cầu nguyện được giải thoát khỏi tai họa từ nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử Y-sơ-ra-ên. Sách Châm ngôn là tập hợp những câu nói khôn ngoan và sự khôn ngoan thực tế, chủ yếu được cho là của Sa-lô-môn. Sách Truyền đạo ghi lại sự vô ích của cuộc đời Sa-lô-môn sau khi ông rời xa Chúa. Sách Nhã Ca của Sa-lô-môn là một câu chuyện tình yêu nói về niềm vui của hôn nhân.

Sách 1 Các Vua và 2 Các Vua kể về các vị vua theo Đa-vít. Con trai ông là Sa-lô-môn có một khởi đầu tốt đẹp nhưng sau đó lại thỏa hiệp với việc thờ thần tượng. Khi con trai của Sa-lô-môn trở thành vua, mười chi phái phía bắc tách khỏi ông, chia vương quốc thành phía bắc (Y-sơ-ra-ên) và phía nam (Giu-đa), chỉ còn lại các bộ tộc Giu-đa và Bên-gia-min là trung thành với dòng dõi của Đa-vít. Không có vị vua nào của vương quốc phía bắc theo Đức Chúa Trời, và chỉ một số ít vua ở phía nam theo. (Sách Sử ký thứ hai kể thêm về các vị vua của Giu-đa hoặc vương quốc phía nam.) Có nhiều triều đại ở phía bắc, nhưng tất cả các vị vua phía nam đều là hậu duệ của Đa-vít.

Trong suốt thời các vua, Đức Chúa Trời đã sai các tiên tri đến để cảnh báo dân Ngài rằng sự phán xét sẽ đến nếu họ không ăn năn tội lỗi của họ. Ô-sê và A-mốt đã được sai đến nói với vương quốc phía bắc. Ê-sai, Giê-rê-mi (và Ca thương, do Giê-rê-mi viết), Giô-ên, Mi-chê, Na-hum, Ha-ba-cúc và Sô-phô-ni đã được sai đến nói với vương quốc phía nam. (Áp-đia và Giô-na nói cho dân ngoại bang.) Dân sự không ăn năn, và cuối cùng Đức Chúa Trời giáng sự phán xét. Vương quốc phía bắc đã bị A-si-ri hủy diệt vào khoảng năm 722 trước Công nguyên, và vương quốc phía nam đã bị Ba-by-lôn đánh bại vào năm 586 trước Công nguyên. Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy, nhiều người dân Giu-đa bị đày sang Ba-by-lôn. Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên là những tiên tri của Đức Chúa Trời trong thời gian bị lưu đày này. Sách Ê-xơ-tê là ​​lịch sử của người Do Thái sống ở Ba Tư trong cùng khoảng thời gian này.

Sau khi dân Giu-đa bị lưu đày 70 năm, Đức Chúa Trời bắt đầu đưa dân sự trở lại Giê-ru-sa-lem để tái thiết. Nê-hê-mi và E-xơ-ra ghi lại thời kỳ tái thiết này, còn các tiên tri Xa-cha-ri, A-ghê và Ma-la-chi đã nói lời Đức Chúa Trời cho dân sự trong thời gian này. Trong suốt quá trình, các tiên tri đã nói về một vương quốc được phục hồi, một giao ước mới và dòng dõi Đa-vít sẽ cai trị đời đời. Các tiên tri thậm chí còn bắt đầu cho biết rằng những dân ngoại (không phải dân Y-sơ-ra-ên) sẽ được hưởng phước lành. Nhưng tất cả những điều này sẽ xảy ra như thế nào vẫn chưa được làm rõ. Ma-la-chi là vị tiên tri cuối cùng trong Cựu Ước, và sau ông, có khoảng 400 năm không có bài giảng nào mang tính tiên tri được ghi lại trong Kinh Thánh. Trong 400 năm đó, dân Y-sơ-ra-ên giành được độc lập trong thời gian ngắn nhưng sau đó bị Đế quốc La Mã chinh phục.

