Câu hỏi
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Ê-li?
Trả lời
Tiên tri Ê-li là một trong những người thú vị và đầy màu sắc nhất trong Kinh Thánh, và Đức Chúa Trời đã sử dụng ông trong một thời điểm quan trọng trong lịch sử Y-sơ-ra-ên để chống lại một vị vua độc ác và mang lại sự phục hồi cho xứ sở. Chức vụ của Ê-li đánh dấu sự khởi đầu của việc chấm dứt thờ thần Ba-anh ở Y-sơ-ra-ên. Cuộc đời của Ê-li đầy hỗn loạn. Có lúc ông rất táo bạo và quyết đoán, có lúc lại sợ hãi và ngập ngừng. Ông luân phiên thể hiện chiến thắng và thất bại, sau đó là hồi phục. Ê-li biết cả quyền năng của Đức Chúa Trời lẫn vực sâu của sự trầm cảm.
Ê-li, một nhà tiên tri của Đức Chúa Trời có tên nghĩa là “Đức Chúa Trời của tôi là Đức Giê-hô-va,” đến từ Thi-sê-be trong khu vực Ga-la-át, nhưng không có thông tin gì về gia đình hoặc xuất thân của ông. Lần đầu tiên chúng ta gặp Ê-li trong 1 Các Vua 17:1 khi ông bất ngờ xuất hiện để thách thức A-háp, một vị vua độc ác cai trị vương quốc phía bắc từ năm 874 đến năm 853 trước Công Nguyên. Ê-li tiên tri về một trận hạn hán sẽ đến trên toàn xứ do hậu quả của sự gian ác của A-háp (1 Các Vua 17:1–7). Được Đức Chúa Trời cảnh báo, Ê-li trốn gần suối Kê-rít, nơi ông được nuôi bởi những con quạ. Khi hạn hán và nạn đói trong xứ ngày càng trầm trọng, Ê-li gặp một góa phụ ở nước láng giềng, và nhờ bà vâng lời yêu cầu của Ê-li, Đức Chúa Trời chu cấp đủ thức ăn cho Ê-li, người góa phụ và con trai bà. Điều kỳ diệu là thùng bột và bình dầu của bà góa không bao giờ cạn (1 Các Vua 17:8–16). Bài học cho người tin Chúa là nếu chúng ta bước đi trong sự tương giao với Chúa và vâng lời Ngài, thì chúng ta sẽ mở lòng đón nhận ý muốn của Ngài. Và khi chúng ta ở trong ý muốn của Đức Chúa Trời, thì Ngài đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta, và lòng thương xót của Ngài dành cho chúng ta không bao giờ cạn.
Tiếp theo, chúng ta thấy Ê-li là nhân vật trung tâm trong cuộc đối đầu với các tiên tri của thần giả Ba-anh trên núi Cạt-mên (1 Các Vua 18:17-40). Các tiên tri của thần Ba-anh cả ngày kêu cầu thần của họ giáng mưa lửa từ trời nhưng vô ích. Sau đó, Ê-li xây một bàn thờ bằng đá, đào một con mương xung quanh, đặt của lễ hy sinh lên trên đống củi và cho nước đổ lên của lễ mình ba lần. Ê-li kêu cầu Đức Chúa Trời, và Ngài đã giáng lửa từ trời xuống, đốt cháy của lễ, củi, đá và rút nước trong mương. Đức Chúa Trời đã chứng tỏ Ngài quyền năng hơn các thần giả. Sau đó, Ê-li và dân sự đã giết tất cả các tiên tri giả của Ba-anh, tuân theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời trong Phục truyền luật lệ ký 13:5.
