Câu hỏi
Chúng ta nên học điều gì từ cuộc đời của Ba-na-ba?
Trả lời
Trong sách Công vụ các sứ đồ, chúng ta thấy có một người Lê-vi đến từ Chíp-rơ tên là Giô-sép (Công vụ các sứ đồ 4:36), ông được các sứ đồ đặt tên là Ba-na-ba. Tên đó có nghĩa là “Con trai của sự yên ủi” (Công vụ các sứ đồ 4:36-37), hoặc ông được đặt tên “con trai của sự yên ủi” bởi vì ông có khuynh hướng phục vụ người khác (Công vụ các sứ đồ 4:36-37, 9:27) và sẵn sàng làm bất cứ điều gì lãnh đạo hội thánh cần (Công vụ 11:25-30). Ông được xem là “người lành, đầy-dẫy Thánh-Linh và đức-tin”. Qua chức vụ của ông, “rất nhiều người đã tin theo Chúa” (Công vụ các sứ đồ 11:24). Phao-lô lấy Ba-na-ba làm gương về một người có quan điểm đúng đắn về tiền bạc và tài sản. Khi bán đất, ông đem hết số tiền thu được đem đến và đặt dưới chân các sứ đồ (Công vụ các sứ đồ 4:36-37).
Khi hội thánh đầu tiên bắt đầu phát triển, bất chấp sự bắt bớ của Hê-rốt, Ba-na-ba đã được Đức Thánh Linh kêu gọi đi cùng Phao-lô trong những chuyến truyền giáo (Công vụ các sứ đồ 13:1-3). Giăng (còn gọi là Mác) là anh họ của Ba-ba-na cũng cùng đi để giúp cho ông và Phao-lô với tư cách là phụ tá của họ (Công vụ các sứ đồ 13:5; Cô-lô-se 4:10). Trong chuyến đi truyền giáo đầu tiên, vì một lý do nào đó, Giăng (Mác) đã lìa hai người và không hoàn thành hành trình chuyến đi truyền giáo (Công vụ các sứ đồ 13:13). Tuy nhiên, Ba-na-ba vẫn tiếp tục ở với Phao-lô và cùng đi với ông khi Phao-lô chuyển hướng rao giảng phúc âm cho dân ngoại (Công vụ các sứ đồ 13:42-52).
Sau chuyến đi đầu tiên đó, Phao-lô và Ba-na-ba bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến truyền giáo tiếp theo. Ba-na-ba muốn đem theo anh họ của mình là Giăng, cũng gọi là Mác, nhưng bị Phao-lô từ chối, và sự rạn nứt ngày càng lớn giữa họ đến mức họ phải phân rẽ nhau (Công vụ các sứ đồ 15:36-41). Ba-na-ba, đúng với tên gọi của mình, đã chọn Mác và dành thời gian hướng dẫn ông. Rõ ràng việc làm đó của Ba-na-ba hiệu quả thậm chí nhiều năm sau, Phao-lô đặc biệt yêu cầu Mác đến với ông, vì Mác đã trưởng thành đến mức có thể giúp ích cho Phao-lô trong chức vụ của ông (2 Ti-mô-thê 4:11).
Trong Kinh Thánh có nhắc đến một việc không tốt mà Ba-na-ba đã làm có liên quan đến sự giả hình của Phi-e-rơ, nó đã ảnh hưởng đến những người Giu-đa khác (bao gồm cả Ba-na-ba) khi họ xa lánh một số người ngoại trong bữa ăn (Ga-la-ti 2:13).
Giống như Ba-na-ba, là Cơ Đốc nhân, chúng ta được kêu gọi trở thành người khích lệ người khác, đặc biệt những người yếu đức tin hoặc đang gặp khó khăn. Công vụ các sứ đồ 11:23 miêu tả Ba-na-ba là người vui mừng khi thấy người khác bày tỏ ân điển của Đức Chúa Trời trong đời sống họ, khuyên nhủ và khích lệ họ giữ lòng trung tín. Tương tự như vậy, chúng ta nên tìm cơ hội để khen ngợi những người sống phản ánh đức tin của họ để từ đó làm sáng danh Chúa. Ngoài ra, Ba-na-ba còn là một tấm gương về tấm lòng rời rộng khi dâng hiến một cách hy sinh cho công việc Chúa.
English
Chúng ta nên học điều gì từ cuộc đời của Ba-na-ba?