settings icon
share icon
Câu hỏi

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Giô-sép?

Trả lời


Giô-sép là con trai thứ mười một của Gia-cốp, con trai đầu lòng của ông với người vợ yêu dấu, Ra-chên. Câu chuyện của Giô-sép được tìm thấy trong Sáng thế ký 37-50. Sau khi được thông báo về sự ra đời của ông, tiếp theo chúng ta thấy Giô-sép là một thanh niên mười bảy tuổi trở về sau khi chăn bầy với những người anh em cùng cha khác mẹ của mình và thuật lại với cha các chuyện xấu của họ. Chúng ta cũng được biết rằng Gia-cốp “thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác, vì là con muộn mình, nên may cho chàng một cái áo dài có nhiều sắc” (Sáng thế ký 37:3). Các anh của Giô-sép biết cha yêu Giô-sép hơn họ, điều này khiến họ ghét ông (Sáng-thế Ký 37:4). Tệ hơn nữa, Giô-sép bắt đầu kể lại những giấc mơ của mình với gia đình—những khải tượng tiên tri cho thấy một ngày nào đó Giô-sép sẽ cai trị gia đình mình (Sáng-thế Ký 37:5–11).

Sự thù hận đối với Giô-sép lên đến đỉnh điểm khi các anh của ông âm mưu giết ông trong đồng vắng. Ru-bên, anh cả, phản đối việc giết người ngay lập tức và đề nghị họ ném Giô-sép vào một hố nước, vì anh ta định quay lại và giải cứu cậu bé. Nhưng, khi Ru-bên vắng mặt, một số lái buôn đi ngang qua, và Giu-đa đề nghị bán Giô-sép làm nô lệ; những người anh đã hoàn thành nhiệm vụ trước khi Ru-bên có thể giải cứu Giô-sép. Các anh đã lấy áo choàng của Giô-sép và nhúng áo vào máu dê sau đó, lừa cha của họ nghĩ rằng đứa con trai yêu quý của ông đã bị thú dữ giết (Sáng thế ký 37:18–35).

Giô-sép bị các lái buôn đem bán cho một quan chức Ai Cập cấp cao tên là Phô-ti-pha và cuối cùng trở thành người quản gia cho gia đình của Phô-ti-pha. Trong Sáng thế ký 39, chúng ta đọc thấy Giô-sép đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình như thế nào, trở thành một trong những đầy tớ đáng tin cậy nhất của Phô-ti-pha và được giao cai quản gia đình ông. Phô-ti-pha có thể thấy rằng bất cứ điều gì Giô-sép làm, Đức Chúa Trời đều đoái xem ông và ông luôn được ơn trong mọi việc ông làm. Thật không may, vợ của Phô-ti-pha đã cố gắng dụ dỗ Giô-sép. ông liên tục từ chối những lời đề nghị của bà ta, thể hiện sự tôn trọng đối với người chủ đã giao phó cho ông rất nhiều và nói rằng việc ông lên giường với vợ của Phô-ti-pha là "một điều đại ác và phậm tội với Đức Chúa Trời" (Sáng thế ký 39:9). Một ngày nọ, vợ của Phô-ti-pha tóm được áo choàng của Giô-sép và một lần nữa có hành vi muốn quan hệ tình dục. Giô-sép chạy trốn, để lại chiếc áo choàng của mình trong tay bà ta. Trong cơn tức giận, bà ta đã vu cáo Giô-sép về tội hiếp dâm, và Phô-ti-pha bỏ tù ông (Sáng Thế Ký 39:7–20).

Trong tù, một lần nữa Giô-sép được Đức Chúa Trời ban phước (Sáng Thế Ký 39:21–23). Giô-sép giải thích ý nghĩa giấc mơ cho hai người bạn tù. Cả hai cách giải thích đều được chứng minh là đúng, và một trong hai người này sau đó đã được ra tù và được phục hồi chức quan tửu chánh dâng rượu cho nhà vua (Sáng thế ký 40:1–23). Nhưng quan tửu chánh quên mất Giô-sép và không tâu với Pha-ra-ôn về ông. Hai năm sau, chính nhà vua cũng có những giấc mơ đáng lo ngại, và lúc này quan tửu chánh nhớ đến tài thông giải của Giô-sép. Vua liền triệu Giô-sép đến và thuật lại những giấc mơ của mình. Dựa trên những giấc mơ của Pha-ra-ôn, Giô-sép đã tiên đoán bảy năm mùa màng bội thu, sau đó là bảy năm đói kém nghiêm trọng ở Ai Cập và khuyên nhà vua bắt đầu tích trữ lúa mì để chuẩn bị cho tình trạng khan hiếm sắp tới (Sáng Thế Ký 41:1–37). Vì sự khôn ngoan của mình, Giô-sép đã được lập lên cầm quyền cả Ai Cập, chỉ đứng sau nhà vua. Giô-sép chịu trách nhiệm thâu trữ lương thực trong những năm dư dật và bán cho người Ai Cập và người nước ngoài trong những năm đói kém (Sáng Thế Ký 41:38–57). Trong những năm sung túc này, Giô-sép có hai con trai—Ma-na-se và Ép-ra-im (Sáng Thế Ký 41:50–52).

Khi nạn đói xảy ra, cả xứ Ca-na-an cũng bị ảnh hưởng. Gia-cốp sai mười người con trai của mình đến Ai Cập để mua lúa (Sáng thế ký 42:1–3). Ông giữ Bên-gia-min, đứa con út và là con trai duy nhất khác với Ra-chên, ở lại (Sáng thế ký 42:4). Khi ở Ai Cập, những người anh đã gặp lại người em thất lạc từ lâu nhưng họ không nhận ra. Tuy nhiên, Giô-sép đã nhận ra các anh mình. Ông đã thử thách họ bằng cách cáo buộc họ là gián điệp. Ông giam giữ họ trong ba ngày rồi thả tất cả, trừ một người, gửi lúa cho gia đình họ và yêu cầu họ trở lại cùng người em út (Sáng thế ký 42: 6–20). Vẫn không biết về danh tính của Giô-sép, các người anh mang mặc cảm vì đã bán đứng em mình nhiều năm trước (Sáng thế ký 42:21–22). Giô-sép nghe lỏm được cuộc thảo luận của họ và quay sang một bên để khóc (Sáng Thế Ký 42:23–24). Ông giữ lại Si-mê-ôn và tiễn những người khác lên đường, bí mật trả lại số tiền của họ vào các bao đựng lúa (Sáng thế ký 42:25). Sau đó, khi các anh nhận ra số tiền đã được trả lại, họ càng lo sợ hơn (Sáng thế ký 42:26–28, 35). Khi về đến nhà, họ kể cho Gia-cốp nghe tất cả những gì đã xảy ra. Gia-cốp lại than khóc vì mất Giô-sép và nay mất thêm Si-mê-ôn. Ông từ chối gửi Bên-gia-min, bất chấp lời hứa của Ru-bên rằng nếu ông không trở về cùng Bên-gia-min, Gia-cốp có thể giết hai con trai của mình (Sáng thế ký 42:35–38).

Nạn đói trở nên nghiêm trọng đến nỗi Gia-cốp phải đồng ý. Giu-đa thuyết phục Gia-cốp gửi Bên-gia-min đi cùng, và dùng mạng sống của mình để lập lời cam kết (Sáng thế ký 43:1–10). Gia-cốp đồng ý, gửi thêm những thổ sản, các loại hoa quả tốt nhất và gấp đôi số tiền mua lúa (Sáng thế ký 43:11–14). Khi Giô-sép nhìn thấy các anh của mình, ông ra lệnh cho những người hầu của mình giết một con vật và chuẩn bị một bữa ăn cho các anh em cùng dùng bữa với mình (Sáng thế ký 43:15–17). Lo sợ lời mời đến nhà của Giô-sép, các anh đến xin lỗi người quản gia của Giô-sép về số tiền đã đổi lần trước. Người quản gia của Giô-sép trấn an họ và đưa Si-mê-ôn ra ngoài (Sáng thế ký 43:18–25). Khi Giô-sép trở lại, các anh sấp mình xuống đất trước mặt ông, ứng nghiệm lời tiên tri ngày trước của ông (Sáng thế ký 43:26). Ông hỏi về tình hình của gia đình họ và lại khóc, lần này ông bỏ đi vào phòng trong mà khóc (Sáng thế ký 43:27–30). Khi những người anh em ngồi xuống dùng bữa ở một bàn riêng với Giô-sép, họ ngạc nhiên khi được sắp xếp theo thứ tự sinh ra. Bên-gia-min được cấp gấp năm lần phần thức ăn mà những người anh nhận được (Sáng thế ký 43:31–34). Trước khi gửi họ về với cha, Giô-sép lại thử thách các anh mình bằng cách trả tiền vào bao đựng lúa của họ và đặt chiếc cốc bạc của mình vào bao tải của Bên-gia-min. Giô-sép để các anh em bắt đầu cuộc hành trình của họ và sau đó cử người quản gia của mình đuổi theo họ giả vờ tức giận và đe dọa giết Bên-gia-min. Tất cả họ bị bắt trở lại thành và với sự hiện diện của Giô-sép, Giu-đa cầu xin sự sống của Bên-gia-min, nói rằng, nếu Bên-gia-min chết thì Gia-cốp cũng sẽ chết. Giu-đa kể về sự đau buồn của Gia-cốp khi mất Giô-sép và chắc rằng ông sẽ không thể chịu đựng được việc mất thêm người em của Giô-sép. Giu-đa cũng nói về lời cam kết của mình với Gia-cốp và dùng mạng sống mình để bảo đảm cho Bên-gia-min (Sáng thế ký 44).

Khi nhìn thấy bằng chứng này về sự thay đổi tấm lòng của các anh trai mình, Giô-sép đã đuổi tất cả những người hầu của mình đi và lớn tiếng khóc đến mức cả nhà của Pha-ra-ôn đều nghe thấy. Sau đó, Giô-sép tỏ thật cùng các anh em mình (Sáng thế ký 45:1–3). Giô-sép ngay lập tức trấn an họ, bảo họ đừng giận bản thân vì những gì họ đã làm với ông và nói rằng Đức Chúa Trời đã sai ông đến Ai Cập để bảo vệ họ (Sáng thế ký 45:4–8). Nhiều năm sau, Giô-sép tái khẳng định lại sự tha thứ của mình, sau khi cha của ông qua đời, nói rằng, các anh toan hại ông, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho ông (Sáng thế ký 50:15–21). Giô-sép gửi các anh trai của mình trở lại Gia-cốp để đón những người còn lại trong gia đình đến sống ở Gô-sen, nơi họ sẽ ở gần Giô-sép và ông có thể chu cấp cho họ (Sáng-thế Ký 45:9—47:12).

Gia-cốp đã đến sống ở Ai Cập cùng với cả gia đình. Trước khi qua đời, Gia-cốp chúc phước cho hai con trai của Giô-sép và cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự tốt lành của Ngài: “Trước cha tưởng chẳng còn thấy được mặt con, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời lại làm cho cha thấy được đến dòng dõi con nữa” (Sáng thế ký 48:11). Gia Cốp đã ban phước lành lớn hơn cho người em trong hai người con trai (các câu 12–20). Sau này trong lịch sử Y-sơ-ra-ên, Ép-ra-im và Ma-na-se, chi phái của Giô-sép, thường được coi là hai chi phái riêng biệt. Con cháu của Gia-cốp sống ở Ai Cập trong 400 năm, cho đến thời Môi-se. Khi Môi-se dẫn dân Hê-bơ-rơ ra khỏi Ai Cập, ông đã mang hài cốt của Giô-sép theo với mình, như lời Giô-sép đã căn dặn (Sáng-thế Ký 50:24–25; xem Xuất Ê-díp-tô Ký 13:19).

Có nhiều điều để học hỏi từ câu chuyện của Giô-sép. Với tư cách là cha mẹ, chúng ta có những lời cảnh báo về tính thiên vị của Gia Cốp và những ảnh hưởng có thể có đối với những đứa trẻ khác như được thấy trong tính kiêu ngạo trong tuổi trẻ của Giô-sép, sự đố kỵ và thù hận của các anh trai ông. Chúng ta có một ví dụ điển hình về cách đối phó với cám dỗ tình dục—chạy trốn (Sáng thế ký 39:12; xem 2 Ti-mô-thê 2:22), và chúng ta có một bức tranh rõ ràng về sự thành tín của Đức Chúa Trời. Ngài không bỏ rơi con cái của Ngài, ngay cả trong lúc khổ nạn: “Đức Giê-hô-va phù hộ Giô-sép” (Sáng Thế Ký 39:3, 5, 21, 23).

Chúng ta có thể gặp phải nhiều hoàn cảnh đau buồn, và trong số những hoạn nạn đó thậm chí có thể bất công, giống như những hoàn cảnh trong cuộc đời của Giô-sép. Tuy nhiên, khi học được từ lời tường thuật về cuộc đời của Giô-sép, bằng cách tiếp tục trung tín và chấp nhận rằng Đức Chúa Trời là Đấng nắm quyền sau cùng, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho lòng trung tín của chúng ta khi thời gian viên mãn. Ai sẽ đổ lỗi cho Giô-sép nếu ông từ chối các anh của mình khi họ gặp khó khăn? Tuy nhiên, Giô-sép đã bày tỏ lòng thương xót với họ, và Đức Chúa Trời muốn chúng ta bày tỏ lòng thương xót trên hết mọi của lễ (Ô-sê 6:6; Ma-thi-ơ 9:13).

Câu chuyện của Giô-sép cũng trình bày một cái nhìn sâu sắc đáng kinh ngạc về cách Đức Chúa Trời làm việc một cách tối thượng để chiến thắng điều ác và thực hiện kế hoạch của Ngài. Sau tất cả những thử thách của mình, Giô-sép đã có thể nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời đang hành động. Khi ông tiết lộ danh tính cho các anh của mình, Giô-sép nói về tội lỗi của họ như sau: “Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh. . . . Không, chẳng phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời” (Sáng Thế Ký 45:5, 8). Sau đó, Giô-sép một lần nữa trấn an các anh mình, bày tỏ sự tha thứ và nói: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi” (Sáng-thế Ký 50:20). Những ý định xấu xa nhất của con người không bao giờ có thể cản trở kế hoạch hoàn hảo của Đức Chúa Trời.

English





Trở lại trang chủ tiếng Việt

Chúng ta có thể học được gì từ cuộc đời của Giô-sép?
Chia sẻ trang này: Facebook icon Twitter icon Pinterest icon Email icon
© Copyright Got Questions Ministries