Sau chiến thắng vĩ đại trước các tiên tri giả, một lần nữa mưa lại đổ xuống xứ (1 Các Vua 18:41-46). Tuy nhiên, bất chấp chiến thắng, Ê-li bước vào thời kỳ lung lay đức tin và chán nản (1 Các Vua 19:1-18). A-háp đã nói với vợ mình là Giê-sa-bên về sự thể hiện quyền năng của Đức Chúa Trời. Thay vì hướng về Chúa, Giê-sa-bên thề sẽ giết Ê-li. Nghe tin này, Ê-li đã chạy trốn vào đồng vắng, nơi ông cầu xin Chúa cất mạng sống của mình. Nhưng thay vào đó, Đức Chúa Trời làm cho Ê-li tỉnh táo trở lại bằng đồ ăn, thức uống và giấc ngủ. Rồi Ê-li đi bốn mươi ngày đường đến núi Hô-rếp. Ở đó, Ê-li trốn trong một hang động, vẫn cảm thấy tiếc cho bản thân và thậm chí còn thú nhận niềm tin của mình rằng chỉ còn lại một mình ông trong số các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. Sau đó, CHÚA bảo Ê-li đứng trên núi khi CHÚA đi ngang qua. Có một cơn gió lớn, một trận động đất, và sau đó là đám lửa, nhưng không có Chúa ở trong đó. Rồi đến là một giọng nhỏ nhẹ êm dịu mà trong đó Ê-li nghe thấy Đức Chúa Trời và hiểu Ngài. Đức Chúa Trời đưa ra chỉ dẫn cho Ê-li về những việc phải làm tiếp theo, bao gồm cả việc xức dầu cho Ê-li-sê để thay thế ông làm nhà tiên tri và đảm bảo với Ê-li rằng vẫn còn 7.000 người ở Y-sơ-ra-ên chưa cúi đầu trước thần Ba-anh. Ê-li vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Ê-li-sê trở thành phụ tá của Ê-li một thời gian, và cả hai tiếp tục đối phó với A-háp và Giê-sa-bên, cũng như con trai và người kế vị của A-háp là A-cha-xia. Thay vì chết một cách tự nhiên, Ê-li đã được cất lên trời trong một cơn gió lốc (2 Các Vua 2:1-11).
Chức vụ của Giăng Báp-tít được đánh dấu bằng “tâm thần và quyền phép của Ê-li” (Lu-ca 1:17), làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Ma-la-chi 4:5–6). Gia-cơ sử dụng Ê-li như một ví dụ về sự cầu nguyện trong Gia-cơ 5:17–18. Ông nói rằng Ê-li “vốn là người yếu đuối như chúng ta” nhưng ông đã cầu nguyện rằng trời đừng mưa, và trời đã không mưa. Sau đó, ông cầu nguyện rằng trời sẽ mưa, và trời đã mưa. Sức mạnh của lời cầu nguyện là ở Đức Chúa Trời, không phải ở bản chất con người của chúng ta.
Cũng giống như trường hợp của Ê-li, khi tập trung vào sự hỗn loạn của cuộc sống trên thế gian này, chúng ta có thể rời mắt khỏi CHÚA và trở nên nản lòng. Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài qua những công việc vĩ đại về quyền năng và sự phán xét như qua gió, lửa và động đất. Nhưng Ngài cũng liên hệ với chúng ta một cách mật thiết và riêng tư, chẳng hạn như trong tiếng êm dịu nhỏ nhẹ. Đức Chúa Trời đáp ứng nhu cầu thể chất của chúng ta, khuyến khích chúng ta xem xét lại những suy nghĩ và hành vi của chính mình, hướng dẫn chúng ta cách tiến hành và đảm bảo rằng chúng ta không đơn độc. Khi chú ý đến tiếng Chúa và bước đi trong sự vâng phục Lời Ngài, chúng ta có thể tìm thấy sự khích lệ, chiến thắng và phần thưởng. Ê-li phải vật lộn với những nhược điểm điển hình của con người, nhưng ông đã được Đức Chúa Trời sử dụng cách mạnh mẽ. Có thể chúng ta không phải trải qua những màn phô diễn sức mạnh kì diệu rõ ràng như vậy, nhưng nếu chúng ta đầu phục Chúa, thì Ngài cũng có thể sử dụng chúng ta một cách mạnh mẽ cho mục đích vương quốc của Ngài.
English
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Ê-li?