Trong các sách Phúc âm Tân Ước (Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng), một tiên tri mới, Giăng Báp-tít, xuất hiện như là tiên tri đầu tiên trong bốn thế kỷ, loan báo rằng Vương quốc đã gần kề và Đấng Mê-si sẽ cai trị đang xuất hiện. Ông xác định Đấng Mê-si này chính là Chúa Giê-su. Mỗi sách trong bốn sách Phúc âm đều kể cho chúng ta về cuộc đời và chức vụ của Chúa Giê-su. Mặc dù Ngài sinh ra tại Bết-lê-hem, nhưng đó không phải là khởi đầu của Ngài, vì Ngài là Đức Chúa Trời trong xác thịt con người đến sống giữa chúng ta! Các sách Phúc âm ghi lại các phép lạ và những lời tuyên bố thiêng liêng của Ngài như tuyên bố Ngài ngang hàng với Đức Chúa Cha, tha thứ tội và chấp nhận sự thờ phượng. Chúa Giê-su đã tập hợp một nhóm nhỏ gồm mười hai môn đồ để đào tạo và dạy dỗ. Ngài bày tỏ cho họ biết rằng Ngài sẽ bị giết để trả giá cho tội lỗi của thế gian. Họ không hiểu Ngài đang nói gì lúc đó và từ chối ý tưởng đó. Làm sao một vị vua, Đấng Mê-si, có thể bị giết? Nhưng, đúng như Ngài đã phán, Chúa Giê-su đã bị phản bội, bị đóng đinh và sau đó đã sống lại từ cõi chết. Thay vì thành lập một vương quốc chính trị ở trần thế, Ngài phán cùng các môn đồ của Ngài hãy đi rao giảng Tin Lành về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Ngài cho toàn thể nhân loại. Bất cứ ai tin cậy nơi Ngài sẽ được tha tội và trở thành một phần trong vương quốc của Ngài. Khi đến đúng thời điểm, Ngài sẽ trở lại một cách tỏ tường và đầy quyền năng. Luật pháp Cựu Ước Ngài đã làm trọn, và bởi Ngài mà đền thờ cũng như của lễ và chức tế lễ trở nên lỗi thời. Khi Ngài trở lại, vương quốc đã hứa sẽ được khai mở.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại sự giáng lâm của Chúa Thánh Linh và sự truyền bá phúc âm trên khắp đất bởi các môn đồ ban đầu (các sứ đồ), trừ kẻ phản bội Giu-đa và thêm Ma-thia là người thế chỗ của Giu-đa, cũng như một sứ đồ mới tên là Phao-lô. Phao-lô từng là kẻ bắt bớ hội thánh, nhưng Đấng Christ đã hiện ra với ông và ủy thác cho ông sứ mệnh làm sứ đồ cho dân ngoại.

Các Thư tín Tân Ước là những bức thư do các sứ đồ viết cho các Cơ Đốc nhân ở nhiều vùng khác nhau thuộc Đế chế La Mã, giải thích giáo lý đúng đắn và khuyên răn hành vi đúng đắn. Mười ba thư tín được viết bởi Phao-lô, và tiêu đề của chúng cho biết chúng được viết cho ai: Rô-ma, 1 Cô-rinh-tô, 2 Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, và 1 Tê-sa-lô-ni-ca, 2 Tê-sa-lô-ni-ca được viết cho các hội thánh ở các thành phố Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, v.v.; 1 Ti-mô-thê, 2 Ti-mô-thê, Tít và Phi-lê-môn được viết cho các cá nhân. Tất cả các thư tín này giải thích thêm về Chúa Giê-su là ai và phúc âm liên quan đến đời sống hàng ngày như thế nào.

Một số thư tín khác được đặt theo tên của những người đã viết chúng: Gia-cơ; 1 và 2 Phi-e-rơ; 1, 2 và 3 Giăng; và Giu-đê. Tác giả của thư tín Hê-bơ-rơ không được biết đến, nhưng nó được viết cho người Do Thái, giải thích cách toàn bộ Cựu Ước đã được ứng nghiệm trong Chúa Giê-su như thế nào.

Khải Huyền là sách cuối cùng của Kinh Thánh. Sứ đồ Giăng đã viết để kể lại những khải tượng mà ông nhận được từ Chúa Giê-su. Khải Huyền chứa đầy những hình ảnh tuyệt vời và huyền bí, nhưng tất cả đều chỉ ra lẽ thật rằng một ngày nào đó Chúa Giê-su sẽ trở lại, và triều đại của Ngài sẽ hữu hình và không thể phủ nhận. Trong Ngài, mọi lời hứa với Áp-ra-ham và thế gian sẽ được ứng nghiệm. Những ai chối bỏ Ngài sẽ bị đày xuống hồ lửa. Chính qua sự sống, sự chết và sự phục sinh của Ngài mà con người có thể được tha thứ và có được mối tương giao với Đức Chúa Trời như A-đam và Ê-va lần đầu tiên đã biết nhưng rồi để lạc mất. Cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ tạo dựng trời mới đất mới. Đỉnh điểm của câu chuyện nằm ở Khải Huyền 21:3: “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng.”

Kinh Thánh là một sử thi kéo dài suốt lịch sử nhân loại. Câu chuyện của Kinh Thánh là mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời, vốn đã mất từ ​​lúc ban đầu, đang được phục hồi thông qua chức vụ của Đấng Christ. Mối tương giao này sẽ được trải nghiệm hoàn hảo trong các tầng trời và trái đất được tái tạo, nhưng thông qua Đức Thánh Linh, những ai đặt đức tin vào Đấng Christ có thể tận hưởng một phần mối tương giao đó ngay tại đây và ngay bây giờ. Cách tốt nhất để biết Kinh Thánh là đọc Kinh Thánh. Nếu bạn mới bắt đầu, bạn có thể nắm được “cốt truyện” của Kinh Thánh bằng cách đọc những sách sau theo thứ tự sau:

Sáng Thế Ký Xuất Ê-díp-tô Ký Dân Số Ký Giô-suê Các Quan Xét 1 Sa-mu-ên 2 Sa-mu-ên 1 Các Vua 2 Các Vua Ê-xơ-ra Nê-hê-mi Lu-ca (hoặc bất kỳ 1 trong 4 sách Phúc âm) Công Vụ Các Sứ Đồ Khải Huyền

English



Trở lại trang chủ tiếng Việt

Kinh Thánh nói về điều gì?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries